“Nữ nhi hữu hắc chí”

05/12/2009 08:19

Cứ theo thuật tướng số, hơn kém nhau cái nốt ruồi (hắc chí) là số phận đã thay đổi từ hung sang cát hoặc ngược lại. Vì lẽ đó, người thì hả hê với “mỹ chất tích khí” nơi khuôn mặt, người thì lo âu phá “tích thổ” để cải số...

“Nữ nhi hữu hắc chí”

Cứ theo thuật tướng số, hơn kém nhau cái nốt ruồi (hắc chí) là số phận đã thay đổi từ hung sang cát hoặc ngược lại. Vì lẽ đó, người thì hả hê với “mỹ chất tích khí” nơi khuôn mặt, người thì lo âu phá “tích thổ” để cải số...

Một nốt tròn nhỏ màu đen hoặc nâu sẫm, lồi hoặc phẳng nổi bất kỳ chỗ nào trên cơ thể, kể cả vùng mặt, người miền Bắc gọi “nốt ruồi”, người miền Nam kêu là “mụn ruồi”.

Mụn ruồi hay nốt ruồi nếu ở nhiều vị trí có thể làm gương mặt thêm duyên, và lúc đó, nó được đặt một cái tên thật dễ thương là "hạt làm duyên" như cách gọi của người Pháp... Có người mẫu nổi tiếng với nốt ruồi triệu đô như Cindy Crawford. Thế nhưng, mách qua mách lại, có thầy tướng phán rằng: lẽ ra cô này hạnh phúc nhưng vì “hạt duyên” mọc ngay đuôi mắt nên cả đời khóc vì tình; hay anh kia có nốt ruồi ở bàn tay nên suốt đời khốn khó, vay nợ triền miên... Vì vậy, không ít người ăn không ngon, ngủ không yên, nhấp nhỏm bằng mọi cách phải phá cái nốt ruồi hắc ám kia để cải số.

Cụ A cuối phố, vốn từng là thầy thuốc lâu năm, nghe đám con trẻ rủ nhau đi phá nốt ruồi, dậm chân kêu trời, giảng giải: “Nốt ruồi đa phần lành tính, có sao đâu mà đi phá với cắt. Nhiều người đang yên lành, tự dưng đi phá nốt ruồi để rồi thành một cái sẹo”. Nhìn ở góc độ khoa học, nhiều khi những chấm đen trên da trông rất giống nốt ruồi lại là biểu hiện của bệnh ung thư da. Nếu dùng hóa chất tẩy vô tình sẽ kích thích khối u phát triển. Nguy hiểm hơn, ung thư da có khuynh hướng ăn mòn vào da nên khi bị hóa chất tác động, tổn thương sẽ lan rộng, thậm chí nếu lan vào mắt sẽ gây khô giác mạc dẫn tới mù lòa; lan vào mũi gây mất cánh mũi... Nếu gặp phải nốt ruồi ác tính, các tế bào ung thư sẽ phát triển mạnh hơn, tổn thương lan rộng, có thể gây nhiễm trùng.

Nguy hiểm là vậy nhưng hằng ngày, ở các bệnh viện, thẩm mỹ viện, thậm chí là các tiệm uốn tóc bình dân... vẫn có người đến chầu chực phá nốt ruồi. Đáng nói là ở các tiệm uốn tóc, người ta phá nốt ruồi bằng những “kỹ thuật” hết sức đơn giản, thiếu khoa học. Dùng axit chấm vào nốt ruồi với lời cam kết chắc như đinh: “Đảm bảo sau một tuần bay liền”. Vậy mà vẫn có người tin mới lạ. Hậu quả nhãn tiền là cô K.A, nhân viên tín dụng ngân hàng A, phải nghỉ việc cả tuần để đến bệnh viện điều trị lại vì cái nốt ruồi sau khi dùng axit tẩy cứ rỉ máu, ngứa và đỏ. Bác sĩ điều trị khuyến cáo với cô: “Dùng axit tẩy, nốt ruồi bị lóc và tan biến bởi nhiệt độ cao nhưng rất dễ bị hoại tử dẫn đến viêm”.

Ở các bệnh viện, thẩm mỹ viện, người ta dùng phương pháp đốt laser C02 hoặc dùng kỹ thuật đốt lạnh bằng khí nitơ, đốt bằng điện... nhưng cũng vẫn bị biến chứng do bệnh nhân không biết chăm sóc vết thương sau khi tẩy. Triệu chứng thường là chảy nước, nổi mụn đỏ quanh khu vực nốt ruồi, vết thương không lành. Chị N.T cứ thắc mắc: “Tôi giữ vết thương rất cẩn thận, không để nước vào, chỉ dùng cồn để sát khuẩn vết thương. Vậy mà...”.

BS. Ngô Anh Kiệt, Trưởng khoa Thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương, TP.HCM, giải thích: Phương pháp tẩy nốt ruồi bằng kỹ thuật laser là đốt bỏ phần mụn ruồi, và tạo ra một vết bỏng nhỏ ở nơi đốt. Các mạch máu bị hở, do đó dịch lỏng chảy ra. Khi đó, nếu dùng cồn hoặc ôxy già để sát trùng sẽ phá vỡ các tế bào non mới hình thành, làm vết thương bị bỏng hai lần, rất lâu lành, dễ bị nhiễm trùng và nếu để quá lâu, sẽ gây ra phản ứng chàm hóa”.

BS. Thúy Anh, Trung tâm Thẩm mỹ Úc Châu cũng căn dặn: “Nốt ruồi có hai loại lành và ác nên trước khi tẩy nốt ruồi, cần tham khảo ý kiến bác sĩ có thể tẩy được không. Vì với nốt ruồi lớn, nguy cơ nhiễm trùng hậu phẫu là khá cao. Một số trường hợp mụn ruồi kích thước to, nếu dùng phương pháp đốt sẽ để lại sẹo lõm to nên kỹ thuật thường dùng là dùng dao cắt, sau đó khâu lại.

Tuy nhiên, nốt ruồi này phải được xử lý kỹ vì cắt không hết, nốt ruồi sẽ tái phát lại hoặc vết cắt, đốt bị nhiễm trùng. Tuyệt đối không nên tự cậy, cắt, nạo hay đánh tẩy nốt ruồi bằng vôi, axit và đắp lá... vì rất nguy hiểm”. Ngoài những nốt ruồi phải theo chỉ định của bác sĩ hoặc nằm ở vị trí dễ bị va chạm cọ xát như vùng chân, tay, vùng sau lưng, chỗ mặc áo ngực... thì nên tẩy để tránh cọ xát. Còn lại tất cả các nốt ruồi khác với kích thước nhỏ, lẻ tẻ không cần phải quan tâm. Hầu hết nốt ruồi là các tế bào da ung thư đã bị cô lập, tạo sắc tố nâu (đen, đỏ). Vì vậy phá nốt ruồi rất nguy hiểm, có thể gây ra biến chứng, phản ứng ngoài mong muốn, lây lan ung thư ở da.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Nữ nhi hữu hắc chí”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO