Thể dục thêm bệnh?

Ý NHI| 01/10/2009 07:34

Ai cũng nghĩ tập thể dục để khỏe mà ít biết rằng, nếu tập không đúng cách, thì có thể dẫn đến những rủi ro khó lường

Thể dục thêm bệnh?

Ai cũng nghĩ tập thể dục để khỏe mà ít biết rằng, nếu tập không đúng cách, thì có thể dẫn đến những rủi ro khó lường.

Chị Lan Thanh, nhân viên một công ty chứng khoán, thường tranh thủ tập thể dục vào giờ nghỉ trưa. Do bụng đói, buổi sáng làm việc căng thẳng nên mới tập được nửa giờ, chị thấy hoa mắt, chóng mặt và té xỉu. Nguyên nhân là do bị hạ đường huyết.

Cần lựa chọn môn thể dục và điều kiện luyện tập thích hợp - Ảnh minh họa

Anh Long, huấn luyện viên yoga thuộc Trung tâm Thể dục Thể thao Q.1 cho biết: “Để ngăn ngừa những nguy cơ xảy ra do tập thể dục, chúng tôi thường nhắc học viên không để bụng quá đói khi tập, đặc biệt học viên mới không nên gắng sức với các động tác mềm dẻo, vốn chỉ dành cho người luyện tập đã lâu. Thế nhưng, dường như rất ít người quan tâm đến lời nhắc nhở này vì cho rằng, thể dục chỉ giúp khỏe thêm chứ sao lại rước thêm bệnh. Thực tế, đã có nhiều trường hợp học viên bị choáng váng ngay trong buổi tập, hoặc bị trật khớp, trật cổ, đau lưng..., thậm chí mới đây, một người đàn ông 44 tuổi đã chết tại phòng tập thể dục ở Q.5, TP.HCM.

Theo các bác sĩ ở Hội Y học Thể thao TP.HCM, tập thể dục giúp cơ thể săn chắc, loại bỏ mỡ thừa, phòng và chống các bệnh nguy hiểm như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp... Tuy nhiên, nếu tập không đúng kỹ thuật, phương pháp sẽ có thể bị chấn thương ở gối, thắt lưng, chân, tay, vai..., thậm chí dẫn đến các bệnh mãn tính như viêm khớp, thoái hóa khớp, đau thần kinh tọa, nứt, gãy xương sống. Ở những người lớn tuổi, có bệnh tim mạch, loãng xương, rối loạn chuyển hóa mỡ, tăng cholesterol, huyết áp cao, tiểu đường thì nguy cơ chấn thương rất cao, dễ bị ngất, ngã hay đột quỵ nếu vận động liên tục. Những người béo phì thì luôn chịu áp lực rất lớn từ cơ thể, do đó nếu vận động không đúng cách sẽ bị đau các khớp và chấn thương.

Cô Vân, huấn luyện viên aerobic tại Dáng Ngọc spa cho biết: “Không ít các chị đến phòng tập vì muốn giảm cân, nhưng không tuân thủ lời dặn của huấn luyện viên và tập không đúng phương pháp nên đôi khi bị tác dụng ngược, như tăng cân (ăn nhiều hơn sau khi tập). Cũng có nhiều chị do không khởi động hoặc tập sai động tác nên khi vào bài tập thì bị giãn dây chằng, trẹo khớp. Đặc biệt, với những buổi tập lực đòi hỏi sự vận động cơ bắp cao thì những người mắc các bệnh tim mạch, cao huyết áp sẽ có nguy cơ bị đột quỵ, nhưng do không quan tâm đến lời dặn của huấn luyện viên nên họ vẫn ráng sức với bài tập”.

Một huấn luyện viên thể hình ở sàn tập Lan Anh cũng cho biết: “Nhiều người quan niệm tập thể hình bằng tạ không khó nên tự mua tạ về tập, do đó có nhiều trường hợp bị đau cơ, rách cơ, giãn dây chằng vì tạ quá nặng so với sức của cơ thể”. Với các em gái mới lớn, mặc dù rất cần rèn luyện thân thể để xương chắc khỏe, nhưng cường độ luyện tập cao có thể làm tăng nguy cơ tổn thương xương. Điển hình, những cô bé luyện tập đến 16 giờ/tuần dễ có nguy cơ bị gãy xương, cao hơn 88% so với những em chỉ tập dưới 4 giờ/tuần, một chuyên gia y khoa của một hãng sữa khuyến cáo.

Để tập thể dục thực sự hiệu quả và có ích cho sức khỏe, theo các chuyên gia sức khỏe, trước khi quyết định tập một môn thể dục nào cần phải hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình (tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ); phải biết rằng thời gian tập cũng như độ khó của môn thể dục tùy thuộc vào tuổi tác và sức khỏe; cần khởi động trước khi tập và sau khi tập phải thả lỏng để cơ thể dần dần trở lại trạng thái bình thường; không nên ngồi hoặc nằm ngay sau khi tập. Nếu tập với các thiết bị hỗ trợ ở phòng tập, cần tìm hiểu tính năng, tác dụng cũng như cách sử dụng. Cách tập an toàn nhất là tăng dần cường độ và tùy theo thể trạng mà chọn thời gian tập phù hợp, từ 10 -15 phút hoặc từ 1 - 2 giờ đồng hồ. Với các động tác mạnh không nên đang tập rồi ngừng lại đột ngột vì dễ gây choáng, ngất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thể dục thêm bệnh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO