Một ngày làm việc của bác sĩ

18/01/2010 00:04

Suốt ngày quần quật nên thời gian trôi qua nhanh hơn bóng ngựa câu qua cửa sổ", Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam, Đại học Y dược TP HCM, chia sẻ với bạn đọc nhật ký ngày làm việc của mình.

Một ngày làm việc của bác sĩ

"Suốt ngày quần quật nên thời gian trôi qua nhanh hơn bóng ngựa câu qua cửa sổ", Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam, Đại học Y dược TP HCM, chia sẻ với bạn đọc nhật ký ngày làm việc của mình.

Với người bác sĩ này, một chu kỳ làm việc mới của mình bắt đầu từ 21h mỗi ngày, chứ không phải giờ hành chính như những ngành nghề khác. Nhật ký của ông ghi:

21h30 - Bệnh nhân cuối cùng

Bác sĩ Nam khám cho một bệnh nhân suy tĩnh mạch. Ảnh: khoahoc.com.vn

Chuẩn bị thu xếp đồ nghề gồm ống nghe, máy đo huyết áp và dặn dò nhân viên trước khi rời phòng mạch. Chuông điện thoại vang lên: "Bác sĩ đã về chưa? Xin đợi tôi một chút, tôi mang bố tôi đến khám, ông cụ bị bí tiểu". 5 phút sau, ba người nhà đưa một ông cụ khoảng 80 tuổi gầy hom hem, mặt đang nhăn nhó đau khổ vào phòng mạch. Ông cụ bị bí tiểu từ chiều, nhưng người nhà ai cũng bận lo buôn bán, họ tận dụng mấy ngày cuối năm để bán hàng chuẩn bị cho ngày Tết.

Đến hơn 9h mới về nhà để đưa bố đi khám bệnh được. Thông tiểu xong, mặt ông cụ rạng rỡ hẳn lên, tôi dặn người nhà tối mai mang lại tôi thay ống thông tiểu cho. Bệnh nhân bị u xơ tiền liệt tuyến gây bí đái, phải mô cắt tuyến tiền liệt qua nội soi mới hết được. Cả ba người nhà của bệnh nhân đều thở dài: "Thôi để sang năm mới bác sĩ ạ. Bây giờ chúng tôi bận quá không có ai để chăm nom cho ông cụ".

22h30 - Phút thư giãn hiếm hoi

Tắm xong, đúng 22h30. Mặc dù mọi người nói tắm trễ vào buổi tối như thế dễ bị bệnh lắm, nhưng tôi vẫn thích thú vô cùng với làn nước ấm chảy từ trên đầu xuống. Có thời gian đâu mà tắm sớm, may mà trời thương cũng không hay bệnh vặt. Làm bác sĩ mà bệnh vặt thì làm sao chữa được cho người khác. Một chai bia là tiêu chuẩn của mỗi buổi tối, nhạc nhẹ êm dịu, tâm hồn thư thái. Thật là thiên đường hạ giới.

23h - Đọc sách 15 phút

Đã thành thói quen, đêm nào cũng vậy tôi phải đọc sách khoảng 15 phút mới đi ngủ được. Khi thì đọc sách chuyên môn, lúc thì đọc tiểu thuyết hay truyện ngắn. Đã thành lệ, đi công tác cũng phải mang truyện theo đọc. Nhiều người cho thế là gàn dở, là kiểu cách. Thôi kệ, thế nào cũng được, ở đời ai mà chẳng có một chút gàn.

3h - Ca mổ lúc về sáng

2h30, điện thoại di động reng chuông. Tôi giật mình thức giấc. Tôi sử dụng hai số điện thoại di động, một số cho mọi người, một số cho bệnh viện. Khoảng 23h là tôi tắt máy điện thoại thông thường chỉ để lại số của bệnh viện. Nên khi chuông của máy này reo là biết liền lại có bệnh nhân cấp cứu trong bệnh viện rồi. Từ ngày nhận trực tăng cường về chuyên khoa Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch cho bệnh viện, tuy 3 tuần mới phải trực một tuần nhưng số mình đắt bệnh nhân nên bị gọi liên tục.

Nhà xa bệnh viện, đi xe máy lúc đêm hôm không an toàn nên xe cứu thương thường đến đón tôi. Mất đến hơn 30 phút xe mới đến, hụ còi chạy như bay khoảng 15 phút đến bệnh viện, thay vội bộ đồ phòng mổ, tôi xộc vào phòng số 3. Bệnh nhân đang nằm trên bàn, lồng ngực được mở ra bởi hai bác sĩ trực, vết thương tim. Cả kíp trực đang cố gắng cứu sống bệnh nhân. Đó là một thanh niên khoảng 25 tuổi mình có nhiều vết xăm, họ thanh toán nhau bằng dao Thái Lan. Vết thương tim được khâu lại, bệnh nhân được cứu sống, nỗi vui mừng hiện rõ lên từng mặt người. Ai cũng thấy hạnh phúc. Cứu một người còn hơn xây mười kiểng chùa, ông bà ta thường nói như vậy.

6h30 - Bệnh nhân khám đầu tiên

Sinh năm 1961 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hoài Nam hiện là Tiến sĩ Y học - Bác sĩ chuyên khoa cấp II Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch. Phó giáo sư - Chủ nhiệm Phân môn Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch Đại học Y dược TP HCM, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP HCM, Trưởng phòng khám Lồng ngực Mạch máu BV Đại học y dược TP HCM.

Ông là tác giả của các tác phẩm: Viết từ bệnh viện, Nửa đêm xuống phố, Câu chuyện Y khoa, Cập nhật điều trị bệnh Basedow, Cập nhật điều trị ngoại khoa Lồng ngực - Tim mạch, Phẫu thuật nội soi Lồng ngực.

May mắn sao, thỉnh thoảng mới có những ca mổ như thế chứ ngày nào cũng vậy thì có cách dọn nhà vào trong bệnh viện ở luôn. Các bác sĩ trợ thủ cũng có thể xử trí được những ca cấp cứu như vậy nhưng họ sợ trách nhiệm. Bệnh nhân bây giờ hay kiện cáo lắm, mà khi kiện cáo thì bất kể đúng sai như thế nào thầy thuốc phải là kẻ tội đồ của gia đình bệnh nhân và của Ban Giám đốc bệnh viện. Chính vì vậy họ hay mời đàn anh vào để cùng chia sẻ trách nhiệm thôi, cũng đúng thôi.

Về đến nhà là đúng 5h30, buổi sáng ở Sài Gòn luôn ồn ào chứ không tĩnh lặng như các thành phố khác, mới sáng xe người đã đầy đường. Mọi người lao vào một cuộc mưu sinh vất vả và sôi động, tất cả đều giống như ngày mai là trận thế.

Uống vội ly cà phê, 6h đã phải ra khỏi nhà rồi vì 6h30 phải khám bệnh. Bây giờ có mốt khám bệnh sớm vì lý do quá tải. Có những bệnh viện khám từ 4h sáng rất phản khoa học và đầy nguy cơ đột quỵ cho bệnh nhân và cả thầy thuốc. Nhưng đó là phong trào. Chỉ khi nào nhận ra không phải như vậy là tốt, giống như vụ thổi phồng đại dịch cúm H1N1 vừa rồi của WHO, mới có người dám nói ngược lại.

Bệnh nhân đầu tiên là một bà cụ hơn 70 tuổi, cụ đến từ Cà Mau. Hơn 10 tiếng đồng hồ mới lên đến đây để khám chân đau. Chân sưng lên vì ngồi xe, khập khiễng và đau đớn, cụ nói với tôi như mếu. Tại cụ và gia đình quá mê tín các bác sĩ của thành phố nhất là của bệnh viện này, chứ bệnh này thì ở người nào bằng tuổi cụ mà không bị, bác sĩ nào chữa chẳng được vì bệnh có hết hẳn đâu?

Bệnh của người già mà, bệnh đi cùng với tuổi tác. Nhưng chẳng lẽ lại khám không và nói sự thật như vậy cho cụ, tôi lại phải cho cụ đi siêu âm mạch máu hơn 3 giờ ngồi chờ ở phòng siêu âm hừng hực hơi người. Gần 10h cụ gặp lại tôi, tôi cũng mệt và cụ thì quá mệt. Sáng giờ gần 100 bệnh nhân được khám rồi. Khốn khổ cho ai là bệnh nhân và là thầy thuốc trong giai đoạn này.

11h - Hội chẩn và khám bệnh

Đúng 11h tôi phải ngừng buổi khám bệnh, bác sĩ khác xuống khám thế. Nhiều bệnh nhân tỏ vẻ không bằng lòng họ muốn khám bác sĩ quen, nhưng tôi đâu có thể khám hết được, thậm chí bữa nào khám bệnh là nghỉ ăn sáng luôn.

Tôi đâu có đi chơi hay đi về ngay. Phải lên lầu hội chẩn. Ba bệnh nhân mổ cho ngày mai khá nặng: một ca u phổi, một ca bệnh tắc động mạch và một ca u trung thất. Để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân và cho thầy thuốc, tất cả những ca mổ đại phẫu trở lên đều phải được hội chẩn chuyên môn. Điều này khá hay, nhưng ngày nào cũng phải hội chẩn. Một số nơi làm khá tốt, một số nơi làm cho có, chỉ là hình thức.

Gần 12h, cô thư ký bộ môn gọi điện thoại nhắc: “Chiều nay 13h30 có cuộc họp giao ban với Ban chủ nhiệm hàng tháng với khoa Y đấy. Thầy nhớ đi”.

12h30 - Bữa cơm trưa vội vàng

Ăn cơm vội vàng là một thói quen của rất nhiều bác sĩ ngoại khoa. Có nhiều người đến gần 15 giờ mới ăn trưa. Có khi là cơm hộp, cơm hàng gần bệnh viện. Một tô canh, một khúc cá kho và một đĩa cơm trắng. Cũng có ngày buổi chiều được rảnh, chúng tôi tự thưởng cho mình một bữa ăn với bạn bè vài ly bia được rót ra nhưng không dám uống nhiều vì chiều còn phải khám bệnh ở phòng mạch.

13h30 - Họp giao ban

Đúng giờ cuộc họp bắt đầu, khoảng hơn một năm nay ở Đại học Y dược các cuộc họp đều khá đúng giờ. Hiện tượng giờ dây thun dần dần bị xóa bỏ. Đó là một ưu điểm của thế hệ lãnh đạo mới. Cuộc họp cũng ngắn gọn và nội dung cũng đơn giản. Tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn có người ngủ gật. Cường độ làm việc căng quá mà. Phần lớn những bác sĩ là giảng viên của Đại học Y dược vừa phải làm nhiệm vụ của người thầy giáo vừa làm công việc của bác sĩ ở bệnh viện, cường độ lao động gấp đôi với những thầy thuốc của bệnh viện. Mệt mỏi quá sức là chuyện tất nhiên.

16h30 - Lại khám bệnh

Đúng là lại khám bệnh thật, nhưng khám tại phòng mạch. Có người hỏi tôi khi làm phòng mạch như vậy anh được và mất cái gì. Vâng, được cũng lắm mà mất cũng nhiều.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam

Những năm trước khi mà quan niệm của mọi người còn hạn hẹp, nhất là của một vài vị có chức năng quản lý mà tôi đã hân hạnh được phục vụ dưới trướng thì làm phòng mạch là một tội lỗi, là bóc lột và là đủ thứ xấu. Khó có cơ hội ngóc đầu lên được, mà đúng thật vậy chỉ khi những vị ấy về hưu tôi mới hơi ngóc đầu lên được.Nhưng đã hết đâu chuyện đó, với những người làm phòng mạch như chúng tôi thì còn dài dài. Thôi kệ có ai được hết tất cả đâu, được cái này thì mất cái khác.

Tuy nhiên, cũng có những cái mà chúng tôi được, đó là không phải làm bậy trong bệnh viện, dám nhìn thẳng vào mặt bệnh nhân và người nhà bệnh nhân vì không còn vòi vĩnh làm khó bệnh nhân để kiếm tiền, không phải sa vào các cuộc nhậu bê tha suốt từ buổi chiều đến tối mịt như mấy ông bạn làm các nghề phải ngoại giao nhiều của tôi.

Cũng rất may là phòng mạch của tôi rất đẹp, đầy đủ trang thiết bị, không gian làm việc thoáng mát và đầy tính nghệ thuật, bệnh nhân của tôi lại có văn hóa. Họ yên lặng chờ đợi trong tiếng nhạc hòa tấu nhè nhẹ, họ nhường nhau nếu ai đó có bệnh nặng hơn.

Với bao cố gắng của hàng chục năm, chúng tôi mới xây dựng được một phong thái văn hóa khi đi khám bệnh của bệnh nhân và các cộng sự của tôi cũng rất chuyên nghiệp nhờ kiên trì đào tạo, huấn luyện.

Trong thời gian chờ giữa hai ca khám bệnh tôi bắt tay vào viết, check email… Trả lời các câu hỏi của báo chí, viết bài cho báo, viết ký sự phóng sự ghi lại những điều tôi đã trải quan và đã chiêm nghiệm. Tôi rất muốn viết tiểu thuyết nhưng tay nghề hình như còn yếu, phải rèn luyện thêm thôi. Rất nhiều người hỏi tôi bận thế thì làm sao viết được. Vâng, tôi vẫn viết được đấy, viết giữa hai ca khám bệnh.

21h - Một chu kỳ mới

20h30 ăn cơm tối với các trợ thủ của phòng mạch. Bữa ăn cũng khá vội vàng vì còn bệnh nhân đang chờ đợi. Chỉ cho phép 15 phút mà thôi. Ăn cơm trễ lại ăn nhanh nên dễ béo phì. Mặc dù cố gắng hết sức tôi vẫn bị mọi người gọi là “Bác sĩ béo”.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một ngày làm việc của bác sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO