Tăng mức đóng BHYT có thoát được bội chi?

LY - NHI| 17/06/2009 08:12

Để tránh tình trạng “vỡ” quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), tới đây, mức đóng BHYT sẽ tăng 50% so với mức cũ.

Tăng mức đóng BHYT có thoát được bội chi?

Để tránh tình trạng “vỡ” quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), tới đây, mức đóng BHYT sẽ tăng 50% so với mức cũ.

Kiểm soát quỹ mới là chính

Người dân khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT tại Bệnhviện Ung bướu TP.HCM

Theo dự thảo Luật BHYT (sẽ có hiệu lực từ 1/7 tới) thì mức đóng BHYT hằng tháng sẽ tăng từ 3% lên 4,5% tiền lương, tiền công tháng, trợ cấp thất nghiệp. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, việc tăng mức đóng cũng có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến cho là mức 4,5% vẫn còn thấp, nhưng cũng có nhiều ý kiến lại cho là cao. Bà Nguyễn Kim Phương - đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại VN nói: “Theo tôi, so với mức đóng BHYT chung trên thế giới thì mức đóng 4,5% là không quá cao nhưng sẽ là gánh nặng đối với học sinh, sinh viên và những người dưới 23 tuổi”.

Giải thích việc tăng mức đóng BHYT, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, bà Tống Thị Song Hương cho biết đã cân nhắc và dựa trên nhiều yếu tố, song quan trọng nhất là để cân đối quỹ hằng năm, đảm bảo không bị vỡ quỹ bảo hiểm. Rất nhiều ý kiến cho rằng, lý giải này là không thuyết phục. Bởi vì nếu có tăng mức đóng lên 6% cũng chưa chắc không bị vỡ quỹ, mà cái chính là cần tăng cường kiểm soát việc lạm dụng chi BHYT trong khám chữa bệnh, không để lãng phí trong các khoản chi khác.

Ông Lê Thanh Liêm - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An đưa ra thực tế: “Hiện nay, BHYT VN đối đầu với tình trạng chi không họp lý do việc lạm dụng khám điều trị nội, ngoại trú và chuyển viện. Chẳng hạn, có đến gần 90% bệnh nhi không cần phải lên tuyến trên vì các chứng bệnh thông thường. Thay vì cho bệnh nhân tái khám ở tuyến dưới, thì một số bệnh viện tuyến trên vẫn tiếp nhận bệnh, cho tái khám ở bệnh viện mình vì muốn thu nhiều tiền”.

Theo đại diện các địa phương vùng xa, việc tăng mức đóng sẽ khó vận động người dân tham gia BHYT. Ông Bùi Đình Công (Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng) phát biểu: “Lý do tăng 50% mức đóng bảo hiểm mới vì sợ vỡ quỹ là không thỏa đáng vì tình trạng bội chi, vỡ quỹ năm 2008 đã giảm so với năm trước, trong khi số người tham gia đóng bảo hiểm tăng. Hơn nữa, mức lương tối thiểu chỉ tăng 20% mà mức đóng BHYT lại tăng 50%. Điều này sẽ gây khó khăn trong việc vận động người dân tham gia BHYT”. Bà Nguyễn Thị Tình - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre cho biết: “Vừa qua chúng tôi có triển khai bán BHYT tại địa phương, có những xã, người dân xin đóng trước 10 ngàn đồng, rồi từ từ đóng tiếp, khó khăn lắm”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Châu - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM góp ý: “Nên để đến đầu năm 2010 mới thực hiện tăng mức đóng 4,5%”.

Cần bổ sung, nếu không sẽ vướng 

Ngoài ra, các ý kiến còn đóng góp phải bổ sung nhiều chi tiết vào Luật BHYT, nếu không khi thực hiện Luật sẽ bị vướng trong thanh toán. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Châu - cần bổ sung quy định về thẻ BHYT đối với trẻ sơ sinh, nhất là trẻ mới sinh vài ngày, vì tới đây tất cả sử dụng thẻ BHYT, trong khi với trẻ sơ sinh chưa có thẻ thì sao, nếu bệnh phải nằm viện thì thanh toán làm sao? Bên cạnh đó, cần xem lại mã số thẻ, vì nó quá phức tạp, nhiều nơi không thanh toán được vì sai mã số, mã số thay đổi lung tung. Cần làm thẻ BHYT đẹp hơn, chất lượng cao hơn. Riêng việc khám, chữa bệnh ở tuyến tỉnh và quận, huyện, ông Châu góp ý thêm: “Nhiều trường hợp đăng ký khám ban đầu ở tuyến tỉnh sẽ phải quay về đăng ký tại các cơ sở y tế quận, huyện. Tuy nhiên, việc này phải có lộ trình để tránh tình trạng dồn ứ, quá tải. Khả năng thực hiện có lẽ phải đến năm 2015”.

Theo dự thảo Luật BHYT, người tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài cũng sẽ được thanh toán theo thực tế (nhưng không vượt quá mức chi phí bình quân của tuyến trung ương theo quy định của Bộ Y tế). Nhưng các ý kiến cho rằng, cần phải có quy định: “Đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài không phải tự ý, mà phải có hồ sơ chuyển viện của bệnh viện trong nước. Trong khi lâu nay, hầu hết các trường hợp ra nước ngoài chữa bệnh là do người bệnh tự quyết định”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng mức đóng BHYT có thoát được bội chi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO