Tài phiệt Hàn Quốc bán chạy cổ phần để lách luật

HÀ CÚC| 07/03/2015 09:12

Gia đình Hyundai Motor bắt đầu lại nỗ lực "bán chạy" cổ phần trước thời hạn siết chặt chaebol mà chính phủ của bà Park Geun-hye muốn thực thi để tạo động lực mới cho nền kinh tế Hàn Quốc.

Tài phiệt Hàn Quốc bán chạy cổ phần để lách luật

Gia đình Hyundai Motor bắt đầu lại nỗ lực "bán chạy" cổ phần trước thời hạn siết chặt chaebol (các tập đoàn tài phiệt của Hàn Quốc) mà chính phủ của bà Park Geun-hye muốn thực thi để tạo động lực mới cho nền kinh tế Hàn Quốc.

Theo Financial Times, Chủ tịch của Hyundai Chung Mong-koo và con trai Chung Eui-sun đang tiếp tục tìm cách bán ra 13,4% cổ phần của Công ty Hyundai Glovis - một bộ phận về vận tải và hậu cần của Hyundai. Kế hoạch bán, do Citigroup Global Markets thực hiện, dự kiến sẽ mang lại cho cha con ông Chung khoảng 1,06 tỷ USD. Trước đó, Hyundai Motor đã thất bại trong việc bán 5 triệu cổ phần của Hyundai Glovis do giá cổ phiếu sụt giảm nên tổng giá trị thương vụ không thu lại được số tiền dự kiến là 1,38 tỷ USD.

Nếu đợt bán cổ phiếu mới thành công sẽ giúp gia đình ông Chung điều hành tập đoàn phù hợp với một luật mới được Chính phủ của nữ Thủ tướng Park Geun-hye công bố vào năm 2014. Chính sách này nhằm siết chặt sự ảnh hưởng của mô hình chaebol trong nền kinh tế Hàn Quốc. Các quy định mới sẽ phạt các thành viên gia đình chaebol nếu một công ty mà họ nắm giữ ít nhất 30% lợi nhuận từ các giao dịch với các doanh nghiệp khác trong nhóm. Luật này bắt đầu có hiệu lực từ cuối tháng 2/2015, nhưng cho phép ân hạn một năm cho các hoạt động sở hữu chéo cổ phần.

Một số nhà phân tích đã dự đoán Chung Eui-sun có thể sử dụng số tiền thu được trong vụ bán cổ phần Glovis để tăng cổ phần trong Hyundai Mobis. Vấn đề quản trị doanh nghiệp và vốn của tập đoàn Hyundai đã được các cổ đông giám sát từ tháng 9 năm ngoái, khi Tập đoàn này có kế hoạch chi tới 10 tỷ USD để xây dựng trụ sở mới tại Seoul. Trong khi đó, Hyundai Motor có lợi nhuận ròng quý III bị giảm gần 30%. Nhờ lợi thế đồng yên yếu, các đối thủ đến từ Nhật Bản như Toyota, Nissan và Honda đã thắng thế Hyundai trên đất Mỹ.

Gần đây, Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua luật "thuế thừa kế” để tránh việc các thành viên trong tập đoàn lách luật thừa kế hiện hành. Đồng thời, nước này cũng điều chỉnh lại luật thương mại để thắt chặt các quy định về báo cáo giao dịch nội bộ. Việc giảm phần trăm sở hữu chéo của các thành viên gia đình cheabol như Hyundai được chính phủ của bà Park Geun-hye quyết liệt thực hiện khi ngày càng có nhiều lo ngại sự thao túng của chaebol trong nền kinh tế Hàn Quốc.

Sự ảnh hưởng của chaebol đến xã hội Hàn Quốc sâu sắc đến nỗi Reuters mô tả hình ảnh một người dân Hàn Quốc điển hình sẽ sống trong căn hộ do Samsung đầu tư, xem tivi của LG, lái xe của hãng Hyundai, sử dụng điện thoại Samsung và ăn tối tại một nhà hàng thuộc hệ thống Lotte.

Tuy nhiên, Samsung, một trong những chaebol lớn nhất Hàn Quốc, có bước khởi đầu không mấy suôn sẻ trong chuyển giao quyền lực. Phó chủ tịch Lee Jae-yong, con trai của Chủ tịch Lee Kun-hee, phải tự xoay xở với bài toán tăng trưởng cho hơn 70 công ty mà gia đình ông đang kiểm soát, trong bối cảnh lợi nhuận mảng smartphone suy giảm. Hiện nay, ngôi đầu mảng điện thoại thông minh của Samsung đang bị thách thức bởi Apple và các hãng như Xiaomi hay Lenovo. Giá cổ phiếu Samsung Electronics đã giảm 7,9% trong năm nay, sau khi đã giảm 9,9% trong năm ngoái.

Sự suy yếu của các chaebol như Samsung và Hyundai khiến giới chuyên gia cho rằng Hàn Quốc cần nhanh chóng phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ cạnh tranh quốc tế như du lịch y tế và dịch vụ công nghệ thông tin.

"Mô hình tăng trưởng được thúc đẩy bởi một số ít các nhà xuất khẩu lớn đã chạm tới điểm giới hạn. Chúng ta nên thúc đẩy sự đổi mới trong các công ty khởi nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển các ngành dịch vụ để cân bằng và duy trì sự tăng trưởng bền vững hơn", nhà nghiên cứu Suh Dong-hyuk thuộc Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc nhận xét.

Dưới khẩu hiệu thúc đẩy một "nền kinh tế sáng tạo", Thủ tướng Hàn Quốc Park Geun-hye đang cố gắng thúc đẩy môi trường giúp các quỹ đầu tư có thể mở rộng việc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, bà Park chưa làm tốt việc kiềm chế quyền lực của chaebol và vực dậy các doanh nghiệp nhỏ như lời hứa khi vận động tranh cử.

>Hàn Quốc: Tấn công chaebol?
>Vươn tới thương hiệu toàn cầu: Bài học từ các Chaebol

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tài phiệt Hàn Quốc bán chạy cổ phần để lách luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO