Thú cưng gieo mầm bệnh

BS. LÊ VĂN NHÂN – Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM| 18/02/2012 03:28

Nhiều người xem thú cưng như người bạn thân thiết nên thường vuốt ve, ôm ấp, hôn hít chúng, thậm chí còn cho chúng ngủ chung giường. Thế nhưng, ít ai biết, chính những người bạn bốn chân này lại tiềm ẩn những yếu tố gây bệnh nguy hiểm.

Thú cưng gieo mầm bệnh

Nhiều người xem thú cưng như người bạn thân thiết nên thường vuốt ve, ôm ấp, hôn hít chúng, thậm chí còn cho chúng ngủ chung giường. Thế nhưng, ít ai biết, chính những người bạn bốn chân này lại tiềm ẩn những yếu tố gây bệnh nguy hiểm.

Trước tiên phải kể đến bệnh dại. Có đến 97% trường hợp bị bệnh dại hiện nay ở Việt Nam là do bị lây từ chó nuôi trong gia đình. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm 2011 đã có 17 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Ở Việt Nam, rất hiếm gia đình nuôi thú cưng tuân thủ việc tiêm ngừa đầy đủ cho chúng. Có lẽ ít ai biết bệnh dại có thể lây từ thú sang thú và từ thú sang người khi thú cưng mang bệnh mà chủ nhân không biết.

Đã có trường hợp người nuôi thú cưng tử vong một cách oan uổng do bị lây bệnh dại từ chính thú cưng của mình, vì vô tình để thú cưng nhiễm bệnh dại liếm vào vết thương hở.

Loại bệnh nguy hiểm khác mà nguồn lây cũng từ thú cưng nhưng ít ai để ý là bệnh do ký sinh trùng lạc chỗ.

Trong đó phổ biến nhất là bệnh do nhiễm ký sinh trùng sống và trưởng thành ở cơ thể chó, mèo, điển hình là giun. Khi chó, mèo nhiễm giun, trong phân của chúng có rất nhiều trứng giun.

Hai loại thú cưng này lại có đặc tính là hay liếm láp bộ lông của mình rồi lại liếm láp âu yếm chủ nhân. Khi đó, trứng giun dính đầy trên mặt, lưỡi, móng vuốt của chúng sẽ truyền sang những người trong gia đình.

Và quá trình lây cho người bắt đầu từ đây: khi trứng giun vào bụng, chúng đi khắp nơi trong cơ thể, nếu đến mạch máu nhỏ, chúng kẹt lại ở đó và sẽ gây nhiều biến chứng.

Nếu đến não thì gây u não, động kinh, làm bệnh nhân liệt, thậm chí tử vong; dừng lại ở mắt thì gây mù mắt; ở thận, ở gan thì gây u thận, u gan.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã từng cứu sống một bệnh nhân 15 tuổi bị viêm cơ tim do nhiễm giun, sán từ chó, mèo (Toxocara), dẫn đến biến chứng sốc tim. Nguyên nhân là do em này thường chơi và ngủ chung với chó.

Bệnh lây từ thú cưng nguy hiểm như vậy, nhưng ít ai quan tâm vì không xác định được nguồn lây bệnh và triệu chứng đôi khi cũng không biểu hiện rõ ràng. Bệnh chỉ được phát hiện khi bác sĩ cho thử máu, xét nghiệm cận lâm sàng.

Được biết, các trường hợp nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng đều phải điều trị bằng thuốc đặc hiệu, kể cả phải dùng thuốc liều cao và dùng lâu dài, dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp và gây tổn thương gan.

Với những trường hợp u ở gan hoặc thận quá lớn thì điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Nuôi thú khá phổ biến ở các nước trên thế giới và người nuôi phải tuân thủ những quy định rất chặt chẽ, từ đăng ký với cơ quan chức năng, thú nuôi được cấp mã số để theo dõi, thực hiện nghiêm ngặt quy định về tiêm ngừa cho thú đến cả những quy định về nuôi, chăm sóc thú tại gia đình như thế nào.

Ở Việt Nam, phong trào nuôi thú cưng cũng ngày càng phát triển, nhất là ở nhiều gia đình kinh tế khá giả, nhưng xem ra việc thực hiện các quy định hầu như còn bị bỏ ngỏ.

Đã có khá nhiều quy định về quản lý bệnh ở thú nuôi, về hướng dẫn phòng chống bệnh dại ở người..., nhưng không bắt buộc thực hiện, không chế tài và cũng chẳng thấy ai kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm.

Do vậy, chẳng có mấy người nuôi thú thực hiện các quy định đã được cơ quan chức năng đưa ra cũng là điều dễ hiểu. Và người dân vẫn vô tư nuôi nhiều con vật mà không hề biết trong chúng tiềm ẩn nguồn bệnh có thể lây cho chính mình, người thân và cộng đồng bất cứ lúc nào.

Nếu nuôi thú cưng đã trở thành một nhu cầu, thì vấn đề đặt ra là cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về nuôi thú cưng: chích ngừa đầy đủ, tẩy giun sán định kỳ 6 tháng/lần, tắm rửa cho thú cưng hằng ngày với xà bông có thể tiêu diệt các loại rận, chấy thường ẩn nấp trong bộ lông của chúng.

Với thú cưng là mèo, nếu không tắm được cũng phải dùng khăn ướt tẩm xà bông lau sạch lông cho chúng hằng ngày. Dắt chó đi dạo về, nhớ phải tắm cho chúng, nhất là làm sạch vùng móng vuốt, hậu môn nhằm tiêu diệt mầm bệnh.

Điều cần lưu ý là không nên để trẻ con, người già, phụ nữ mang thai, người có bệnh mạn tính tiếp xúc với thú nuôi, bởi sức đề kháng của họ yếu, rất dễ bị nhiễm các bệnh từ thú nuôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thú cưng gieo mầm bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO