Giữ vững vị thế trong khó khăn
Hôm 8/4, TCL đã tổ chức họp báo ra mắt dòng sản phẩm công nghệ mới năm 2022 với thông điệp “Truyền cảm hứng tuyệt vời - Inspire Greatness”. Tại cuộc họp báo, ông David Din - Tổng giám đốc TCL Việt Nam đã có những chia sẻ về vị thế Top 2 thế giới ngành hàng tivi của TCL, chỉ sau Samsung từ năm 2018 và được duy trì đến hiện tại.
Cũng ngành hàng này tại VN, TCL chiếm vị trí thứ 4. Thế nhưng vào năm 2021, đặc biệt là quý IV cụ thể vào tháng 12, TCL lần đầu tiên tăng thị phần 15,3%, lọt Top 3 tại thị trường Việt Nam. Đây là giai đoạn dịch bệnh ở Việt Nam vẫn còn căng thẳng, tuy nhiên thay vì giảm sút thì ngược lại thị phần của công ty tăng trưởng mạnh mẽ hơn các đối thủ khác.
Đối với thiết bị điều hòa, số lượng xuất khẩu toàn cầu của TCl đứng vị trí Top 3. Ngoài việc sản xuất sản phẩm mang nhãn TCL thì TCL còn cung cấp sản phẩm OEM cho một số hãng nhỏ khác, do TCL có 5 nhà máy dành riêng cho thị trường quốc tế. Tuy nhiên tại Việt Nam, thị phần máy điều hòa của TCL vẫn chưa phát triển và định hướng của công ty trong 2 - 5 năm nữa sẽ tăng thị phần máy điều hòa tại Việt Nam, với kỳ vọng doanh số bán máy điều hòa có thể đạt mức tương đồng với tivi.
Ông Steve Du - Giám đốc bộ phận GMT của TCL chia sẻ: “Đối với tivi, mục tiêu tăng trưởng của chúng tôi là 40%. Đối với những sản phẩm khác, hiện tại chưa phải là con số hoàn hảo. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng trong tương lai khi TCL tập trung phát triển các sản phẩm đó thì số lượng bán ra có thể tăng gấp 2, 3 hay nhiều lần so với hiện tại”.
Ban lãnh đạo TCL chia sẻ câu chuyện "biến nguy thành cơ" trong năm 2021 |
Biến nguy thành cơ
Để có mức tăng trưởng trong đợt dịch vừa qua và đưa ra mục tiêu cao cho tương lai, ông Võ Quốc Khôi - Giám đốc kinh doanh toàn quốc ngành hàng tivi khẳng định TCL có đủ cơ sở đặt ra mục tiêu này. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta còn trong giai đoạn dịch, nếu đặt doanh thu tăng 40%, tức là cả nghìn tỷ thì thật sự không phải dễ đạt được. Tuy nhiên chúng tôi hoàn toàn có cơ sở để đặt ra mục tiêu này, bởi TCL biết được thế mạnh hiện tại. Khi covid xảy ra, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy nhưng TCL vẫn giữ được mức tăng trưởng quý III và đặc biệt quý IV. Làm được điều này vì chúng tôi đã biến nguy cơ thành cơ hội, biến khó khăn thành điều kiện phát triển, nhờ phát huy những thế mạnh của TCL”.
Ông Võ Quốc Khôi cho biết TCL có một thế mạnh rất lớn là đã hoàn thiện xong quy trình sản xuất, từ khâu sản xuất linh kiện đến cung ứng sản phẩm. Thời gian dịch bệnh bùng phát, trong khi các thương hiệu tương tự khác tại Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do họ phải nhập khẩu linh kiện từ các quốc gia lân cận mà chuỗi cung ứng xuyên quốc gia bị gián đoạn. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển từ tàu biển tăng đột biến 4 đến 5 lần so với trước đây. Trong hoàn cảnh đó, TCL có thế mạnh trước các đối thủ khi tự chủ được vấn đề sản xuất và vận chuyển.
Ông Khôi khẳng định: “Chúng tôi đã biến khó khăn của đối thủ thành thế mạnh của mình. Hiện tại công ty đã tối ưu hóa vấn đề nhà máy và vấn đề vận chuyển, tự chủ được chi phí và đây là một lợi thế rất lớn trong kinh doanh tại Việt Nam”.
Còn về kênh bán hàng, ông Khôi cũng chia sẻ TCL đã vào thị trường Việt Nam hơn 22 năm và đã phát triển việc bán hàng trên nhiều kênh, từ truyền thống đến hiện đại và sàn thương mại điện tử. Ông chia sẻ: “Chúng tôi phân phối sản phẩm đồng đều các kênh, điều này giúp chúng tôi có nhiều đối tác lớn, với hơn 5.000 điểm bán hàng. Chúng tôi đang tối ưu hóa điểm bán hàng tại tất cả các kênh. Trong dịch bệnh, chúng tôi tăng trưởng nhờ vào các kênh bán hàng online như Tiki, Lazada, Shopee. Khi bệnh dịch tạm lắng xuống, chúng tôi đầu tư vào các kênh truyền thống vốn có cũng như các chuỗi siêu thị. Và khi chúng tôi tối ưu được những điểm bán này và cải thiện những điểm yếu trước đây thì doanh thu tăng 40% là mục tiêu hợp lý, là con số kế thừa của quý IV năm 2021”.