Thách thức của những đô thị khổng lồ

THỤY KHA| 19/09/2011 04:49

Châu Á đang trải qua một quá trình đô thị hóa mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử.

 Thách thức của những đô thị khổng lồ

Châu Á đang trải qua một quá trình đô thị hóa mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử.

Một gia đình nhập cư tại Quảng Châu, Trung Quốc

Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc (LHQ), ngày 31/10/2011, dân số thế giới sẽ đạt con số 7 tỷ người. Trong đó, châu Á vẫn là nơi tập trung dân cư đông đúc nhất địa cầu.

Ước tính gần 43% dân số của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang sống trong các đô thị. Trong số 10 siêu đô thị trên thế giới thì châu Á chiếm tới 6 thành phố.

Cùng với quá trình bùng nổ phát triển, châu Á đang chứng kiến cuộc di dân đô thị lớn chưa từng có. Chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm, gần 1,1 tỷ người đã đổ về các thành phố sinh sống, nếu chia trung bình ra thì cứ mỗi ngày châu Á lại có 137 nghìn người di cư lên thành phố. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo, đến năm 2022, đa số người dân châu Á sẽ là người thành phố.

Đây là một thách thức lớn đối với các thành phố tại châu Á trong nỗ lực vừa phát triển kinh tế, mở mang đô thị và tạo thêm dịch vụ công cộng, giảm nghèo, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường.

Chẳng hạn, Theo nghiên cứu của Học viện Toàn cầu McKinsey (MGI), mỗi năm Ấn Độ cần xây dựng một thành phố tương đương với Chicago để cung cấp đủ không gian sinh sống và buôn bán cho những dân di cư từ nông thôn lên thành thị.

MGI còn dự đoán 100 thành phố mới từ Trung Quốc sẽ được đưa vào danh sách 600 tâm thành phố hàng đầu thế giới và chiếm khoảng 60% GDP toàn cầu trong vòng 15 năm tới.

Chỉ riêng tại Thượng Hải (Trung Quốc), các dự án tái phát triển vào những năm 1990 di dời nhiều cư dân hơn 30 năm đổi mới đô thị tại Hoa Kỳ.

Do các thành phố của Trung Quốc đang phát triển cả theo chiều ngang lẫn chiều dọc, quá trình đô thị hóa cũng ngốn mất một diện tích đáng kinh ngạc của vùng quê nông thôn.

Trước đây, các chuyên gia kinh tế, xã hội vẫn đánh giá di dân thành thị là một hiện tượng tiêu cực khi đi kèm với các gánh nặng về an sinh xã hội.

Tuy nhiên, gần đây đã có quan điểm nhìn nhận đô thị hóa và di dân là một dấu hiệu tích cực của phát triển khi đem lại cơ hội cho nhiều người phát triển và bình đẳng hơn.

Nhà kinh tế Mỹ Edward Glaeser, Giáo sư Đại học Havard, khẳng định rằng đối với các nước nghèo thì lên thành phố là con đường hiển nhiên để đi từ nghèo đói đến phồn thịnh.

Thế nhưng việc chuyển tiếp từ môi trường nông thôn sang thành thị không có nghĩa là tầng lớp trung bình sẽ trở lên giàu có một cách tự nhiên.

Theo ADB, đa phần các quốc gia ở châu Á, những khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã không theo kịp sự tăng trưởng kinh tế. Và khi xuất hiện các khoản đầu tư mới, lợi ích cũng không được phân bổ đồng đều.

Theo Ủy ban Kinh tế Xã hội LHQ, vẫn còn 40% dân thành phố châu Á sống trong các khu ổ chuột, không có các dịch vụ cơ bản được bảo đảm về thu nhập.

Sự bùng nổ dân số, đặc biệt sự gia tăng dân số đô thị, đã gây ra những vấn đề rất lớn - từ những khu nhà ổ chuột khốn khổ, cùng các dịch bệnh và tệ nạn đến sự ô nhiễm độc hại, cơ sở hạ tầng quá tải, tắc nghẽn giao thông...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thách thức của những đô thị khổng lồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO