Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh

TRẦN HẠ AN (Tổng hợp)| 21/06/2016 05:15

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (sudden infant death syndrome - SIDS) là cụm từ chuyên môn dùng để chỉ trường hợp trẻ dưới một tuổi tử vong mà không thể lý giải nguyên nhân.

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (sudden infant death syndrome -  SIDS) là cụm từ chuyên môn dùng để chỉ trường hợp trẻ dưới một tuổi tử vong mà không thể lý giải nguyên nhân. Nguyên nhân gây ra SIDS rất khó xác định, đặc biệt với các trường hợp trẻ đang có vẻ khỏe mạnh. Vậy nên việc trang bị những kiến thức cần thiết về hội chứng này là rất cần thiết nhằm bảo vệ trẻ.

Đọc E-paper

Theo một nghiên cứu mới đây của Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ, các trẻ sơ sinh chết vì chứng đột tử có liên quan tới mức serotonin trong não thấp hơn mức bình thường, trong khi serotonin là chất giúp điều hòa hơi thở, nhịp tim và huyết áp khi ngủ.

Có quan điểm cho rằng, khi ba nhân tố sau cùng lúc xảy ra thì nguy cơ tử vong đột ngột của trẻ rất cao: sức khỏe bẩm sinh vốn yếu, quá trình phát triển gặp khó khăn và do tác động xấu từ môi trường bên ngoài.

Nhóm trẻ có nguy cơ cao

Nhóm trẻ sơ sinh có nguy cơ bị hội chứng đột tử cao nhất là:

Bé sinh non hoặc thiếu cân khi sinh, bé càng ra đời sớm hơn ngày dự sinh bao nhiêu thì nguy cơ bị SIDS càng cao bấy nhiêu.

Trẻ thường nằm sấp khi ngủ.

Bé sinh ra khi mẹ nhỏ hơn 20 tuổi dễ bị SIDS hơn so với các bé là con của mẹ đã trên 20 tuổi.

Bé có nhiều anh chị em, đặc biệt là anh chị em rất gần tuổi nhau. Khoảng thời gian giữa hai thai kỳ càng ngắn thì nguy cơ bé bị SIDS càng cao.

Theo thống kê, bé trai thường có nguy cơ nhiễm hội chứng này nhiều hơn bé gái.

Ngủ trên bề mặt quá mềm.

Thân nhiệt quá cao trong khi ngủ.

Cha mẹ hoặc người cùng nhà hút thuốc lá.

Những bé đã phải trải qua một số tình huống nghiêm trọng, đe dọa rõ ràng đến tính mạng (bé bị ngưng thở, trở nên tím tái, người mềm oặt, phải thực hiện hồi sức cấp cứu...) có nguy cơ SIDS cao hơn bình thường.

Phòng ngừa SIDS

Cho bé nằm ngửa khi ngủ. Nằm ngửa luôn được khuyến cáo là giảm nguy cơ đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh bởi khi bé nằm nghiêng, nguy cơ úp mặt và dẫn tới thiếu dưỡng khí, ngưng thở là điều rất dễ xảy ra. Khoảng 3 - 4 tháng tuổi, khi đã biết lật, bé thường ngủ theo quán tính lật sấp người lại. Tư thế nằm sấp rất dễ chèn ép tim và có khi bé không ngóc đầu dậy hoặc không thể trở mình lại được, gây ngạt thở... Trong trường hợp này, nếu người lớn không phát hiện kịp thời sẽ rất nguy hiểm cho bé. Vì thế, với trẻ dưới 12 tháng, nhất là vào ban đêm, bố mẹ cần chú ý tư thế con cẩn trọng khi ngủ.

Môi trường ngủ an toàn. Giường cũi, xe đẩy, hay bất cứ thiết bị gì mà bạn đặt bé vào cũng cần phải đạt các yêu cầu an toàn về kỹ thuật. Bạn hãy cho con ngủ bằng nệm phẳng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa bề mặt mềm êm cho con nằm ngủ (chẳng hạn như chăn bông, chăn lông gấp lại, nệm nước, ghế sofa...) với nguy cơ SIDS và bị ngạt cao. Việc ngủ cùng con trên đi văng hay ghế bành cũng đưa đến nguy cơ tương tự.

Ngay cả loại nệm nằm thường dùng nhất của người lớn cũng không an toàn vì chúng thường có lớp nhồi êm và thường đi kèm với tấm trải mềm mại. Các nhà khoa học cũng lên tiếng cảnh báo về việc sử dụng những tấm quây xung quanh thành cũi.

Không có bằng chứng nào cho thấy những tấm quây này có thể ngăn được chấn thương mà ngược lại còn có thể dẫn đến nghẹt thở. Không có tấm quây, không khí lưu thông dễ dàng hơn, và bạn có thể trông thấy bé dễ dàng hơn.

Tuyệt đối tránh để các vật mềm, các bộ đồ giường (chăn, gối, nệm, khăn trải giường) rộng, gối, chăn bông, da cừu, các vật kê, lót hoặc các đồ chơi nhồi bông  vì chúng có thể khiến bé bị ngạt thở. Hơn nữa, không nên ủ ấm quá kỹ hoặc đắp chăn trùm kín mặt bé khi ngủ bởi việc làm này dễ khiến trẻ đột tử. Do đó, cha mẹ cần luôn chú ý tới bé lúc ngủ, phải đảm bảo rằng nhìn thấy đầu và mặt của bé.

Hạn chế cho bé ngủ cùng người lớn. Cho trẻ ngủ chung giường với bố mẹ là thói quen của rất nhiều bậc phụ huynh. Tuy nhiên, điều này dẫn đến nguy cơ đột tử ở trẻ rất cao. Nguyên nhân có thể do bố mẹ ngủ say vô tình làm bé ngạt thở, bé bị kẹt giữa bố và mẹ (nếu nằm giữa) hoặc bị kẹt ở khoảng giữa tường và giường (nếu nằm sát tường), bị chăn mền làm ngạt thở... Các nhà khoa học khuyến cáo cách tốt nhất là đặt trẻ nằm riêng trong cũi được thiết kế rộng rãi, bằng phẳng và đặt gần giường cha mẹ.

Tránh ủ ấm bé quá mức. Hạn chế cho bé mặc nhiều hơn quá một lớp so với số lớp quần áo mà người lớn thường mặc để bé thoải mái với môi trường. Hãy chú ý để nhận thấy những dấu hiệu cho thấy bé bị nóng, chẳng hạn như bé đổ mồ hôi, tóc bị rịn ẩm. Bạn đừng che mặt hoặc đầu của con bằng mũ trùm đầu. Trừ khi con bạn sinh non, còn không thì sau vài ngày, bé không còn cần thiết phải đội mũ nữa.

Nuôi con bằng sữa mẹ. Hãy nuôi con bằng sữa mẹ trong ít nhất sáu tháng, nếu bạn có thể, còn nếu không được như vậy thì có được chừng nào tốt chừng đó. Một nghiên cứu được thực hiện tại Đức, công bố năm 2009, kết luận rằng việc nuôi con bằng sữa mẹ dù là hoàn toàn hay chỉ một phần cũng đều giúp giảm nguy cơ SIDS.

Giữ con tránh xa khói thuốc. Thuốc lá cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Bạn hãy giữ cho không khí trong nhà và cả môi trường rộng hơn xung quanh con không bị khói thuốc làm ô nhiễm, để không khí quanh bé sạch và thoáng, đừng để ai hút thuốc gần bé. Bạn cần kiểm tra những nơi cho bé đến, kiểm tra kỹ cả cửa sổ hoặc lỗ thông hơi dẫn tới nơi ngủ của bé.

Hãy bảo đảm con được tiêm phòng đầy đủ. Các bằng chứng cho thấy việc được tiêm phòng đầy đủ theo quy định có thể làm giảm đến một nửa nguy cơ bị SIDS.

Một vài lưu ý


Không cho trẻ em dưới 1 tuổi sử dụng mật ong hay bôi mật ong vào ti giả vì mật ong có thể gây ra ngộ độc và khiến vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, là nguy cơ dẫn tới SIDS.

Bạn đừng dùng khăn, gối chèn hay kệ ngủ (sleep positioner) để cố giữ bé nằm ngửa hoặc nằm nghiêng, vì những thứ này thực tế còn làm tăng nguy cơ bị đột tử ở bé.

Đừng để bé ngủ lâu trong ghế ngồi ô tô, trong xe đẩy, ghế rung, hay trong địu, đặc biệt đối với những bé dưới 4 tháng bởi vì bé có thể bị ngạt khi đầu của bé bị chúi về trước quá nhiều và lâu.

Quấn bé trong chăn hay khăn mỏng, nhưng cần bảo đảm là bé không bị quá nóng. Không  để bé nằm sấp khi đã quấn có thể giúp phòng tránh SIDS. Đây cũng là cách giúp trẻ có giấc ngủ sâu, ít bị giật mình và cảm thấy an toàn hơn.

>Đột tử do thuyên tắc động mạch phổi

>Cầu thủ bóng rổ đột tử sau cú ghi điểm quyết định

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO