Bánh quy là loại bánh làm từ bột củ khoai hạ, còn gọi là củ bình tinh lột hết lớp vỏ, rửa thật sạch, mài trên một tấm tôn đục nhiều lỗ nhỏ thành bột rồi ngâm vài ba ngày để nhựa ra hết, thay nước cho trong bột, khi bột khoai đã lắng xuống, chắt hết nước, đem phơi nắng.
Thông thường, cứ qua ngày 23 tháng chạp là bắt đầu làm bánh. Bao giờ cũng thế, tôi luôn hăng hái đi hái quả dằng xay, một loại quả tròn bằng ngón tay nhiều lá noãn ghép lại giống như cái cối xay, trông rất đẹp mắt, nên còn gọi là trái cối xay. Sau khi đã nhào bột khoai hạ với trứng gà ta theo tỷ lệ nhất định, má trải bột đều ra chiếc mâm đồng rồi dùng bàn chấn có hình răng cưa cắt ra từng miếng với hình vuông, hình tam giác, hình ngôi sao... Tôi hăm hở lấy trái dằng xay chấm vào chén nước màu được má pha từ các loại lá trong vườn - màu xanh lá dứa, màu tím lá cẩm, màu vàng đậm quả gấc... rồi chấm thành những bông hoa lên miếng bột bánh.
Để có mẻ bánh quy chắc đẹp và thơm ngon, công phu nhất là nướng bánh. Ngoại lựa những thanh củi khô chắc, chụm to lửa để có nhiều than. Ngoại bắc cái nồi bằng gang, đáy nồi trải một lớp cát sạch rồi mới để lên trên một miếng tôn. Bột bánh sau khi đã nặn và trang trí thành hình, bỏ lên miếng tôn, đậy chiếc vung lật ngược, bên trên bỏ một lớp than nóng. Dưới sức nóng của cát hong than đỏ phía dưới và lớp than phía nắp vung ở trên, bánh quy sẽ chín và nở đều, thơm phưng phức.
Bánh quy được lấy ra khỏi lò lửa có màu bột hơi ngả vàng và phần màu chấm thành hoa nổi rõ trên nền bột cùng viền răng cưa, rất đẹp. Tôi ngồi bên ngoại và mẹ, hít hà vị thơm của bột trứng, của mùi lá dứa thoang thoảng. Đôi lúc có mẻ bánh chín không đều, má cho tôi ăn tại chỗ. Bởi vậy, trong lúc thèm thuồng, tôi cứ len lén mong cho có mẻ bánh "bị lỗi" để được ăn thỏa thích.
Về sau, khi hàng quán bán đủ loại màu thực phẩm, hóa chất để làm bánh, má nhất quyết không sử dụng mà chỉ dùng hương liệu có sẵn trong vườn nhà. Má nói như thế mới giữ đúng vị quê và lành bụng.
Những ngày Tết, má bày cái khay xếp bánh quy chấm hoa dằng xay ra đãi khách. Giữa những loại bánh mua sẵn với bao bì bắt mắt, bánh quy bột khoai hạ khiêm nhường, đậm chất quê nhà. Chuyện đầu năm của gia đình, của lối xóm luôn xoay quanh chuyện nắng mưa, chuyện con cái... Ăn cái bánh quy, nhấm tách trà ông ngoại hãm trong cái ấm cũ ủ vỏ dừa khô, thêm chan hòa niềm vui năm mới.
Làng quê ngày một phát triển, càng về sau, Tết chỉ cần ra chợ là muốn mua thứ gì cũng có, nhất là bánh kẹo. Thế nhưng năm nào ông bà ngoại cũng tỉ mẩn chăm khoảnh vườn trồng khoai hạ để làm bánh quy.
Khi xa quê đi học, những lúc nhớ nhà, tôi lại thèm vị ngọt thơm chiếc bánh in hình răng cưa với nhiều dấu hoa dằng xay trên bề mặt. Tôi vẫn thường hỏi má, đã có bột rồi sao mình không làm bánh ăn quanh năm, má bảo bánh quy ngon hơn khi ăn trong thời khắc giao mùa, có nắng mà vẫn còn se lạnh. Trưởng thành, tôi mới hiểu ước mong của má là cạn ngày năm cũ, mong cả gia đình sum họp, quây quần cùng nhau làm bánh, cùng nhau háo hức ngóng những mẻ bánh nở đều, lên màu thật đẹp, đó chính là niềm vui Tết!
Trải qua bao nhiêu cái Tết ấm tình đoàn viên, rồi đến lúc phải rời xa ông bà, cha mẹ để học hành, tôi càng trân quý tình thân gia đình. Đôi lúc nghĩ suy về những dự định, những hoài bão ấp ủ, tôi vẫn vin vào những yêu thương cũ để có sự lựa chọn đúng đắn nhất. Và tôi tự hứa, sau này dù đi đâu về đâu, vẫn sẽ trở về nhà ngày Tết, để được nói với má rằng, Tết này mình làm bánh quy nghe má, để cùng nhen bếp lửa, để được nhìn những tia sáng lấp lánh trong đôi mắt của ông bà, cha mẹ - của những người đã dành cả cuộc đời để yêu thương tôi.