Theo như dự tính, cuối năm nay DesignBold có thể đạt được mốc doanh thu 50.000 USD/ngày như game của Nguyễn Hà Đông và có thể duy trì mức này lâu hơn nhiều so với Flappy Bird.
Chỉ chưa đến 7 ngày ra mắt, DesignBold – một ứng dụng thiết kế của người Việt đã đạt được doanh thu hơn 80.000 USD.
Theo tính toán của founder startup này, dự tính đến cuối năm 2016, DesignBold sẽ phá kỷ lục của Flappy Bird Nguyễn Hà Đông – game Việt từng một thời làm đảo lộn cuộc sống người chơi trên thế giới.
Cha đẻ của dự án, Hùng Đinh – CEO JoomlArt cho biết, DesignBold không phải là hiện tượng mà được xây dựng để đem lại giá trị lâu dài:
* Chào anh. Những ngày qua, cái tên DesignBold không chỉ khiến cộng đồng startup Việt mà cả cộng đồng design thế giới xôn xao khi được so sánh với Flappybird của Nguyễn Hà Đông. Anh có thể chia sẻ ý tưởng làm nên sản phẩm đặc biệt này?
- Đầu năm 2015, tôi tham gia một khóa học kéo dài 1 tháng ở Israel. Giảng viên yêu cầu 5 người từ các nước khác nhau vào một nhóm và đưa ra những ý tưởng khởi nghiệp của nhóm mình.
Vốn có ý tưởng về một nền tảng công nghệ thiết kế từ trước, tôi đề xuất và được các thành viên rất ủng hộ. Cùng với kinh nghiệm trong ngành đang khởi nghiệp, tôi tiến hành làm luôn. Chỉ trong vòng một tháng, bản thử nghiệm đã được chạy thử tại Israel và được đánh giá rất cao.
Trở về nước, sau hơn 1 năm trời ròng rã, tôi và đội ngũ ở Việt Nam đã dồn toàn tâm toàn lực xây dựng sản phẩm để DesignBold chính thức ra mắt thị trường vào ngày 25/10/2016.
* Sau hơn 1 tuần ra mắt, đến nay Designbold đã có kết quả như thế nào?
- DesignBold không đơn giản chỉ một phút huy hoàng rồi chợt tắt như Flappy Bird, chúng tôi đang tham gia một cuộc cách mạng lâu dài và bền vững nhằm góp phần thay đổi hoàn toàn trải nghiệm thiết kế đồ họa truyền thống.
Chưa đến 7 ngày tung ra thị trường, Designbold đã nhận được sự chào đón của người dùng với 20.336 lượt đăng kí, tham gia hệ thống, hơn 2026 khách hàng trả tiền với trên 80.000 USD.
* Anh có thể lý giải về ý tưởng xây dựng DesignBold?
- DesignBold xuất phát từ ý tưởng của tôi nhằm thay đổi hoàn toàn trải nghiệm thiết kế đồ họa truyền thống.
Với cách làm cũ, cả 2 bên khách hàng và thiết kế có một khoảng cách rất lớn, làm việc trao đổi chủ yếu qua điện thoại, email. Quá trình hoàn thiện sản phẩm phải kéo dài từ 7-10 ngày, thậm chí còn lâu hơn rất nhiều khi có yêu cầu thay đổi từ các bên. Người dùng lại thường không đủ thời gian và khả năng để sử dụng được các phần mềm thiết kế chuyên dụng nếu muốn có chỉnh sửa nhỏ.
Tham vọng của chúng tôi là thay đổi cách thiết kế sao cho nhanh, gọn và hiệu quả. Chúng tôi cũng muốn mở rộng chuỗi giá trị cho nền tảng này khi hợp tác cùng các đơn vị in ấn chuyên nghiệp. Việc hợp tác sẽ là một cuộc cách mạng lâu dài và bền vững nhằm góp phần thay đổi hoàn toàn trải nghiệm thiết kế đồ họa truyền thống.
* Anh nói sao khi có ý kiến cho rằng DesignBold giống Canva?
- Mới bắt đầu bạn sẽ cảm thấy mô hình này từa tựa với Canva. Tuy nhiên, ngoài việc phát triển Tool (công cụ) thiết kế, chúng tôi tạo ra 1 Platform (nền tảng) kết nối các bạn làm về thiết kế, marketing với các khách hàng (chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, khởi nghiệp không có nhân viên thiết kế) trên toàn thế giới, giúp có được các sản phẩm thiết kế trong thời gian ngắn hơn, hiệu quả hơn.
DesignBold còn hỗ trợ khách hàng đưa sản phẩm đến nhà in mà họ lựa chọn. Tùy thuộc vào dự án, song nền tảng này sẽ rút ngắn thời gian hoàn tất cả quá trình nhanh gấp khoảng 6-7 lần.
Còn về ý kiến cho rằng giống Canva, bạn có thể nhìn đó, những sản phẩm như Uber hay Grab cũng tương tự nhau nhưng cách thức hoạt động thì khác hẳn.
Tôi quan niệm, cùng với một vấn đề, quan trọng là cách giải quyết đột phá và mang tính chiến lược. Bất kỳ một sản phẩm nào cũng có các sản phẩm thay thế, điểm vượt trội là anh phải làm nó tốt hơn hẳn, mà trọng trách này nằm ở đội phát triển sản phẩm. Khi sản phẩm đã tốt rồi thì khách hàng sẽ tự tìm dến mình.
* Anh có lo ngại về tình trạng nhiều designer có chiều hướng liên kết với khách hàng để làm freelancer trong quá trình từng cộng tác với DesignBold?
- DesignBold khác với freelancer, vì có 1 hệ thống chuyên nghiệp, cung cấp cho 2 bên công cụ hỗ trợ tốt hơn. Chúng tôi cung cấp cho người dùng một nền tảng hoàn chỉnh, qua đó, khách hàng và cả designer sẽ hoàn thiện công việc một cách tốt nhất.
* Với quy mô toàn cầu như hiện tại, thị trường lớn nhất của DesignBold là khu vực nào?
- 99% là thị trường Mỹ.
* Ở Việt Nam, mọi người đều chuộng sản phẩm miễn phí trong khi giá phần mềm này được cho là hơi cao. Liệu người Việt có tiếp cận được với sản phẩm này?
- Tôi cũng không kỳ vọng nhiều vào thị trường Việt Nam. Thực tế, thị trường software của Việt Nam khá thiệt thòi. Nền công nghệ của Việt Nam chưa thực sự được chú trọng. Việc trả lương cho IT và cho người làm về sáng tạo chưa thực sự xứng với công sức họ bỏ ra.
Bên cạnh đó, với thói quen tiêu dùng hiện tại của người Việt, họ chưa sẵn sàng bỏ ra mấy triệu để mua một sản phẩm dù sản phẩm sẽ đảm bảo tiệt kiệm được thời gian và mang lại hiệu quả. Mở ra hướng đi mới về ngành in ấn có thể là một cách tiếp cận khá hợp lý.
Chi phí của một xưởng in không hề rẻ, khoảng 2-3 tỷ nếu đầu tư một xưởng cực kỳ bé. Nếu mình đặt một đơn hàng chỉ 100.000 đến vài trăm nghìn đồng thì họ chắc chắn lỗ vì công nghệ còn rất truyền thống. Thị trường cứ phân mảnh và chính người dùng cũng khó nắm bắt được giá cả cũng như chất lượng in. Nhưng khi được kết hợp với DesignBold, thị trường này sẽ trở nên rõ ràng và minh bạch và người tiêu dùng cũng dễ dàng lựa chọn hơn.
>>Những rào cản khiến startup công nghệ Việt khó "tỏa sáng"
* Đâu là khó khăn trong quá trình hoàn thiện và phát triển DesignBold?
- Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, vấn đề bản quyền cũng khiến tôi đau đầu. Bản quyền về hình ảnh, tài liệu sáng tạo, cho đến những sản phẩm có giá trị trí tuệ còn khá trôi nổi, đặc biệt chưa được quản lý tốt ở Việt Nam.
DesignBold minh bạch hóa vấn đề này, hiện tại chúng tôi đang tuân thủ mặt bản quyền toàn bộ theo quy chuẩn quốc tế. Vì chúng tôi không public sản phẩm mà phải thông qua một hệ thống có tính bảo mật 100%. Khách hàng và thiết kế cũng được hướng dẫn để cẩn thận với việc sản phẩm bị thoát ra ngoài, vượt tầm kiểm soát cũng như trách nhiệm của DesignBold
* Anh cũng từng ví sự thành công của dự án này với Flappy Bird, đến khi nào DesignBold sẽ đạt được 50.000 USD/1 ngày như game của Nguyễn Hà Đông?
- Theo như dự tính, cuối năm nay chúng tôi có thể đạt được mốc doanh thu này.
Tuy nhiên, DesignBold không phải là game, game thường có nhiều người yêu nhưng mai có thể bỏ, chỉ mang tính giải trí, thường có hiệu ứng trong khoảng thời gian ngắn. Trong khi ứng dụng của chúng tôi hỗ trợ liên tục và mang giá trị lâu dài.
Với khả năng tương tác cao và chia sẻ, sản phẩm còn tạo hiệu ứng lâu dài về tư duy thiết kế và xây dựng các bộ nhận diện mang tầm quốc tế.
* Cảm ơn anh!