Tennis - Pickleball

Tay ngang làm thầy dạy pickleball: Chuyện đang diễn ra tại Việt Nam

Đăng Báo 05/01/2025 07:00

Pickleball - môn thể thao mới đang “làm nóng” các sân thể thao tại Việt Nam. Cùng với đó, một nghề mới cũng dần hình thành và thu hút sự quan tâm đặc biệt của các huấn luyện viên (HLV) quần vợt.

Không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp hay sức khỏe tốt, hầu hết mọi người đều có thể chơi pickleball. Một gia đình vài ba thế hệ có thể cùng chơi môn thể thao này, điều này giúp pickleball còn được gọi là môn thể thao gia đình.

Môn thể thao “hot trend”

Sự phát triển nhanh chóng của cộng đồng người chơi pickleball tạo nên một thị trường đầy tiềm năng với những sản phẩm đi kèm như dụng cụ tập luyện, làm sân chơi, may trang phục... và mở ra cơ hội nghề nghiệp mới: HLV pickleball.

picklebal2.jpg

Nắm bắt xu hướng, một bộ phận HLV quyết định chuyển từ quần vợt sang dạy pickleball. Sự gần gũi giữa hai môn thể thao này giúp họ nhanh chóng tiếp cận và nắm bắt được những kỹ năng, chiến thuật, từ đó trở thành những người dạy pickleball cho người mới tham gia tập luyện.

Việc chuyển từ quần vợt hay các môn tương tự sang tập luyện, thi đấu hay huấn luyện pickleball đều không quá khó. Và đó là lý do mà nhiều người chuyền từ việc huấn luyện quần vợt hay cầu lông sang hướng dẫn chơi pickleball.

Lê Thế Cường - người đang huấn luyện pickleball tại quận Tân Phú, cho biết, chỉ trong vòng 6 tháng, nhu cầu học pickleball tại khu vực ông mở lớp đã tăng gấp vài ba lần, khiến ông - người có 5 năm kinh nghiệm với môn thể thao này cũng bất ngờ. “Điều đặc biệt của pickleball là tính gắn kết, người học thường đăng ký theo nhóm gia đình nhiều thế hệ hoặc bạn bè tìm kiếm môn thể thao giải trí. Nhiều người trung niên, từng chơi golf, quần vợt hay bóng đá, sau khi trải nghiệm, nhận thấy pickleball phù hợp với thể lực nên chọn làm môn tập luyện chính” - ông Cường chia sẻ.

Theo ông Nguyên Kha - người có kinh nghiệm 10 năm thi đấu và huấn luyện môn quần vợt và ba năm tìm hiểu và hướng dẫn những người mới tham gia chơi pickleball, thì quần vợt hay cầu lông là những môn chơi “gần” với pickleball, về cả bộ pháp (kỹ thuật) di chuyển cũng như các kỹ thuật cơ bản. Nhưng đi sâu tìm hiểu, tập luyện, người chơi pickleball sẽ thấy có khá nhiều sự khác biệt. Nhìn chung, việc chuyển từ quần vợt hay các môn tương tự sang tập luyện, thi đấu hay huấn luyện môn thể thao mới này đều không quá khó. Và đó là lý do mà nhiều người chuyền từ việc huấn luyện quần vợt hay cầu lông sang hướng dẫn môn pickleball.

Việc huấn luyện pickleball đang giúp HLV có được nguồn thu nhập tương đối tốt so với thu nhập của một lao động thông thường. Thậm chí, nếu một HLV có chuyên môn và sở hữu cách truyền thông tốt, mức thu nhập là khá cao.

“Với lợi thế là người nhiều năm dạy quần vợt, tôi có cơ hội tiếp xúc sớm với pickleball. Pickleball đang giúp tôi kiếm được thu nhập tương đối ổn, đủ để đảm bảo cuộc sống cho gia đình” - ông Lê Vũ, HLV pickleball tại TP. Thủ Đức cho biết.

Với mức học phí thông thường hiện nay từ 300.000 - 600.000đ/giờ tuỳ vào trình độ và hình thức học, một HLV có chuyên môn tốt có thể thu nhập 20-30 triệu đồng mỗi tháng.

Cũng theo ông Vũ, rất khó để nói cụ thể mức thu lao của công việc này, bởi nó phụ thuộc nhiều yếu tố, như thời gian, số lượng người học và cả hình thức học của học viên. Hiện nay, có những ngày ông nhận dạy từ 3 đến 4 nhóm học viên nên nguồn thu nhập khá ổn.

Nhập nhằng chứng chỉ

Sự phát triển quá nhanh chóng của pickleball lại tạo ra một vấn đề lớn trong việc kiểm chứng trình độ, chất lượng HLV môn thể thao này. Một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay là tình trạng nhập nhằng chứng chỉ của HLV pickleball.

picklebal.jpg
Pickleball đang “làm nóng” các sân thể thao

Một số HLV quảng cáo có chứng chỉ quốc tế, nhưng rất khó để kiểm chứng. Nhiều trường hợp, học viên chỉ tham gia khoá học ngắn hạn hoặc trực tuyến rồi tự nhận mình là HLV pickleball chuyên nghiệp. Vì chưa có quy chuẩn rõ ràng, nên bất kỳ ai có kinh nghiệm chơi pickleball một thời gian đều có thể tự mở lớp giảng dạy.

Những bất cập này một phần đến từ việc Việt Nam chưa thành lập liên đoàn pickleball nên chưa có đơn vị đủ uy tín để kiểm chứng chất lượng chứng chỉ HLV cả trong nước lẫn ngoài nước. Do đó, người học có nguy cơ được dạy bởi những HLV thiếu kiến thức hoặc kỹ thuật không đúng, làm giảm hiệu quả và trải nghiệm của họ với môn chơi này.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kiều Mỹ - Tổng thư ký Liên đoàn Quần vợt - Pickleball TP.HCM cho rằng, việc cấp chứng chỉ đôi khi quá dễ dãi và rất nhiều khoá học không có cơ sở để đảm bảo chất lượng đào tạo. Chứng chỉ huấn luyện pickleball hiện nay rất nhập nhằng. Ngoài những người đã tham gia các lớp đào tạo của Cục Thể dục - Thể thao và Liên đoàn Quần vợt - Pickleball TP.HCM tổ chức, vẫn còn nhiều người chỉ tham gia khóa học ngắn hạn vài ba buổi là được cấp chứng chỉ. Thời gian vừa qua, để bắt kịp nhu cầu phát triển môn pickleball, Cục Thể dục - Thể thao cũng như Liên đoàn Quần vợt - Pickleball TP.HCM đã tổ chức 5 lớp đào tạo HLV và trọng tài. Sắp tới đây, Liên đoàn tiếp tục mở các lớp đào tạo nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu học của học viên.

Ngoài những lớp đào tạo trong nước nói trên, vẫn có những chương trình đào tạo cấp chứng chỉ quốc tế được mở liên tục. Nhưng quy trình đào tạo cũng như quy định chất lượng đầu ra của HLV pickleball vẫn là một dấu hỏi lớn. Tuy nhiên, với “cái mác” chứng chỉ quốc tế, dù mức học phí không hề rẻ nhưng nhiều học viên vẫn sẵn sàng “bạo chi” để tham gia.

Để khắc phục tình trạng nhập nhằng chứng chỉ và nâng cao chất lượng HLV pickleball, việc thành lập Liên đoàn Pickleball Việt Nam là giải pháp cấp thiết. Một tổ chức chính thức có thể đưa ra tiêu chuẩn đào tạo rõ ràng, kiểm soát và công nhận chất lượng chứng chỉ, đồng thời xây dựng niềm tin cho cộng đồng người học và phát triển môn pickleball một cách bền vững.

Để khắc phục tình trạng nhập nhằng chứng chỉ và nâng cao chất lượng HLV pickleball, việc thành lập Liên đoàn Pickleball Việt Nam là giải pháp cấp thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tay ngang làm thầy dạy pickleball: Chuyện đang diễn ra tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO