Sự trì trệ của thông tin trên thị trường tài chính

GIA LÊ| 17/07/2018 08:27

Nếu như các tin đồn vô căn cứ thường gây ra sự phản ứng mạnh ngay lập tức, thì ngược lại thông tin được công bố chính thức lại mất nhiều thời gian để thị trường tài chính "tiêu hóa".

Sự trì trệ của thông tin trên thị trường tài chính

Con người thường bảo vệ ý kiến riêng, ngay cả khi đã có những bằng chứng rõ ràng chứng minh điều ngược lại mới đúng. Hiện tượng này cũng xuất hiện trong giá cả thị trường. Đôi khi thông tin mới được đưa ra có thể lý giải về biến động giá.

Vậy tại sao thông tin và biến động thị trường không xuất hiện đồng thời? Đó là do phải có thời gian thì một số người mới tin vào những thông tin đó. Điều này làm cho quá trình phản ứng với thông tin bị chậm lại, cho nên thị trường chỉ biến động từ từ theo xu hướng chứ không điều chỉnh ngay lập tức.

Link bài viết

Ví dụ như vào đầu những năm 1990 xuất hiện áp lực làm giảm lạm phát và lãi suất, nhưng rất nhiều người vẫn còn nghi ngờ về điều đó, đặc biệt là sau thời kỳ lạm phát hoành hành vào những năm 1980. Ngay cả những chuyên gia kỳ cựu như Alan Greenspan - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thời điểm đó - người tiếp nhận nhiều thông tin, dự báo về kinh tế, cũng phải mất nhiều thời gian mới dám tin áp lực này là thực, nhất là lúc đó giá vàng tăng liên tục có thể báo hiệu cho một đợt lạm phát mới.

Tương tự khi hiện nay nhiều yếu tố đã xuất hiện gây áp lực làm tăng lãi suất, nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ các biến số này khó có thể duy trì được lâu, do đó vẫn kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục ở mức thấp thêm một thời gian dài nữa. Chỉ đến khi các yếu tố ngày càng hiện hữu và tác động lớn hơn, lãi suất dịch chuyển nhanh hơn thì nhiều người mới tin rằng thời kỹ lãi suất thấp đã kết thúc.

Nếu một thông tin được công bố phù hợp với dự báo trước đó thì không có gì đáng nói do gần như đã phản ánh vào giá cả thị trường, tuy nhiên với những thông tin mới phát sinh hoặc không như kỳ vọng, dự báo của nhà đầu tư thì thị trường cần phải có thời gian để xem xét, đánh giá thấu đáo. Việc đánh giá mức độ tác động của thông tin lại phụ thuộc nhiều vào sự dẫn dắt của những người được gọi là chuyên gia phân tích giá cả hoặc những tổ chức tài chính lớn.

Vì vậy, có thể thấy xu hướng hành động theo số đông cũng làm chậm quá trình đánh giá lại các dự báo. Ngoài một số ít người dũng cảm chấp nhận nguy cơ mang tai tiếng, còn lại hầu như không ai dám đưa ra những ý kiến khác người cả. Dành được danh tiếng khó hơn nhiều so với đánh mất nó, do đó số đông chuyên gia chỉ thường đưa ra các bình luận, dự báo theo sau thị trường.

Như vào năm 1999, ít ai dám dự đoán được cơn sốt cổ phiếu công nghệ đã đẩy chỉ số Nasdaq lên đỉnh điểm trong thời gian ngắn và sau đó cũng không ai dự báo được thị trường đã giảm đến 80% sau đó khi bong bóng dotcom đổ vỡ.

Chính vì vậy, nhiều người dự đoán về các điều kiện cơ bản của thị trường cũng như giá cả một cách rất chậm chạp. Chỉ riêng những nhà đầu tư thông minh, những người thực sự nhạy cảm với các thông tin và hành động quyết đoán mới có khả năng đi trước thị trường và chiến thắng số đông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sự trì trệ của thông tin trên thị trường tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO