Thách thức kép của da giày Việt Nam

MAI PHƯƠNG| 28/03/2018 04:26

Ngành da giày Việt Nam không có nhiều lợi thế để đạt được 2 yếu tố tốc độ và tiến độ.

Thách thức kép của da giày Việt Nam

Năm 2017, ngành da giày Việt Nam có nhiều điểm sáng về kim ngạch xuất khẩu cũng như vị thế trên thị trường thế giới..., nhưng theo nhìn nhận của các chuyên gia đến từ những thương hiệu giày lớn trên thế giới, Việt Nam không có nhiều lợi thế để đạt được 2 yếu tố tốc độ và tiến độ. Đây là vấn đề ngành da giày Việt Nam cần sớm điều chỉnh để phát triển bền vững.

Tại Hội nghị quốc tế xúc tiến xuất khẩu ngành da giày Việt Nam năm 2018 diễn ra tại TP.HCM tuần qua, ông Diệp Thành Kiệt - Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, ngành da giày Việt Nam đứng thứ 2 về xuất khẩu và thứ 3 về sản xuất trên thế giới. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt trên 18 tỷ USD, trong đó xuất vào thị trường Hoa Kỳ chiếm 36% tổng lượng xuất khẩu với mức tăng trưởng 12% và thị trường EU chiếm 30,6%.

Dù được nhìn nhận xuất khẩu tăng trưởng tốt, nhưng các chuyên gia trong ngành da giày Việt Nam và quốc tế vẫn khuyến cáo doanh nghiệp ngành da giày không nên chủ quan bởi thị trường đang thay đổi nhanh chóng từng ngày.

Theo ông Matt Priest đến từ Hiệp hội Phân phối và Bán lẻ giày dép tại Mỹ (FDRA), năm 2017 đánh dấu 17 năm liên tiếp Việt Nam tăng trưởng ấn tượng khi đạt từ 5 - 6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu giày vào Mỹ. Một phần là do người Mỹ chi tiêu nhiều hơn trước vì chính phủ Mỹ cắt giảm thuế thu nhập cá nhân cho người dân. Mặt khác là do việc tiếp cận thị trường Mỹ giờ đây đã dễ dàng hơn trước, nhưng cũng đồng nghĩa phải cạnh tranh nhiều hơn.

Link bài viết

Điều các chuyên gia lo lắng là hiện nay, nếu so về giá nhân công, Việt Nam không thể cạnh tranh với Campuchia, Bangladesh. Theo đó, trong tương lai, các sản phẩm giá rẻ vẫn tiếp tục dịch chuyển sang các nước khác, nên muốn phát triển bền vững, doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam nên tập trung nhiều hơn vào đầu tư, nghiên cứu và sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, như vậy mới có thể cạnh tranh được.

Hiện mức giá xuất khẩu trung bình của một đôi giày do Việt Nam sản xuất là 15,04 USD, cao hơn giá xuất khẩu của các nước khác trong khu vực rất nhiều. Đây chính là áp lực lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, bởi vì các thương hiệu lớn vẫn đang dịch chuyển sang các nước có chi phí nhân công rẻ hơn.

Thậm chí, theo thông tin tại Hội nghị, một số thương hiệu lớn như Nike còn có xu hướng xây dựng nhà máy ngay tại các thị trường lớn nhằm có thể tiết giảm chi phí đến 30% so với đặt hàng nơi khác sản xuất và vận chuyển về, vì họ cho rằng cách làm này giúp phục vụ khách hàng nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, sự lớn mạnh của thương mại điện tử đã khiến việc cạnh tranh giữa các thương hiệu ngày càng gay gắt hơn. Vì vậy, các nhà mua hàng đang có ý định chuyển nhà máy sản xuất đến những nước có công nghệ phát triển nhằm đảm bảo tính độc quyền, bí mật kinh doanh. Đồng thời, họ chọn những nhà máy có thời gian sản xuất ngắn hơn. Chẳng hạn trước kia thời gian sản xuất của một đơn hàng là 90 ngày thì nay họ muốn rút lại còn 60 ngày.

Các thương hiệu lớn cũng muốn chuyển sang đặt hàng các quốc gia có sẵn các nguồn nguyên liệu, do vậy, nếu thị trường trong nước có ngành công nghiệp phụ trợ tốt thì sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nhà mua hàng đến đặt hàng.

Với diễn biến của ngành như hiện nay, đại diện nhãn hàng giày New Balance đã tỏ ra lo lắng và thiếu niềm tin về việc Việt Nam có thể giữ được phong độ ở vị trí như thời điểm này, bởi so với Trung Quốc, Việt Nam không có nhiều lợi thế để đạt được 2 yếu tố tốc độ và tiến độ. Vì vậy, việc hợp tác trong ngành cần được doanh nghiệp xem xét.

Giám đốc cao cấp Công ty Weave Services - ông John Le cũng nhìn nhận, năng suất lao động ở Việt Nam có tăng nhưng mức lương vẫn tăng cao hơn, cho nên vẫn tạo sức ép lên doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, dù chi phí lương của doanh nghiệp ở các nước có tăng nhưng năng suất lao động của họ đã cao hơn Việt Nam nên họ vẫn có thể nâng cao năng lực cạnh tranh vì đầu tư đạt hiệu quả cao.

Mặt khác, với hệ sinh thái sản xuất phân tán, Việt Nam sẽ ngày càng gặp khó khi vẫn chưa giải quyết được các vấn đề thiếu hệ thống quản lý chung, thiếu sự hợp tác, chưa lập được kế hoạch cho khâu nguyên liệu.

Ngoài ra, các chuyên gia quốc tế còn nhấn mạnh, điều kiện cạnh tranh ngày nay không còn giới hạn trong phạm vi quốc gia. Trong bối cảnh các thương hiệu đặt ra nhiều tiêu chí về tính bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thì các nhà máy sản xuất giày dép càng phải chú ý nhiều đến các tiêu chuẩn về trách nhiệm. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải có chiến lược để thích ứng với tình hình mới.

Nói về vấn đề này, ông Phillip Kimmel - Giám đốc Bán hàng và thành viên Ban giám đốc Công ty Kingmaker Footwear Holdings cho rằng, do các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng luôn có thói quen thay đổi vì tính linh hoạt và đáp ứng xu hướng thị trường, nên nếu các nhà sản xuất không có sự khác biệt thì không thể tồn tại ở cuộc chơi hiện nay. Bởi thực tế, các nhãn hàng lớn luôn chú trọng việc quảng bá, xây dựng thương hiệu nên đòi hỏi sản phẩm phải nhanh chóng đến tay người tiêu dùng sau khâu thiết kế.

Việc quyết định có tiếp tục mua hàng hay không của các thương hiệu phụ thuộc vào quy trình sản xuất của nhà sản xuất. Thế nên các nhà máy cần nghiên cứu cắt giảm ngay những sản phẩm hạng B và C. Trong tương lai, tự động hóa - ứng dụng robot vào sản xuất sẽ trở thành xu hướng.

Tuy nhiên, tùy vào điều kiện của mình mà các doanh nghiệp có phương án đầu tư máy móc phù hợp để có thể vừa nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm được nguồn lực và đạt hiệu quả đầu tư.

Tóm lại, trước những thay đổi của thị trường, các nhà sản xuất giày dép cũng phải thay đổi để phù hợp với xu hướng của các nhà mua hàng. Có như vậy mới đảm bảo tính ổn định trong sản xuất và tăng trưởng trong kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thách thức kép của da giày Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO