Mới đây được mời đến dự một buổi ra mắt sách, cầm cuốn sách mới in còn thơm mùi mực lên xem, bỗng thấy một tờ giấy nhỏ rơi ra. Trên tờ giấy nhà in giới thiệu cuốn sách được in bằng loại mực làm từ chất có nguồn gốc là đậu nành, không độc hại bởi hoàn toàn không có chì như các loại mực truyền thống.
Mới nhớ đã lâu lắm rồi không còn đọc báo in do sợ bị nhiễm chì từ mực in, có hại cho sức khỏe. Thật sự thấy rất vui vì từ từ từng lĩnh vực một, người kinh doanh bắt buộc phải tiếp nhận các khái niệm về an toàn cho sức khỏe và bảo vệ môi trường để cung cấp cho thị trường những sản phẩm an toàn, chấp nhận những tiêu chuẩn sống văn minh. Để ý tìm hiểu mới thấy các sản phẩm dưỡng tóc, băng gạc và vỏ của viên thuốc nang trong y tế cũng đã sử dụng loại polymer mới có gốc từ dầu đậu tương.
Sống văn minh bao gồm những khái niệm và hành động ở nhiều lĩnh vực, nhưng rất nhiều thứ ta chỉ mới bắt đầu. Hội An từ ba năm qua đã thực hiện phân loại rác thải trong khu dân cư rất bài bản. Xe rác thu gom riêng rác "cứng khó phân hủy" và rác "mềm" theo ngày chẵn hoặc lẻ rồi đưa đến các khu rác thải riêng của thành phố.
Người dân đã quen với việc phân loại rác, qua đó học cách sống văn minh để phát triển du lịch, nhận thức của người dân về những tiêu chuẩn sống quốc tế sẽ tốt hơn. Đó là lý do người nước ngoài đến định cư ở Hội An khá nhiều. Họ tìm được môi trường sống khá thân thiện, văn minh trong các khu dân cư. Ngay cả người Nhật với rất nhiều tiêu chí khá khắt khe về vệ sinh, kỷ luật, ứng xử cũng thích Hội An và con người nơi này.
Tuy vậy, thực hiện lối sống văn minh cần có sự đồng bộ ở các chính sách, chứ không phải cá nhân nhỏ lẻ. Ở những vùng ngoại ô nhiều bang của nước Mỹ, chính sách áp thuế xây dựng được thực hiện rất chi tiết. Nếu đường vào nhà, chủ nhân xây dựng hai vệt đường bê tông chỉ đủ cho bánh xe hơi lăn qua, ở giữa hai vệt đường vẫn trồng cỏ, thì sẽ đóng thuế ít hơn nhà xây đường bê tông lớn. Người dân có thể lựa chọn cách sống, cách ứng xử với môi trường.
Các quy định chung không bắt buộc, nhưng mọi thứ sẽ công bằng ở mức thuế phải đóng. Chính quyền khuyến khích người dân sống thuận với tự nhiên, chứ không hô hào, cổ động suông. Từ việc giảm thuế cho người làm đường với diện tích đổ bê tông ít có thể khiến mọi người hiểu không nên bê tông hóa mặt đất để thông thoáng cho mạch nước ngầm chảy và hạn chế được việc ngập lụt lúc lượng mưa quá lớn.
Tại Hàn Quốc, camera an ninh được lắp đặt khắp nơi, cũng là cách cảnh báo người dân cần tập thói quen ứng xử văn minh ở nơi công cộng, nếu làm gì sai sẽ bị camera phát hiện và chịu phạt tùy theo mức độ vi phạm. Thế mới có chuyện cảnh sát Hàn Quốc thử nghiệm để 100 túi xách tại nhiều nơi ở nhà ga, siêu thị. Đến cuối ngày, 90 cái được người dân mang gửi lại đồn cảnh sát gần nhất, 10 cái còn ở nguyên chỗ cũ.
Kết quả này không nói lên được người Hàn Quốc thật thà, không tham lam, mà là kết quả của việc giáo dục người dân sống có kỷ luật mọi nơi, mọi lúc. Rất nhiều siêu thị ở châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan... đều cho phép khách hàng mang theo balô, túi xách vào mua hàng chứ không bắt buộc gửi ở ngoài. Đó là kết quả của cả một quá trình giáo dục và áp dụng biện pháp xử phạt nghiêm khắc.
Sống văn minh không khó, nhưng hiện nay rất nhiều người chỉ ý thức sống đẹp, sống chất lượng cao bên trong cánh cửa nhà mình. Chúng ta thấy không ít ngôi nhà ấm cúng, đẹp đẽ bên trong một khu nhà tập thể, chung cư bẩn thỉu, lạnh lẽo với những bức tường loang lổ, mùi hôi tràn ngập hành lang. Có một điều ít ai nghĩ đến là những đứa trẻ không thể cứ loanh quanh trong những ngôi nhà tiện nghi, sạch đẹp, chúng sẽ phải bước ra ngoài và va chạm với cuộc sống, với lối ứng xử kém văn minh mỗi ngày. Cái xấu sẽ trở thành bình thường, thành thói quen của cả một thế hệ...