Không gây chú ý bằng những con số tỷ đô, các nhà đầu tư tên tuổi của Singapore đang sở hữu những danh mục dự án mà không ít nhà đầu tư ngoại khác phải mơ ước.
Tạo ra xu hướngTại thị trường Việt Nam, tài sản của Keppel Land chiếm tương đương hơn 456 triệu USD.
Nhìn lại quá trình đầu tư của các doanh nghiệp Singapore vào thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam có thể thấy, họ đã đi những bước khá thận trọng, không đầu tư dàn trải trong cùng thời điểm mà biết cách phân bổ các hạng mục đầu tư tùy vào sự biến thiên của thị trường.
Do đó, đa phần đều mang lại kết quả khả quan về hiệu quả kinh doanh lẫn tài chính. Điển hình như trước năm 1998, nhà đầu tư Singapore là những người đi tiên phong vào Việt Nam và tạo ra những xu hướng BĐS cho thị trường.
> Đề xuất ban hành luật riêng về chung cư > Keangnam trả quyền điều hành chung cư: Một góc nhìn khác > Chung cư cao cấp nhanh xuống cấp > Chung cư cao cấp lập mặt bằng giá mới > Quản lý chung cư: Nhà bên trong, ngóng bên ngoài |
Còn nhớ, năm 1994, Công ty Sutl Leisure Pte., Ltd đã liên doanh với phía đối tác Việt Nam đầu tư hơn 13 triệu USD để xây dựng khu vui chơi giải trí, cho thuê bán lẻ Saigon Super Bowl tại Tân Bình, TP.HCM.
Đáng kể nhất có lẽ là hai khách sạn 5 sao hàng đầu tại TP.HCM. Cụ thể là vào năm 1992, cùng với Saigontourist, Công ty Glynhill Investments Vietnam đã thành lập Công ty khách sạn Chains Caravelle để xây dựng, mở rộng, nâng cấp khách sạn Caravelle với số vốn "khủng" thời điểm đó là 61,5 triệu USD.
Đồng thời, sau đó hai năm, một nhà đầu tư Singapore khác là Công ty Lam Ho Investments Ptd., Ltd đã bắt tay với Saigontourist xây dựng khách sạn Sheraton với tổng vốn 97 triệu USD thông qua Công ty LD Khách sạn Đại Dương và sau này là hàng loạt các công trình nhà ở, khách sạn khác như Avalon Saigon, khu biệt thự Saigon Riviera 5,9 ha tại P. An Phú, Q. 2 (TP.HCM) hay khu căn hộ dịch vụ cho thuê Somerset Nguyễn Thị Minh Khai do The Ascott, trực thuộc Tập đoàn CapitaLand quản lý.
Nhận định về đầu tư Singapore, một chuyên gia về đầu tư nước ngoài cho rằng, điểm mạnh của các doanh nghiệp nước này là họ am hiểu về thị trường châu Á nên nhận thấy được các cơ hội từ rất sớm.
Đầu tư kiểu Singapore
Năm 2013, trong khi nhiều nhà đầu tư đổ xô sang Yangon (Myanmar) đặt văn phòng đại diện, xin dự án đầu tư khách sạn, trung tâm thương mại... khởi đầu làn sóng đầu tư vào một thị trường mới nổi thì Keppel Land đã "chịu đấm ăn xôi" hơn 15 năm.
Năm 1993, Keppel Land, một công ty có vốn sở hữu của Chính phủ Singapore đã vào thị trường Myanmar và đến năm 1997 thì hoàn tất đầu tư giai đoạn 1 khu căn hộ, khách sạn cho thuê Sedona Hotel Yangon tại Yangon.
Nhưng mãi đến năm 2013, công trình khách sạn tại Yangon mới thực sự có "đất dụng võ”. Bởi, tính riêng 8 tháng đầu năm 2013, khách du lịch nước ngoài đến Myanmar là hơn 1 người, tăng 80% so với cùng kỳ nhưng số phòng khách sạn có chất lượng tốt ở đây ước tính chỉ 2.000 phòng, thì con số 366 phòng của Sedona Hotel Yangon được xem là mơ ước của nhiều nhà đầu tư mới bước vào thị trường.
Để mở rộng hơn nữa kinh doanh, năm vừa rồi, Keppel Land đã đầu tư 80 triệu đô Singapore xây dựng tòa khách sạn 29 tầng Sedona Hotel Yangon, tăng số phòng hiện hữu từ 366 lên con số 786 phòng.
Với tầm nhìn xa và tiềm lực tài chính vững vàng, tập đoàn BĐS này đã đặt chân vào những thị trường mới nổi từ rất sớm để tìm kiếm các cơ hội đầu tư với chi phí hợp lý nhất. Chắc chắn, giá đất năm 1996 của Sedona Suite TP.HCM (Saigon Center, 65 Lê Lợi, Q.1) sẽ khác so với việc tiếp cận một khu đất vàng tại trung tâm thành phố trong những năm gần đây.
Hơn nữa, vào thời điểm đó, cùng với dự án trung tâm tài chính 33 tầng ở đường Tôn Đức Thắng (Q.1), Saigon Center là một trong số ít các dự án cao tầng cho thuê tại TP.HCM.
Trải qua suy thoái kinh tế và 3 lần nóng - lạnh của thị trường BĐS Việt Nam, Keppel Land chưa bao giờ có ý định chia tay thị trường. Thậm chí, chủ trương của tập đoàn này là tăng cường sự hiện diện của họ theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu tại những thị trường mới nổi như Việt Nam, Sri Lanka, Indonesia bên cạnh hai thị trường chủ lực là Singapore và Trung Quốc.
Tính đến ngày 31/12/2013, tổng tài sản của Keppel Land tại các thị trường thì Singapore dẫn đầu với 47%, tiếp theo là Trung Quốc với 43% và đứng thứ 3 là Việt Nam với 5% (Indonesia sau Việt Nam với 2%).
Gần 20 năm đầu tư vào thị trường Việt Nam, nhà đầu tư này đã sở hữu 18 dự án BĐS thuộc nhiều hạng mục như: nhà ở, khu đô thị, trung tâm thương mại, văn phòng tại khắp các thành phố lớn của VN.
Ngay trong năm vừa rồi, doanh thu bán căn hộ, biệt thự tại thị trường Việt Nam đã đạt mức 170 sản phẩm (giá trị thấp nhất ở vào khoảng 3 tỷ đồng/sản phẩm), trong đó ghi nhận ở 3 dự án là The Estella (Giai đoạn 1, Q. 2), Riviera Point (Q. 7) và khu biệt thự Riviera Cove (Q. 9).
Khi được hỏi về chiến lược đầu tư ở Việt Nam, ông Linson Lim, Chủ tịch Keppel Land Việt Nam cho rằng, tiềm năng về nhà ở tại các đô thị lớn ở Việt Nam vẫn còn, song, tùy vào điều kiện thị trường mà Tập đoàn sẽ lần lượt triển khai các dự án. Nếu nhìn vào chiến lược đầu tư của Keppel Land tại Việt Nam có thể thấy, từ năm 2015 trở đi sẽ là thời điểm tập đoàn này ra mắt nhiều sản phẩm nhà ở.
Trả lời Báo Doanh Nhân Sài Gòn về việc liệu có hay không Keppel Land sẽ thay đổi thiết kế căn hộ và giá thành (chia nhỏ căn hộ) ở những giai đoạn tiếp theo của các dự án chung cư tại TP.HCM để phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay, ông Đoàn Anh Hùng, Tổng giám đốc Keppel Land Việt Nam, cho biết, chiến lược về sản phẩm của Tập đoàn tại TP.HCM là không đổi, riêng về dòng sản phẩm với giá thành cạnh tranh thì Tập đoàn đã có dự án ở Đồng Nai.
Một nhà đầu tư Singapore khác cũng đã đẩy mạnh giải ngân vào thị trường BĐS Việt Nam trong hơn 2 năm qua là Tập đoàn Mapletree. Ngoài mảng đầu tư kho vận tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore ở Bình Dương và Bắc Ninh, tập đoàn này đã thể hiện rõ quan điểm Việt Nam là một trong những thị trường đầu tư trọng điểm của họ.
Theo đó, Việt Nam đứng thứ 5 trong số 8 thị trường châu Á mà Mapletree hiện diện với vốn đầu tư 408 triệu đô Singapore (chỉ sau Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc và Nhật Bản của Mapletree). Cuối năm 2012, tập đoàn này đã mở rộng đầu tư nhà ở khi tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp có dấu hiệu chững lại.
Triển khai từ đầu năm 2013, dự án Saigon South Place Complex với diện tích sàn lên đến 262.000m2 tại khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng hiện được giới đầu tư đánh giá cao về tiến độ xây dựng.
Đây cũng là sản phẩm BĐS thương mại đầu tiên của Mapletree phát triển tại Việt Nam mang thương hiệu VivoCity, trong đó Mapletree chiếm 62% cổ phần, phần còn lại là của Saigon Co.op và Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (ở Trung Quốc, Mapletree cũng đang xây dựng công trình này với quy mô 297.000m2 sàn).
Trước khi triển khai công trình này, nhà đầu tư Singapore đã kịp mua lại toàn bộ dự án cao ốc văn phòng, căn hộ và thương mại 18 tầng Pacific Place (Hà Nội) thông qua công ty con là Ever Fortune Trading Center JSC. Vào Việt Nam từ năm 2005, đến nay, Mapletree đã sở hữu khoảng 5 dự án lớn tại Bình Dương, Bắc Ninh, TP.HCM và Hà Nội.
Trong kế hoạch phát triển của Tập đoàn về trung và dài hạn, ông Hiew Yoon Khong, Giám đốc điều hành Mapletree Group cho biết sẽ vẫn tăng cường sự hiện diện tại châu Á, đặc biệt là tiếp tục giải ngân vốn vào thị trường Việt Nam, Malaysia và một số nước Đông Nam Á khác.
Nói về hoạt động của các nhà đầu tư Singapore, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Nghiệp vụ, Công ty Savills Việt Nam, cho rằng, những doanh nghiệp đã đầu tư ổn định và có tiềm lực mạnh sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam vì thực chất, họ có kinh nghiệm để đối phó với khủng hoảng; trong khi những nhà đầu tư Singapore sẽ thận trọng hơn khi tiếp cận thị trường BĐS Việt Nam vì quy mô những doanh nghiệp này nhỏ hơn.