Tăng trưởng xanh: Xu thế khó thay thế

Hồng Nga| 14/06/2023 07:00

Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là xu thế tất yếu để doanh nghiệp có thể cạnh tranh trên môi trường toàn cầu. Tuy nhiên, để đạt được điều này, nhất thiết phải xây dựng hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn…

Tăng trưởng xanh: Xu thế khó thay thế

Muốn tồn tại phải “xanh”

Sản xuất xanh đã trở thành hướng đi tất yếu, sống còn không chỉ với doanh nghiệp mà cho cả nền kinh tế quốc gia cũng như đời sống xã hội. Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp là xu hướng tất yếu. Các mô hình kinh tế tuần hoàn có thể cung cấp các giải pháp trong việc huy động nguồn lực, thực hiện đa mục tiêu, huy động đa nguồn lực hướng tới phát triển nhanh, bền vững.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho rằng, xanh hóa và thân thiện môi trường đang là mối quan tâm lớn của toàn thế giới. Sản xuất và tiêu dùng xanh trở thành chuẩn mực không thể thiếu và xanh hóa là nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Chia sẻ tại "Diễn đàn Thương mại xanh - Cơ hội, thách thức và triển vọng phát triển của doanh nghiệp" ngày 14/6/2023, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng cho rằng, hiện nay tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế bền vững trở thành xu thế tất yếu của thế giới. Gần đây, các nhà đầu tư khi đến với TP.HCM luôn đặt câu hỏi về năng lượng tái tạo, nguyên liệu xanh. Những nhà đầu tư đã đến từ trước cũng đặt vấn đề về "xanh hóa". Bởi nếu không đáp ứng được các tiêu chí xanh, sản phẩm của họ không thể xuất khẩu vào các thị trường châu Âu và các nước phát triển khác. Chuyển đổi xanh trở thành vấn đề rất cấp bách hiện nay. 

"Chúng ta đang đứng trước nguy cơ tụt hậu và thu hút đầu tư nước ngoài sẽ sụt giảm nếu không chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Khi đó, sản xuất hàng hóa không đưa ra được thị trường thế giới, doanh nghiệp cũng không thể hội nhập, tăng trưởng", Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

-4568-1686733366.jpg

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng "xanh hóa" đang là vấn đề cấp bách hiện nay 

Việc Việt Nam gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do đã tạo độ mở rất lớn cho thị trường trong nước và thế giới. Thực tế này đã giúp các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị phần trên thị trường quốc tế. Và "tấm hộ chiếu xanh" sẽ giúp doanh nghiệp vượt các rào cản, vươn mình mở rộng thị phần xuất khẩu lẫn nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm, hàng hóa cho thị trường nội địa.

Bởi báo cáo của Grand View Research Group 2022 cho thấy, quy mô thị trường công nghệ xanh và bền vững toàn cầu được định giá 13,28 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 22,4% từ năm 2022-2030.

Xây dựng hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn

Cơ hội là vậy nhưng theo tính toán của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Ngân hàng Thế giới (WB), để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030, dự kiến cần đến khoảng 30 tỷ USD. Trong đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần 70% từ khu vực tư nhân. Thế nhưng, hiện nay, đến 98% doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nguồn tài chính cũng là vấn đề.

Để có thể lựa chọn hướng phát triển xanh vừa phù hợp nội lực của doanh nghiệp Việt Nam, vừa đáp ứng tiêu chuẩn xanh mà các thị trường quốc tế đang áp dụng là vấn đề không dễ. Điều này càng trở nên khó khăn hơn khi đa phần các doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ và vừa, nội lực cạnh tranh yếu, vốn đầu tư mỏng.

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động trước những rào cản xanh đặt ra bởi các thị trường quốc tế. Và quá trình chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức về tài chính, công nghệ, thể chế, đặc biệt trong liên kết các bên, vì vậy, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm của các bên, đặc biệt vai trò của Nhà nước.

-9477-1686733366.jpg

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA cho rằng, xanh hóa là nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững

Trên thực tế, để có "sản xuất xanh", doanh nghiệp phải có nguyên liệu xanh - sạch, phải có năng lượng xanh - năng lượng tái tạo, phải có lao động xanh - lao động nằm trong điều kiện "đủ điều kiện lao động, phải được đào tạo, có sự hiểu biết về môi trường, xã hội, quy trình sản phẩm sạch"…

Khảo sát hiện trạng áp dụng kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp thuộc 5 nhóm ngành nhựa, dệt may, thép, chế biến thực phẩm, bia, rượu và nước giải khát cho thấy, có 87,8% doanh nghiệp có các giải pháp tối ưu hóa đầu vào, 55,6% doanh nghiệp có giải pháp tái tạo hệ sinh thái và giảm ô nhiễm môi trường, 70,3% có giải pháp kéo dài vòng đời sản phẩm. Hai yếu tố được doanh nghiệp đánh giá quan trọng nhất là tài chính (vốn, lợi ích, chi phí) và nhận thức, niềm tin của khách hàng. 

Để doanh nghiệp có thể "xanh hóa", các chuyên gia cho rằng cần thiết phải xây dựng hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn như quỹ đầu tư, tài trợ, mô hình hợp tác kết nối các bên, sự hỗ trợ quốc tế, công nghệ, nhân lực. Bên cạnh đó, cần mô hình thí điểm, vai trò "dẫn dắt" của doanh nghiệp đầu ngành, cùng phối hợp với Nhà nước, nhà khoa học, tổ chức quốc tế. Đặc biệt, cần có đề án cụ thể cho TP.HCM và được áp dụng theo hướng mở, có lộ trình từng bước và thực chất, hiệu quả, khả thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng trưởng xanh: Xu thế khó thay thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO