Thị trường chứng khoán cuối tháng 6/2018: Chỉ đơn thuần là nhịp điều chỉnh?

LÊ PHAN| 27/06/2018 06:20

Sau đà tăng từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6 bị chững lại, thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần qua lại đối mặt với áp lực điều chỉnh với chỉ số VN-Index mất hàng chục điểm.

Thị trường chứng khoán cuối tháng 6/2018: Chỉ đơn thuần là nhịp điều chỉnh?

Ảnh: QH

Liệu đây chỉ là một đợt điều chỉnh hay một xu hướng mới đã bắt đầu?

Chỉ trong 2 phiên giao dịch đầu tiên của tuần trước, chỉ số VN-Index đã mất gần 55 điểm, thậm chí có lúc mất đến 75 điểm và rơi về vùng giá thấp 940 điểm, trước khi bật lên trở lại từ mốc hỗ trợ này. Mặc dù 2/3 phiên cuối tuần, các chỉ số xanh trở lại, tuy nhiên thanh khoản liên tiếp sụt giảm cho thấy dòng tiền thoát ra khỏi thị trường gần như chưa quay lại.

Điều này nói lên tâm lý bi quan của nhà đầu tư khi triển vọng của thị trường hiện nay chứa đựng nhiều rủi ro hơn.
Việc VN-Index sau khi tăng trên mốc 1.000 điểm nhưng không thể giữ vững và nhanh chóng rớt trở lại dưới mốc này được xem là tín hiệu kỹ thuật rất xấu.

Link bài viết

Không phải ngẫu nhiên mà giới phân tích gần đây phần lớn đều cảnh báo nhà đầu tư nên cẩn trọng với thị trường, khi triển vọng trung dài hạn hiện nay đã suy giảm rất nhiều so với giai đoạn trước.

Điều mà nhiều người quan tâm nhất hiện nay là liệu thị trường chỉ đang bước vào một nhịp điều chỉnh, hay xu hướng giảm đã bắt đầu và thị trường "con gấu" đã quay trở lại. Về kỹ thuật, khi một thị trường giảm hơn 10% từ mức đỉnh cao đã đạt được là dấu hiệu cho thấy khả năng thị trường đã đảo chiều xu hướng tăng và bắt đầu chuyển sang xu hướng giảm.

Trong khi đó, với đợt điều chỉnh mạnh mẽ trong tháng 5 cũng như trong tuần qua, chỉ số VN-Index thậm chí đã giảm hơn 20% so với mức đỉnh cao 1.200 điểm là tín hiệu không mấy khả quan.

Đợt phục hồi trong nửa đầu tháng 6 là khá nhanh nhưng thanh khoản không có sự cải thiện, trong khi mức đỉnh đạt được ở lần bật tăng trở lại này thấp hơn nhiều so với mức đỉnh của đợt tăng gần nhất. Đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước cũng là một trong những dấu hiệu quan trọng cho thấy xu hướng giảm đã trở lại. Đặc biệt, chỉ số VN-Index đã rớt về dưới đường trung bình động 200 ngày (MA 200) - một chỉ báo kỹ thuật đánh giá xu hướng trung dài hạn của thị trường, càng cho thấy thị trường hiện nay đang rất xấu.

Có thể thấy, các chỉ báo kỹ thuật hiện nay đều thiên về xu hướng giảm là khả năng một đợt điều chỉnh thông thường. Trong khi đó, các dấu hiệu cho thấy thị trường đã đạt đỉnh trong xu hướng tăng dài hạn từ năm 2012 trở lại đây cũng khá rõ. Thông thường thị trường chứng khoán sẽ đạt đỉnh giữa lúc tình hình kinh tế vĩ mô tích cực nhất.

Có thể thấy các chỉ báo kỹ thuật hiện nay đều thiên về xu hướng giảm hơn là khả năng một đợt điều chỉnh thông thường. Trong khi đó, các dấu hiệu cho thấy thị trường đã đạt đỉnh trong xu hướng tăng dài hạn từ năm 2012 trở lại đây cũng khá rõ. Thông thường thị trường chứng khoán sẽ đạt đỉnh giữa lúc tình hình kinh tế vĩ mô tích cực nhất.

Nếu liên hệ với chứng khoán Việt Nam có thể thấy chỉ số đạt đỉnh cao 1.200 điểm giữa bối cảnh tăng trưởng GDP quý I vừa qua ở mức cao kỷ lục trong 10 năm, lãi suất gần như ở mức đáy với lợi suất trái phiếu chính phủ (thường được sử dụng làm lãi suất chiết khấu để định giá cổ phiếu) xuống mức thấp kỷ lục, cán cân thương mại thặng dư cao trong 4 tháng đầu năm.

Và khi chỉ số ở mức đỉnh cao, các phiên phân phối sẽ xảy ra trong những phiên tăng giảm nhanh đột ngột và biến động rất mạnh, với thanh khoản lên cao kỷ lục. Điều này cũng có thể thấy trong những phiên giao dịch đã diễn ra trong tháng 3 và nửa đầu tháng 4. Và trong quá trình điều chỉnh từ đỉnh các chỉ số sẽ chứng kiến liên tiếp các phiên giảm mạnh đến mức thổi bay tài khoản của các nhà đầu tư vì bị giải chấp, điều đã xảy ra trong những phiên tháng 5 vừa qua.

Một yếu tố quan trọng khác là dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán. Nếu không tính các phiên mua ròng với giá trị rất lớn tại một số doanh nghiệp theo kế hoạch đã xác định trước nhằm thâu tóm, nâng tỷ lệ sở hữu của cổ đông tổ chức, thì khối ngoại đã liên tiếp bán ròng kể từ tháng 3 và lên tới đỉnh điểm trong tháng 5 vừa qua.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng lo ngại về hiệu ứng "Sell in May and go away" (bán trong tháng 5 và đi chơi xa) nên khối ngoại mới bán ròng mạnh mẽ như vậy và kỳ vọng xu hướng mua ròng sẽ sớm quay trở lại sau khi kết thúc giai đoạn này. Tuy nhiên, đợt phục hồi trong nửa đầu tháng 6 lại tiếp tục chứng kiến khối ngoại vẫn bán ròng khiến tâm lý nhà đầu tư nội càng thêm lo lắng, khi mà giao dịch của khối ngoại thường là chỉ báo tác động đáng kể lên tâm lý thị trường.

Cụ thể, từ đầu tháng 6 đến phiên cuối tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng hơn 2.300 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Và không chỉ nhà đầu tư cá nhân mà việc nhiều quỹ gắn bó lâu năm với thị trường Việt Nam cũng rút vốn là điều thật sự gây lo ngại, nhất là khi liên hệ với diễn biến tỷ giá tăng trở lại trong những ngày gần đây cộng thêm xu hướng dòng vốn nước ngoài tháo chạy khỏi các thị trường cận biên và mới nổi, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ và rủi ro chiến tranh thương mại chưa bao giờ đến gần như thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường chứng khoán cuối tháng 6/2018: Chỉ đơn thuần là nhịp điều chỉnh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO