Hồi hộp đánh trống ngực, có đáng lo?

DƯƠNG QUÁN HẠ (TỔNG HỢP)| 05/07/2016 07:08

Hồi hộp đánh trống ngực là triệu chứng hay gặp ở rất nhiều người bị bệnh tim.

Hồi hộp đánh trống ngực, có đáng lo?

Hồi hộp đánh trống ngực là triệu chứng hay gặp ở rất nhiều người bị bệnh tim.

Hồi hộp đánh trống ngực là biểu hiện rất thường gặp trong cuộc sống hằng ngày mỗi khi tim đập nhanh, mạnh, bất thường và dồn dập. Nó thường được mô tả như cảm giác "hẫng hụt" - tim của bạn như bị ngưng lại một vài giây, thường sau đó là một nhịp tim đập mạnh, lúc đó bạn có cảm giác tim rung lên, có thể nghe thấy tiếng "thịch" rất to trong lồng ngực.

Nguyên nhân và triệu chứng

Hồi hộp đánh trống ngực có thể do rất nhiều nguyên nhân, điển hình như:

Bạn bị stress, căng thẳng, mệt mỏi vượt ngưỡng chịu đựng của cơ thể (stress gây tăng mức độ adrenalin trong cơ thể).Tập luyện thể lực quá sức, bệnh tật (nhất là sốt), hoặc các nguyên nhân gây tăng cảm xúc như vui quá, buồn quá, bất ngờ nghe tin xấu cũng khiến tim đập bất thường.

Sử dụng quá nhiều các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu...

Tim cần một môi trường xung quanh bình thường và ổn định để hoạt động tốt. Các thay đổi trong dẫn truyền điện có thể dẫn đến giảm khả năng bơm máu của tim và tình trạng đánh trống ngực xuất hiện. Rối loạn các chất điện giải trong cơ thể như kali, magnesium và calcium có thể khiến hồi hộp tim. Ngoài ra, thiếu máu và cường giáp cũng là những nguyên nhân khiến tình trạng này xuất hiện.

Phụ nữ đã có sẵn những bất thường về nhịp tim thì khi có thai sẽ khiến tình trạng hồi hộp nặng hơn do các biến đổi về nội tiết và lưu lượng máu. Những thay đổi về nội tiết tố ở phụ nữ trước, trong và sau giai đoạn mãn kinh cũng góp phần tăng tần suất các cơn hồi hộp.

Một số tình trạng hồi hộp khác có thể do các bất thường về cấu trúc tim như hẹp động mạch vành gây thiếu máu cơ tim, tăng tính kích thích gây ngoại tâm thu thất, nhịp nhanh thất, hoặc rung thất.

Khi nào cần phải điều trị?

Hồi hộp đánh trống ngực có thể xuất hiện thoáng qua, khi đó chúng dường như vô hại và không đáng lo ngại. Trong các điều kiện bình thường, những người khoẻ mạnh chỉ cảm thấy đánh trống ngực và hồi hộp khi bị căng thẳng vì hoạt động gắng sức, do xúc động hay hoạt động tình dục. Kiểu hồi hộp và đánh trống ngực này mang tính chất sinh lý bình thường. Nhưng nếu bạn thấy nhịp tim đập nhanh hơn, xuất hiện thường xuyên hơn và kèm theo các triệu trứng khác như cảm thấy tim đập nhanh hoặc rung lên bất thường; đau ngực, khó thở, ra mồ hôi và ói mửa; choáng váng, thậm chí ngất xỉu, thì cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Một số biện pháp cải thiện tình trạng

Việc điều trị hồi hộp đánh trống ngực phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh cụ thể của từng người. Đối với các trường hợp đánh trống ngực không bắt nguồn từ các bệnh về tim mạch, không nhất thiết phải theo phác đồ điều trị thì bác sĩ sẽ khuyên bạn nên tránh các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, giảm stress, nghỉ ngơi điều độ và hoạt động thể chất đều đặn. Bổ sung các thực phẩm giàu magnesium trong chế độ ăn hằng ngày như bí ngô, hạnh nhân, hạt điều, rau xanh đậm, củ cải, cải xoăn. Uống đủ nước mỗi ngày vì mất nước cũng là một trong những nguyên nhân gây ra việc đánh trống ngực.

Đối với các trường hợp đánh trống ngực do nguyên nhân từ bệnh tim mạch, cần phải điều trị sớm. Bác sĩ có thể cho dùng thuốc chẹn beta giao cảm, thường được sử dụng để điều trị tăng huyết áp và bệnh tim - có thể ngăn chặn các cơn co thắt sớm. Các thuốc khác như thuốc chẹn kênh calcium, hoặc thuốc chống loạn nhịp cũng có thể được sử dụng nếu có nhịp nhanh thất hoặc co thắt thất sớm rất thường xuyên làm giảm chức năng của tim, gây ra các triệu chứng nghiêm trọng.

Trong những trường hợp phức tạp và nặng hơn như ngoại tâm thu do nhịp chậm, cần dùng thuốc nâng nhịp tim, thậm chí dùng máy tạo nhịp. Tuy nhiên, ngoại tâm thu cũng có thể là dấu hiệu chỉ điểm sự tiến triển xấu đi của bệnh, khi đó điều trị cần chú trọng tới bệnh lý đã có, ngoại tâm thu chỉ là điều trị phụ.

Sử dụng phương pháp "Valsalva Maneuver" là một phương pháp cổ xưa giúp nhịp tim đập nhanh trở lại bình thường bằng sự can thiệp vật lý, giúp kích thích các dây thần kinh sọ não số 10 (dây thần kinh phế vị), từ đó làm nhịp tim chậm trở lại. Cách làm rất đơn giản, hãy véo mũi và ngậm chặt miệng rồi cố gắng thở ra thật mạnh. Hành động này lúc đầu sẽ làm tăng tốc độ nhịp tim nhưng sau đó sẽ làm nhịp tim chậm lại. Cần lưu ý, không sử dụng phương pháp này với những người bị bệnh tim.

Theo BS. Nguyễn Trần Linh, Viện Tim mạch Việt Nam, đánh trống ngực là nguyên nhân gây ra khoảng 5% các trường hợp đột quỵ mỗi năm. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi và tăng dần theo lứa tuổi. Trung bình tỷ lệ mới mắc bệnh khoảng 0,1% mỗi năm ở người, dưới 40 tuổi nhưng tăng lên tới 1,5 - 2% ở người trên 80 tuổi.

>Biết nguy cơ mắc bệnh tim mạch nhờ... kiểm tra thận thường xuyên

>Ly hôn làm tăng nguy cơ đau tim

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hồi hộp đánh trống ngực, có đáng lo?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO