Startup gọi vốn: Dễ mà không dễ

Minh Nhi| 15/07/2021 00:51

Mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng rất nhiều startup đã gọi vốn thành công, thậm chí còn gọi được vốn hàng triệu USD từ các cá mập và nhà đầu tư. Tuy nhiên, không phải cứ có ý tưởng tốt là kêu gọi được vốn đầu tư.

Startup liên tục được rót vốn

Đầu năm 2021, Ví MoMo công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ tư (Series D), với sự tham gia của các nhà đầu tư đang là cổ đông hiện hữu là Warburg Pincus, Affirma Capital và Tybourne Capital Management và các quỹ đầu tư mới như Goodwater Capital, Kora Management và Macquarie Capital. Tuy số tiền không được tiết lộ nhưng theo Bloomberg, con số này lên đến hơn 100 triệu USD. 

Cũng theo Bloomberg, ứng dụng học tiếng Anh ELSA đã huy động thành công 15 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B, do Vietnam Investments Group và SIG đồng dẫn đầu. VNG - công ty game lớn nhất của Việt Nam cũng đã đầu tư vào Got It với giá trị đầu tư là 6 triệu USD. Đây cũng là khoản đầu tư triệu USD đầu tiên của VNG vào startup trong năm 2021. Trước đó, cuối năm 2020, "kỳ lân" này đã đầu tư 20% cổ phần vào Công ty CP Công nghệ Ecotruck - một startup sản xuất phần mềm và hoạt động dịch vụ hỗ trợ liên quan đến vận tải. 

Starup Genetica - công ty công nghệ chuyên về giải mã gen có trụ sở đặt tại San Francisco (Mỹ), sáng lập và dẫn dắt bởi ông Cao Anh Tuấn cũng vừa huy động được 2,5 triệu USD trong vòng Pre-Series A từ các nhà đầu tư tại Silicon Valley. Mới đây nhất, Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures công bố dẫn dắt vòng gọi vốn Pre-Series A trị giá 1,5 triệu USD vào Mfast - nền tảng Fintech giúp người dân Việt Nam sử dụng và giới thiệu các gói tài chính, bảo hiểm... 

gotit-7166-1626150331.jpg

Làm thế nào để nhà đầu tư rót vốn?

Theo đại diện một quỹ đầu tư, năm 2020 và 2021 là thời điểm dịch bùng phát, nhiều ngành sẽ có dư địa thị trường lớn, cùng với đó sẽ xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới. Vì thế, đây là cơ hội cho các statup Việt. Đơn cử, khi dịch Covid-19 xảy ra cũng là lúc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, thay đổi thói quen tiêu dùng... Do đó, những startup đáp ứng nhu cầu sẽ có cơ hội được các nhà đầu tư rót vốn. Tuy nhiên, các  startup phải tạo ra được giá trị thực tế cho khách hàng và sản phẩm, dịch vụ của họ mang lại giá trị bền vững.

Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy - Giám đốc điều hành Do Ventures: “So với khu vực Đông Nam Á, ngoài Singapore và Indonesia, Việt Nam cũng không thua các quốc gia khác. Việt Nam vẫn có những startup được định giá giá trị cao như VNG, VNPAY hay có những công ty có quy mô lớn như Tiki, MoMo. Đó là những công ty đại diện cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. Qua các vòng gọi vốn thành công của các startup Việt cho thấy, có nhiều startup chưa cần đến vòng Series B đã có lãi rồi. Đây là nền tảng tốt để các nhà đầu tư khác tự tin giải ngân”.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư lại cho rằng, các startup Việt có nhiều ý tưởng, dự án mới nhưng  họ vẫn không dám đầu tư vì muốn tìm các công ty đủ lớn để giảm rủi ro. Hoặc nếu có đầu tư thì giá trị khoản đầu tư rất nhỏ, chỉ từ 50.000-100.000 USD/thương vụ. Mà số tiền đó lại nhiều khi chưa đủ để cho một startup đầu tư phát triển các chiến lược kinh doanh mang tính lâu dài. Bà Vy cũng cho rằng, trên thế giới có đến 75% startup từng nhận vốn đầu tư nhưng vẫn thất bại. Bà nhấn mạnh: “Đầu tư không phải là canh bạc nên nhà đầu tư cũng phải thận trọng để giảm thiểu rủi ro”.

Với các startup, để nhận được rót vốn hay góp cổ phần cũng không dễ. Đơn cử với dự án du thuyền Sea World - mô hình đi bộ dưới đáy biển tham quan công viên san hô, startup Seawalker Quang Duy cho biết, với mô hình này, anh muốn kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn một triệu USD cho 7% cổ phần để khôi phục thêm 40ha nhân giống san hô và khôi phục các vùng biển khác tại Phú Quốc và định giá công ty hơn 300 tỷ đồng.  Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đã từ chối vì cho rằng đây là mức định giá quá cao. Theo tính toán của một nhà đầu tư, nếu đầu tư vào theo định giá một năm được 30 tỷ đồng, lợi nhuận được 6 tỷ đồng; 10 năm là 60 tỷ đồng, 50 năm mới được 300 tỷ đồng. Nếu chiết khấu dòng tiền về hiện tại thì 100 năm mới thu về được cái mức giá trị doanh nghiệp bây giờ là 300 tỷ đồng”. Theo các nhà đầu tư, khi đưa ra một dự án kêu gọi vốn, các startup có thể định giá cao nhưng sản phẩm phải độc quyền đặc biệt và cái độc quyền đặc biệt này phải sinh ra siêu lợi nhuận.

Từng là nhà đầu tư thiên thần, bà Võ Thị Phương Lan - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Giao nhận Vận tải Mỹ Á (ASL) cho biết: “Khác với doanh nghiệp nhỏ và vừa, các startup rất cần những người dẫn dắt, các nhà đầu tư thiên thần, những người dám chấp nhận "đốt tiền" rất nhiều nhưng đôi khi tỷ lệ thành công rất thấp, chỉ 5%. Năm 2019, tôi đã dành 5 tỷ đồng đầu tư cho các dự án khởi nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa... thành công. Một trong những lý do là các bạn startup đang mắc chung một khuyết điểm, đó là quá tự tin vào bản thân, dẫn đến ảo tưởng về sức mạnh, muốn thể hiện bản thân nên ít chịu lắng nghe hướng dẫn và tư vấn của những người đi trước, trong khi các bạn lại chưa có nhiều kinh nghiệm thương trường, chưa đủ kiến thức bao quát cũng như tầm nhìn xa, sự hiểu biết về pháp luật. Vì vậy, khi mình chỉ dẫn, giám sát chặt chẽ thì các bạn không thích còn buông quản lý trong ba tháng là các bạn đã đi đường khác ngay”.

Lời khuyên cho stratup, bà Vy nói, bất kỳ nhà đầu tư nào khi chấp nhận rót vốn cũng kỳ vọng ba yếu tố. Thứ nhất là kỳ vọng đội ngũ sáng lập sẽ có năng lực vận hành mô hình. Thứ hai là yếu tố về công nghệ. Vì vậy, ngoài ý tưởng kinh doanh hấp dẫn, startup cần đầu tư được lõi công nghệ của mình, cần chứng minh được công nghệ khác biệt hay họ có khả năng để xây dựng được một sản phẩm công nghệ tốt với nhà đầu tư. Thứ ba là sự chỉn chu. Khi gọi vốn, nhà sáng lập có thể giải thích rõ ràng cái hay của công ty. Song quan trọng hơn là làm sao “đồng hành” được với các nhà đầu tư để cùng nhau đi đến chặng đường cuối. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Startup gọi vốn: Dễ mà không dễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO