Trong lúc lái xe đi tìm thành Đồ Bàn mà không ai biết ở đâu, chúng tôi cứ ngẫm nghĩ về một người đẹp nghìn tuổi ngủ quên trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Đọc E-paper
1. Quy Nhơn thường là điểm đến ở đồng bằng trong những chuyến chúng tôi ngao du Tây Nguyên thấm mệt với đèo dốc. Chúng tôi đổ đèo An Khê, theo quốc lộ 19 về Quy Nhơn - nơi được mệnh danh là "Đất võ, trời văn".
Mười năm trước như thế, bây giờ vẫn lộ trình ấy, bởi trong tâm thức, Quy Nhơn vẫn chưa thăng tiến về tên tuổi trong giới phượt. Vì thế đành chọn cách đi ghép, đi Tây Nguyên, hoặc từ Đà Lạt xuống, vượt qua Nha Trang rồi chạy về Quy Nhơn.
Đúng là không nhiều người đặt điểm đến du lịch là Quy Nhơn, khác với cách người Hà Nội hay người Sài Gòn đặt kế hoạch đi chơi Đà Nẵng trong kỳ nghỉ hè, hoặc du lịch Nha Trang, Hạ Long.
Giữa lúc xe chạy rề rề trên con đường Trần Phú ven biển rất nhiều khách sạn quy mô nhỏ, ai nấy đều ngạc nhiên, bãi biển đẹp như thế này mà sao các nhà đầu tư không mạnh tay. Đúng thời điểm Đà Nẵng và các thành phố ven biển khác phát triển mạnh du lịch cách nay 5 năm, thì biển Quy Nhơn bị cú "cá mập vào bờ" hạ đo ván. Du khách hoảng sợ. Khách ít đến, nhà đầu tư giãn tiến độ xây dựng.
Quy Nhơn không thua kém các thành phố ven biển về tài nguyên du lịch. Những địa danh Ghềnh Ráng, những tháp Chăm như từ trên trời rơi xuống, nghiêng nghiêng, lửng lơ, rồi chục năm gần đây có thêm bảo tàng Quang Trung, có biểu diễn nhạc võ, rảnh rang hơn thì đi thăm làng chài chợ cá buổi sớm cũng rất tuyệt.
>>Quy Nhơn lọt top 3 điểm đến mới lạ ở Đông Nam Á
Vùng đất miền Trung này luôn đem lại cảm xúc rất riêng biệt. Chỉ cần thoáng nhìn ven quốc lộ 1A, trông thấy những "giọt Chàm", của nhạc sĩ Văn Cao khi ông ngồi xe đò ngang qua Quy Nhơn sau năm 1975. "Giọt Chàm" làm bao người ngưỡng mộ - một thứ kiến trúc bí ẩn đẹp nao lòng in vào trời xanh khi dõi theo tháp Chăm từ con đường thiên lý Bắc Nam. Tuy thế, so với 10 năm trước, Tháp Đôi - địa điểm chính để du khách đến tham quan khiến chúng tôi ngờ ngợ khi thấy cảnh vườn hoa ghế đá như công viên. Có một cái gì đó lệch nhịp giữa kiến trúc Chăm và cảnh quan kiểu Việt.
Những triều đại Chămpa từng chinh chiến và dựng xây. Những cuộc hùng binh của người anh hùng áo vải Tây Sơn. Những trận đánh giữa nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn Ánh đã diễn ra ở đất này mấy trăm năm trước.
Và trong những hồi tưởng đó, chúng tôi luôn nghĩ lịch sử và kiến trúc kết hợp luôn đắt giá để làm du lịch. Chính vì vậy, khi tìm cho ra thành Đồ Bàn, nay cũng chỉ là bãi đất có vài ngôi mộ của tướng lĩnh thời chúa Nguyễn, nhưng nó làm chúng tôi sẵn sàng ở lại đó rất lâu, ngắm nhìn ngôi mộ vị tướng năm xưa, ngắm những bức tường thành bằng đá tổ ong nay đã rỗ mòn theo năm tháng.
Thành Đồ Bàn, sau gọi là thành Hoàng Đế khi Nguyễn Nhạc lên ngôi, xưng đế và ở trong thành này. Nó làm du khách khổ công khi tìm tên gọi Đồ Bàn, cái tên xưa cũ nhất của thành cổ để một lần chìm đắm trong những vần thơ của Chế Lan Viên ngày ông mới mười tám tuổi.
Eo Gió ở Quy Nhơn |
2. Mười năm mới trở lại thăm Quy Nhơn. Thành phố giờ đã có một tổ hợp nghỉ dưỡng 1.300 hécta mang tên LFC Quy Nhon Beach & Golf Resort đạt chuẩn 5 sao.
Còn nhiều dự án khác cũng tầm cỡ như vậy đang được mời gọi đầu tư. Khách sạn vừa và nhỏ cũng mọc lên chờ cơ hội khi năm 2016, du lịch Quy Nhơn tăng 26% và đang mong đạt mức tăng trưởng 30% trong năm 2017.
Đà Nẵng và Nha Trang trong quy hoạch du lịch cũng bám vào bờ biển, bám vào tài nguyên rừng trên các bán đảo và đảo. Và hiện nay du lịch ở hai địa phương này đã thành công về số khách, về nguồn thu. Tuy nhiên sự trả giá cũng không ít khi thiên nhiên bị "xẻ thịt", khi bao tài nguyên bị đem bán.
Du lịch Đà Nẵng trả giá khi những làng chài truyền thống đã biến mất, chỉ còn lại những khu nhà nửa phố nửa quê không thể hút khách. Giờ nếu Quy Nhơn cũng đi theo cung cách ấy, phát triển các khu nghỉ dưỡng, bất động sản du lịch trong khi thời tiết lại không thuận lợi như các thành phố khác ở miền Trung, sẽ tự đưa vào thế cạnh tranh với Nha Trang, Đà Nẵng hoặc Hội An, là một con đường tự làm cho dài hơn để về đích, trong khi Nha Trang và Đà Nẵng không có được những đặc sản tuyệt vời về lịch sử và văn hóa như Quy Nhơn.
>>Những món ngon nức tiếng ở Bình Định
Vài năm một lần tỉnh Bình Định tổ chức Festival Tây Sơn, cũng là cách khơi dậy truyền thống lịch sử. Nhưng nếu khơi dậy lịch sử vùng đất này mà chỉ dừng lại như vậy thì cũng chưa đủ cho du khách, bởi giống như mới mời du khách đọc sách giáo khoa trung học. Vùng đất lịch sử và văn hóa hàng ngàn năm có rất nhiều thứ để du khách tìm hiểu, phải là một điểm đến đặc biệt. Nếu làm bật lên vị trí đặc biệt đó của Quy Nhơn, Bình Định, tin rằng tỉnh này sẽ phát triển tốt du lịch văn hóa lịch sử, giống như Thừa Thiên - Huế đã định hướng khai thác văn hóa để làm du lịch.
Tài nguyên văn hóa và lịch sử luôn vô tận chứ không hữu hạn như tài nguyên rừng, biển. Mặc dù dịch vụ du lịch của Quy Nhơn còn mỏng, chưa có "gọi đâu có đó” như Nha Trang, nhưng vẫn tạo ra cảm giác vui thích, bởi bù lại sự không chuyên nghiệp là sự thân thiện và chân tình mà du khách bắt gặp trong làng chài Nhơn Hải.
Hy vọng trong khi Quy Nhơn không có thời vận để chạy nhanh thì sẽ khai thác hiệu quả kho tàng đang được thụ hưởng. Và có lẽ cũng nên suy nghĩ đến tư duy du lịch vùng. Quy Nhơn tuy là điểm dừng chân ngắn, nhưng đắt giá theo cách riêng. Thật tiếc nếu một ngày nơi đây thành nơi người ta biết đến như những bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, những cung cách du lịch hiện đại tàn phá tài nguyên chia biển chia rừng để năm bảy chục năm nữa không còn một giá trị nào rõ rệt.
Rời Quy Nhơn, cảm giác rất thú vị. Những bản sắc riêng hiện lên mồn một ngay trong ẩm thực, trong cá tính của những người phụ nữ đất võ. Tự nhiên muốn gọi Quy Nhơn là người đẹp nghìn năm tuổi vẫn đẹp!