Nghệ nhân pha trà Malaysia trình diễn một điệu múa đặc sắc với bình trà và dòng nước trà chảy vào ly có thể dài tới gần một mét, ly trà sữa Malaysia gắn với văn hóa, với một hình ảnh đẹp. Thế nhưng ly trà ấy vẫn nằm trong dòng văn hóa du lịch, du khách đến đây luôn được thưởng lãm nghệ thuật pha trà và cuối cùng là thưởng thức vị ngon của nó.
Ai cũng khen ngon, vậy nhưng người ta nhận ra trà sữa Malaysia chưa bao giờ trở thành một thương phẩm, một món đồ uống "hot" nhất, lan tràn với tốc độ chóng mặt khắp Đông Nam Á, Bắc Á như những ly trà sữa có nguồn gốc Đài Loan.
Nắm bắt được nhu cầu của giới trẻ, ở những thành phố lớn của Việt Nam, trà sữa nhanh chóng chiếm lĩnh những con đường sầm uất nhất chứ không phải là thức uống đường phố "take away" (đồ uống mang đi) nào khác.
Người kinh doanh sẵn sàng đầu tư cho mặt bằng và bỏ ra cả tỷ đồng trang trí để tạo ra những quán trà sữa sang trọng hơn hẳn quán cà phê và nhà hàng. Nếu như trong ngày đầu khai trương của những thương hiệu cà phê tên tuổi đến từ Mỹ và Hàn Quốc, người trẻ xếp hàng dài để được thưởng thức, thì sự vắng vẻ thời gian sau đó cho thấy hình như cà phê đang là một biểu tượng già nua.
Những buổi tối, trên các con đường lớn, trai thanh gái lịch thư giãn với ly trà sữa nhiều màu sắc bằng nhựa và ống hút, với chiếc điện thoại trên tay, đó là hình ảnh của thành phố về đêm trên khắp các nẻo đường.
Bất chấp những cảnh báo về nguyên liệu có thể độc hại, có thể gây béo phì, cảnh báo về sử dụng quá nhiều ly nhựa, ống hút nhựa sẽ thải ra môi trường một lượng rác thải độc hại khổng lồ mà phải mất thời gian rất dài mới phân hủy hết..., trà sữa vẫn bán chạy cả ngày lẫn đêm.
Rất nhiều quán cà phê gặp khó khăn khi nâng giá một ly cà phê lên trên 60 ngàn đồng, trừ những quán có tên tuổi, nhưng trà sữa thì có một thang giá bất tận. Thêm vài miếng thạch làm từ rau câu, ít viên trân châu nấu bằng bột sắn dây và đường đen là có thể dễ dàng tăng giá ly trà sữa thêm vài chục nghìn đồng.
Và trà sữa nhất định phải được đựng trong loại ly nhựa trong, in hình bắt mắt. Rất ít thương hiệu trà sữa dùng ly giấy, có thể do giá thành cao. Cái ly nhựa quen thuộc đến mức bây giờ nếu uống trà sữa bằng ly thủy tinh có thể cảm thấy không ngon.
Nhiều lúc "ngồi đồng" ở quán trà sữa, tôi nhận ra "văn hóa trà sữa" rất khác với cách thưởng thức cà phê. Nếu tụ họp trong quán cà phê thì nhóm bạn sẽ trò chuyện thật thoải mái, rôm rả. Trong khi ở quán trà sữa dù không khí trẻ trung hơn, nhưng khách hàng dường như rút vào một thế giới riêng chỉ có "ta và chiếc điện thoại" để thưởng thức thức uống hợp khẩu vị.
Hình ảnh người trẻ lặng im lướt tay trên màn hình điện thoại, thỉnh thoảng nhấp ngụm trà rất phổ biến trong các quán trà sữa. Kỳ lạ nhất là nhóm bạn ba, bốn người mà ai nấy đều đắm chìm vào chiếc điện thoại, chẳng ai trò chuyện với ai. Phải chăng giới trẻ ngày càng cô đơn và chỉ thích sống ảo?