Vay tiêu dùng: Cơ hội mở

HỒNG NGA| 06/12/2017 03:47

Tín dụng tiêu dùng tăng bình quân từ 20 - 22%/năm kể từ năm 2012 nhưng mới đáp ứng được 1/4 nhu cầu nên "dư địa" còn lớn để doanh nghiệp và các tổ chức tài chính khai phá.

Vay tiêu dùng: Cơ hội mở

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, tính đến cuối năm 2017, TP.HCM đã cán mốc với mức dư nợ tín dụng trên 2 triệu tỷ đồng, chiếm 28% tổng dư nợ cả nước. Trong đó, 77% dành cho sản xuất kinh doanh, 10,8% cho lĩnh vực bất động sản và 12,2% cho vay tiêu dùng. Từ năm 2012 đến 2016, bình quân dư nợ tín dụng tiêu dùng của TP.HCM tăng từ 20% đến 22%/năm.

Nếu như năm 2012, dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ có 4% trong tổng dư nợ thì đến năm 2015 tăng lên 6%, năm 2016 lên 8% và dự kiến đến cuối năm nay là 12,2%.

Thị trường tiềm năng

Cho vay tiêu dùng tại TP.HCM trong những năm qua phát triển rất nhanh. Điều này có thể thấy rõ qua sự tăng trưởng của 2 công ty tài chính đứng đầu thị trường là Home Credit Việt Nam và FE Credit.

Thành lập năm 2008, đến nay Home Credit Việt Nam có 9.000 điểm giao dịch, 7 triệu khách hàng và trong số đó có hơn 4 triệu hợp đồng vay trả góp với lãi suất 0%. Tính đến giữa năm 2017, Công ty FE Credit có hơn 5 triệu khách hàng, hợp tác với 5.500 đối tác tại hơn 9.000 điểm giao dịch trên toàn quốc.

Với lợi thế không đòi hỏi tài sản đảm bảo, mức vay từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, đáp ứng nhu cầu mua sắm các vật dụng như điện thoại, máy tính, tủ lạnh, xe máy... khiến các công ty tài chính nhanh chóng trở thành một kênh cung ứng vốn dễ dàng và thu hút khách hàng. Và hiện tại, vay tiêu dùng đang là hình thức giúp các doanh nghiệp bán lẻ phát triển mạnh.

Ông Nguyễn Việt Anh - Phó tổng giám đốc FPT Shop cho biết, các công ty cho vay tiêu dùng đã và đang giúp nhiều ngành phát triển. Ngành bán lẻ điện thoại có mức tăng 20 - 30% và sẽ không thể đạt được tốc độ này nếu không có các doanh nghiệp cho vay tiêu dùng. FPT Shop có 465 cửa hàng với mức tăng trưởng 40% trong năm qua, trong đó, đóng góp của mảng cho vay tiêu dùng chiếm tới 30 - 35% doanh thu.

Tương tự, tại Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sang Trọng - doanh nghiệp có nhiều cửa hàng kinh doanh xe gắn máy ở TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh và các tỉnh miền Nam, doanh số bán hàng trả góp chiếm 50 - 60% trên tổng số xe bán ra trong 3 năm gần đây. Ông Đỗ Thanh Sang - Giám đốc Sang Trọng cho biết: "Cho vay tiêu dùng đã giúp người tiêu dùng mua được xe máy khi chưa đủ tài chính, từ đó hỗ trợ đại lý xe máy chúng tôi tăng số xe bán ra, thời gian bán hàng nhanh hơn, thời gian tồn kho ngắn lại, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh".

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, cho vay tiêu dùng tại TP.HCM tăng nhanh và vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển. Đó là nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM khá cao, gấp rưỡi so với bình quân cả nước. Dân số TP.HCM tăng nhanh, dân số trẻ và có nhu cầu tiêu dùng rất lớn cũng thúc đẩy cho vay tiêu dùng. Các ngân hàng thương mại và công ty tài chính đều nâng chất hoạt động, kích thích cho vay tiêu dùng sẽ khiến mảng kinh doanh này phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Cạnh tranh bằng công nghệ

Trước nhu cầu đang tăng cao và để đến gần hơn với người tiêu dùng, các tổ chức tài chính đã đầu tư mạnh vào công nghệ. Cụ thể, Home Credit Việt Nam đã ứng dụng Big data, social listening, phân tích rủi ro, bản đồ chiến lược...

Ông Dmitry Mosolov - Tổng giám đốc Công ty Home Credit Việt Nam cho biết, Công ty áp dụng công nghệ hiện đại cho tất cả quy trình nhằm đem lại sự thuận tiện nhất cho khách hàng. Quy trình duyệt hồ sơ hoàn toàn tự động, giảm thiếu tối đa thông tin mà khách hàng cần phải điền khi ký hợp đồng thứ 2 trở đi.

"Mỗi ngày, chúng tôi nhận hàng ngàn hồ sơ vay và dựa vào hệ thống Big Data để thẩm định. Có 95% khách hàng của Home Credit Việt Nam nhận được kết quả chỉ trong vòng 9 - 10 phút. Mục tiêu của chúng tôi là có thể thực hiện các quy trình với dữ liệu được thu thập tự động và giảm thiểu sự can thiệp của con người để đảm bảo yếu tố khách quan", ông Dmitry Mosolov cho biết.

Cũng trong cuộc đua đầu tư công nghệ, tháng 5/2017, Công ty FE Credit ra mắt kênh chăm sóc khách hàng trực tuyến trên nền tảng Zalo. Tính năng này cho phép khách hàng sử dụng các tiện ích trên Zalo thay vì phải đến điểm giao dịch hoặc gọi vào tổng đài, lên website hoặc tải ứng dụng của FE Credit.

Nhờ ứng dụng này, khách hàng tiết kiệm thời gian và có thể nhận được sự hỗ trợ thông tin tư vấn về khoản vay bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Bên cạnh đó, FE Credit cũng triển khai nhiều chương trình ứng dụng công nghệ vào sản phẩm dịch vụ như sử dụng ví điện tử Momo và Payoo, công cụ tìm kiếm và so sánh miễn phí các sản phẩm tài chính Gobear giúp khách hàng lựa chọn sản phẩm tín dụng phù hợp nhất, tiết kiệm nhất.

FE Credit cũng đã ra mắt thẻ tín dụng FE Credit. Theo đại diện của FE Credit, Công ty hiểu được doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến cách thức vận hành và hoàn thiện dịch vụ, cung cấp trải nghiệm gắn kết mật thiết với khách hàng cho dù sản phẩm đó được mua qua bất kỳ kênh phân phối nào.

Theo ông Dmitry Mosolov, tương lai của thị trường tài chính là tương tác kỹ thuật số. Việt Nam đã thích nghi với xu hướng này và đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của các công ty thương mại điện tử. Cùng với những giải pháp thanh toán di động, hình thức cho vay ngang hàng (peer-to-peer) - một mô hình dịch vụ tín dụng mới kết nối trực tiếp người cho vay và người đi vay, xử lý toàn bộ quá trình cho vay thông qua các nền tảng trực tuyến cũng đã xuất hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vay tiêu dùng: Cơ hội mở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO