Tăng giá điện phải hài hòa lợi ích các bên

Lan Ngọc| 27/12/2022 04:50

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây kiến nghị Chính phủ cho tăng giá bán điện, do giá đầu vào tăng làm mất cân đối tài chính, ảnh hưởng tới cung cấp điện.

Tăng giá điện phải hài hòa lợi ích các bên

Một số ý kiến cho rằng, tăng giá điện cần phải thận trọng, tính đến các phương án hài hòa lợi ích, tránh tác động ngược tới nền kinh tế. Ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN cho biết, năm 2022, giá khí, giá dầu tăng vài chục phần trăm, giá than tăng 600% so với đầu năm 2021, nhưng giá bán lẻ điện vẫn giữ ổn định từ năm 2019.

Tình hình tài chính của EVN năm 2022 đang rất khó khăn, có thể mất cân đối trong năm 2023 và tiếp theo không có đủ nguồn tiền để hoạt động, không có tiền để trả các đơn vị bán điện, hệ số xếp hạng tín dụng sẽ bị đánh giá thấp, việc vay vốn ngân hàng cho các dự án điện cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến đảm bảo cung cấp điện.

Để khắc phục khó khăn, EVN cho biết, năm 2022 đã đưa ra giải pháp tiết kiệm 10% chi phí thường xuyên, cắt giảm 20-30% chi phí sửa chữa tài sản cố định, tăng cường quản trị các khoản giảm giá thành điện, tối ưu hóa dòng tiền, phát tối đa nguồn điện từ thủy điện có chi phí thấp, điều phối các hợp đồng mua than, ưu tiên nguồn than có giá rẻ hơn, đàm phán với chủ đầu tư các nhà máy điện BOT về sản lượng phát điện để tối ưu hóa chi phí chung... qua đó làm giảm đáng kể chi phí sản xuất, chi phí truyền tải điện, phân phối, phụ trợ.

Mặc dù vậy, các khoản tiết giảm được vẫn không thể bù đắp được chi phí đầu vào tăng cao khiến kết quả sản xuất, kinh doanh của EVN trong năm 2022 dự kiến lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng.

Dự báo giá nhiên liệu thế giới (than, dầu, khí) năm 2023 vẫn chưa có xu hướng giảm, EVN đã đưa ra kiến nghị điều chỉnh giá bán lẻ điện theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg, áp dụng cơ chế thị trường giá điện, tức là khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện cũng tăng và ngược lại, tương tự như điều chỉnh giá xăng, dầu. 

Liên quan đến đề xuất điều chỉnh tăng giá bán điện của EVN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá, trên cơ sở đó tính toán, đề xuất cấp có thẩm quyền các phương án thích hợp để xem xét, quyết định giá điện.

Theo ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, giá điện giữ ở mức thấp quá lâu có thể gây rủi ro cho EVN về tín nhiệm tài chính, không trả được tiền mua điện cho các nhà đầu tư đúng hạn. Nếu không tăng giá điện phù hợp, việc huy động tư nhân phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo theo mục tiêu Chính phủ đề ra sẽ gặp khó.

Tuy nhiên, ông Sơn khuyến nghị, tăng giá bán điện cần phải tính đến yếu tố cân bằng, hài hòa về lợi ích, tránh những tác động ngược đối với nền kinh tế và xã hội. Cần phải truyền thông một cách rộng rãi, hiệu quả, để người dân và doanh nghiệp thấu hiểu và có sự đồng thuận, cùng chia sẻ những khó khăn với ngành điện.

Theo ông Ngô Trí Long - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), người tiêu dùng không ai mong muốn giá hàng hóa tăng, nhất là những hàng hóa quan trọng như điện, xăng dầu... Tuy nhiên, giá điện đã duy trì ở mức thấp từ khá lâu (năm 2019), trong khi giá chi phí đầu vào thì lại tăng cao, nếu giá điện không điều chỉnh thích hợp sẽ ảnh hưởng tới đảm bảo cung cấp điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. 

Theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá bán điện, khi các thông số chi phí đầu vào làm cho giá thành điện tăng tương ứng thì giá bán điện cũng sẽ được xem xét điều chỉnh cho phù hợp. Do vậy, các cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền cần rà soát chi phí cấu thành giá điện để đưa ra các phương án điều chỉnh thích hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng giá điện phải hài hòa lợi ích các bên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO