Làm sao để áp huyết không cao?

BS. Nguyễn Văn Hoàng| 03/07/2021 06:24

Áp huyết 120/80, có nghĩa áp suất máu trong động mạch là 120mmHg (thủy ngân) và 80mmHg, tức có hai con số để đo áp suất trong động mạch, một số trên và một số dưới. Coi vậy chớ không phải ai cũng biết tại sao áp huyết lại có số trên (systole) và số dưới (diastole).

Làm sao để áp huyết không cao?

Người Việt mình thường nói áp huyết của một người nào đó là "mười lăm tám" (15/8), hay mười bảy chín (17/9), còn ở các nước phương Tây thì người ta nói 150/80, hay 170/90. Vậy những con số ấy là gì?

Lấy ví dụ áp huyết của một người là 120/80, thì có nghĩa áp suất máu trong động mạch là 120mmHg và 80mmHg, tức là có hai con số để đo áp suất trong động mạch, một số trên và một số dưới. Coi vậy chớ không phải ai cũng biết tại sao áp huyết lại có số trên và số dưới.

Trái tim có hai thì, bóp vô và phồng ra. Khi tim bóp vô, máu phọt vào động mạch, khi tim phồng ra, máu từ tĩnh mạch chảy vô tim, còn máu từ động mạch thì không chảy ngược vô tim vì các valve tim chặn sự hút ngược máu từ động mạch.

Vậy con số trên của áp huyết là áp suất của máu trong động mạch khi tim bóp vô, đẩy máu vào động mạch và số dưới là khi tim nhả ra, hay phồng ra. Khi máu được bơm vào động mạch, áp suất tăng cao, nên con số trên cao, còn khi tim nhả ra, không bơm vô động mạch thì áp suất thấp xuống, nên có systole cao hơn diastole.

Người đo áp huyết mắt thì ngó cột thủy ngân, tai thì nghe tiếng "bịch, bịch". Họ ghi nhận áp suất ở tiếng "bịch" đầu tiên, gọi là số trên và tiếng “bịch” sau, là số dưới.

Vậy thì áp huyết bao nhiêu là vừa?

Người ta thường nói áp huyết 120/80 là trung bình. Nhiều bà, nhiều cô Việt Nam hay các nước Á Đông hễ thấy áp huyết 106/62 chẳng hạn, thì xanh mặt: "Ôi, tui thiếu máu", "Tui bị áp huyết thấp”.

Nhưng số đo trên cho biết chẳng phải thiếu máu cũng chẳng bị áp huyết thấp.

Nhiệm vụ của trái tim là bơm máu đi châu thân. Con số 120/80 là trung bình cho người Tây phương nhưng không phải như vậy mới là chuẩn. Đàn bà, con nít, áp huyết thấp hơn như vậy là thường, chẳng bệnh hoạn gì cả. Chỉ khi nào áp huyết bình thường khoảng 145/95, bỗng tuột xuống còn 90/45, thì lúc ấy mới “có vấn đề”.

Áp huyết bao nhiêu thì gọi là cao, bao nhiêu là thấp? 

Theo sách y, nếu con số trên từ 140 trở lên, hoặc con số dưới từ 90 trở lên thì là áp huyết cao. Nhưng định nghĩa này chỉ có tính tương đối. Còn nếu con số trên dưới 80, con số dưới dưới 40 thì áp huyết thấp.

Vậy áp huyết 178/67, thì cao hay thấp? Số trên thì cao, số dưới thì dưới trung bình.

Đó là hiện tượng cao áp huyết thường thấy ở người cao niên. Sự cách biệt giữa số trên và số dưới như vậy là khá xa. Nếu áp huyết 120/80 thì sự cách biệt giữa hai con số là 40mmHg. Trong trường hợp áp huyết 178/67 thì sự cách biệt đến 111mmHg, khác quá xa.

Vấn đề không nằm ở trái tim mà ở động mạch.

Khi ta còn trẻ, động mạch mềm, dễ co giãn. Khi tim bóp cái xịt, máu phọt ra, động mạch sẽ “chiều ý” mà nở ra dễ dàng, do đó tuy khi tim đập, áp huyết có cao hơn khi tim nhả ra, nhưng không tăng quá cao.

Người già, động mạch như cái ống nước cao su bị phơi nắng lâu ngày, nó cứng lại, mất tính mềm dẻo, đàn hồi. Nên khi trái tim bóp cái xịt, động mạch không thèm nở ra, khiến lòng mạch chật chội, áp huyết tăng cao. Nhưng khi tim nhả ra, không bóp máu, thì động mạch dù xơ cứng cũng không ảnh hưởng đến áp suất vì không bị máu bơm thêm vào.

Do sự xơ cứng của động mạch ở người cao niên thường có số trên cao, cách biệt giữa số trên và dưới khá xa. Nói đó là bệnh cao áp huyết cũng được, nhưng nhìn hiện tượng cao áp huyết này như một lẽ thường của sự lão hóa thì cũng không sai.

Những người tập thể thao nhiều, động mạch co giãn hoài, cộng với đời sống điều độ, thì ít bị xơ cứng động mạch hơn.

Áp huyết tác hại như thế nào? 

Áp huyết của một người, trong một ngày, lên xuống ì xèo, không thể vì một lần đo thấy 178/99 rồi “xanh mặt”. Khi nóng giận, tức tối, đau đớn, khó chịu, thiếu ngủ, căng thẳng, áp huyết đều tăng.

Áp huyết cao chỉ có hại nếu nó cao trường kỳ. Nó sẽ làm hư hao động mạch. Vì bộ phận nào của ta cũng đều cần máu nuôi dưỡng, mạch dẫn đến cơ quan nào hư thì cơ quan đó "dẹo niền" luôn. Mạch lên não hư thì tai biến mạch máu não, tức, mạch dẫn đến (bắp thịt của) tim hư thì bị nhồi máu cơ tim. Mạch dẫn đến mắt hư thì đui. Mạch dẫn đến dương vật hư thì... liệt. Đơn giản chừng ấy.

Vậy làm sao để áp huyết không cao? 

Trước khi dùng thuốc thì tập thể dục, thể thao, ăn uống vừa phải (ít chất mặn). Nếu áp huyết vẫn cao thì uống thuốc theo toa bác sĩ. 

Tóm lại là không ai tránh được bệnh nên khỏi cần lo lắng về bệnh tật, chắc chắn nó sẽ đến với ta. Không lo cũng bệnh mà lo thì càng... dễ bệnh hơn. Áp huyết cao vì còn do lo lắng những chuyện không đáng lo.

Nếu khi mình bệnh mà lo lắng thái quá thì vừa chứng minh lòng vị kỷ, vừa tổn tâm hao trí, đời sẽ mất vui. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm sao để áp huyết không cao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO