Trào ngược dạ dày thực quản: Bệnh thường gặp của giới văn phòng

TRỌNG ĐỨC/DNSGCT| 05/07/2015 06:56

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản khiến bệnh nhân mệt mỏi, ăn uống không ngon vì cảm giác đắng miệng, nóng rát cổ họng và ăn không tiêu.

Trào ngược dạ dày thực quản: Bệnh thường gặp của giới văn phòng

“Việt Nam có khoảng 14 triệu người bị trào ngược dạ dày thực quản. Trong số những người đến khám bệnh ở khoa tiêu hóa thì có khoảng gần 20% trường hợp được chẩn đoán bệnh trào ngược. Đa số bệnh nhân đều cảm thấy mệt mỏi, ăn uống không ngon vì cảm giác đắng miệng, nóng rát cổ họng và ăn không tiêu”, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương - Phó khoa Tiêu hóa – Gan mật, bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết.

Đọc E-paper

Triệu chứng dễ bị bỏ qua

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) xảy ra khi axít trong lớp bảo vệ dạ dày bị trào ngược vào thực quản, gây kích ứng niêm mạc thực quản. Doanh nhân và giới văn phòng rất dễ bị GERD do các thói quen như: ăn uống nhanh, vừa ăn vừa làm việc, bỏ bữa sáng, ăn nhiều vào buổi tối, uống rượu bia, hay ăn thức ăn nhanh, thường xuyên thức khuya…

Niêm mạc thực quản bị kích thích mạnh bởi dịch vị (HCL, dịch mật hoặc thức ăn trộn lẫn) làm cho người bệnh có cảm giác nóng rát lan từ vùng trên rốn lên dọc theo phía sau xương ức và cả vùng hạ họng. Biểu hiện này kèm theo ợ chua, xuất hiện sau khi ăn, lúc cúi xuống hoặc khi nằm ngửa.

Một số trường hợp bệnh nhân cảm thấy nuốt khó, nuốt đau. Nuốt khó là cảm giác thức ăn hoặc nước uống nghẹn lại ở phía sau xương ức, có thể là một biểu hiện của ung thư thực quản.

Còn nuốt đau cũng có thể là một trong những triệu chứng thường gặp trong hội chứng GERD, khi xuất hiện triệu chứng nuốt đau sau xương ức là có nguy cơ viêm thực quản nặng hoặc loét thực quản do hiện tượng trào ngược.

Trong một số trường hợp, người bệnh mắc chứng GERD nặng thì có thể có khó thở về đêm do dạ dày tăng tiết dịch vị khi trào ngược đã làm cho chít hẹp phế quản do sự trào ngược dịch vị.

Ngoài ra, còn có thể thấy biểu hiện của hội chứng GERD ở mũi, họng (do các lần bị trớ dịch vị không lên miệng mà lên mũi, họng) như dị cảm mũi hoặc rối loạn âm thanh (khàn giọng, ho).

>>Bệnh của giới văn phòng

Một điều cần được lưu ý là diễn biến lâm sàng không song hành với tổn thương thực thể. Có nghĩa là đau nhiều, ợ nhiều, trớ nhiều, nóng rát nhiều chưa chắc đã tổn thương thực quản nặng, ngược lại khi viêm, loét thực quản nặng có biểu hiện rất âm thầm.

Theo bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, các triệu chứng tiêu hóa này thường khiến nhiều người lầm tưởng với những căn bệnh khác dẫn đến điều trị không đúng cách hoặc không điều trị vì nghĩ rằng cơ thể sẽ “tự điều chỉnh” sau vài ngày. Điều này dẫn đến bệnh nặng hơn và điều trị mất nhiều thời gian.

Không ít trường hợp bị GERD nhưng lại bị viêm họng nên thường được chẩn đoán và điều trị các bệnh về đường hô hấp.

Trào ngược dạ dày không chỉ làm người bệnh mệt mỏi, khó chịu, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt cũng như làm giảm chất lượng cuộc sống, mà còn có thể khiến người bệnh bị viêm thực quản mãn tính, lâu ngày có thể dẫn đến ung thư thực quản.

Thay đổi thói quen hằng ngày để phòng bệnh trào ngược

“Doanh nhân và dân văn phòng cần thay đổi thói quen hằng ngày để phòng bệnh trào ngược dạ dày thực quản, nhất là thói quen vừa ăn vừa làm và ăn uống quá nhanh”, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương nói.

Ngoài ra, chúng ta cũng nên chú ý đến thành phần thức ăn trong bữa ăn. Một số loại thức ăn hằng ngày nếu kéo dài và lặp lại nhiều lần cũng có thể gây nên hội chứng trào ngược như: thức ăn có nhiều mỡ, nhiều gia vị, nhất là các loại gia vị cay nóng, hành, bạc hà hoặc một số thực phẩm có khả năng làm giảm trương lực cơ trơn như: cà phê, chocolate, nước giải khát có gas.

Một số người ăn quá nhiều các loại gia vị này làm cho rối loạn co bóp của dạ dày và các hệ thống tiêu hóa khác.

Nhiều trường hợp người bị béo phì, ít vận động hoặc ăn xong là nằm ngay gây khó khăn cho việc dạ dày nhào trộn thức ăn cũng gây nên hội chứng trào ngược.

Những người uống nhiều bia, rượu hoặc nghiện thuốc lá cũng có nguy cơ cao mắc chứng bệnh này. Vì rượu, bia hoặc chất nicôtin đều có tác động mạnh vào niêm mạc thực quản, dạ dày gây viêm và gây tăng tiết dịch vị dạ dày.

>>Ung thư dạ dày không phải bệnh “trời kêu ai nấy dạ”

Lưu ý là có khoảng 2/3 bệnh nhân cũng có triệu chứng ăn không tiêu (đau hoặc khó chịu vùng thượng vị) và khoảng 40% bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích cũng có triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.

Việc điều trị bệnh chủ yếu dựa vào cơ chế gây bệnh, vì vậy, nên tập trung giải quyết việc ức chế bài tiết axít của dạ dày, trung hòa dịch vị và thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Thông thường có khoảng 80% số bệnh nhân đáp ứng với các thuốc điều trị nội khoa và chủ yếu là những trường hợp chưa có biến chứng như: chít hẹp, ung thư.

Để đạt được hiệu quả cao trong điều trị nội khoa, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ điều trị, tuyệt đối không tự chẩn đoán bệnh cho mình hoặc tự mua thuốc để điều trị.

Cần có chế độ ăn uống hợp lý, tránh ăn nhiều các loại gia vị, hạn chế uống rượu bia. Không nên ăn xong nằm ngay mà nên ngồi nghỉ ngơi hoặc đi lại nhẹ nhàng. Hằng ngày nên vận động cơ thể bằng các động tác nhẹ nhàng, dễ thực hiện, tập các động tác xoa bụng theo hướng dẫn của bác sĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trào ngược dạ dày thực quản: Bệnh thường gặp của giới văn phòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO