Dưa đắng khổ qua

P.H tổng hợp| 29/05/2010 06:37

Khổ qua (khổ là đắng, qua là dưa) người miền Bắc gọi là mướp đắng (thuộc họ bầu bí). Khổ qua không chỉ là một món ăn ngon mà còn là một vị thuốc quý.

Dưa đắng khổ qua

Khổ qua (khổ là đắng, qua là dưa) người miền Bắc gọi là mướp đắng (thuộc họ bầu bí). Ở nước ta, khổ qua có mặt khắp nơi, từ nông thôn đến thành thị, từ hàng quán ven đường đến những nhà hàng hạng sao. Giàn khổ qua ven bờ ruộng là hình ảnh quen thuộc của những cánh đồng miền Nam, là nơi thề hẹn của biết bao mối tình thôn dã:

Mời các bạn theo dõi món ăn bài thuốc “Dưa dắng khổ qua” , do Kim Qui trình bày.

Khổ qua xanh khổ qua đắng
Khổ qua mất nắng khổ qua đèo
Thương nhau dầu khổ dầu nghèo cũng thương

Khổ qua không chỉ là một món ăn ngon mà còn là một vị thuốc quý.

Trong trái khổ qua có nhiều protein và vitamin C giúp nâng cao chức năng miễn dịch của cơ thể, làm cho tế bào miễn dịch có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư; kích thích ăn uống; chất alkaloid trong khổ qua có công hiệu lợi tiểu, làm máu lưu thông, chống viêm, hạ sốt, sáng mắt, nước ép khổ qua tươi có tác dụng hạ đường huyết, là món ăn lý tưởng cho người bệnh tiểu đường...

Các món ăn được chế biến từ khổ qua rất nhiều, mỗi vùng có cách làm và khẩu vị riêng, nhưng phổ biến nhất là món khổ qua hầm (khổ qua dồn thịt hoặc cá). Khổ qua dồn thịt hay cá đều ngon, nhưng ngon nhất là dồn cá thác lác trộn với ít thịt heo nạc dăm. Ở Nam bộ, khổ qua hầm luôn có mặt trong bữa ăn của người dân trong những ngày Tết và ngày giỗ ông bà.

Để làm món khổ qua hầm người ta lựa trái có màu xanh đậm, gai nở to sẽ ít đắng. Dùng dao bén rạch bên hông trái khổ qua, lấy hết hột, ngâm với nước có pha một chút muối, 15 phút sau vớt ra, để ráo. Thịt nạc dăm bằm nhuyễn trộn với cá thác lác (không có cá thác lác thì dùng cá ba sa nhưng không ngon bằng), quết lại cho dai. Hành lá xắt nhỏ, lá hành trụng nước sôi để dai. Bún tàu ngâm mềm, nấm mèo ngâm nở, cắt sợi nhỏ.

Canh khổ qua dồn thịt

Đun một nồi nước sôi có pha muối, đường, trụng sơ khổ qua cho bớt đắng, vớt ra, xả nước lạnh, để ráo. Trộn thịt và cá thác lác đã quết dai với hành lá xắt nhuyễn, nấm mèo, bún tàu, muối, bột ngọt, tiêu (đâm nhuyễn và một ít nguyên hạt), đường, vừa ăn. Nhồi hỗn hợp trên vào trái khổ qua, ấn chặt và chà mịn rồi dùng một cọng hành đã trụng quấn quanh trái, cột lại. Xếp khổ qua vào nồi, cho đầy nước, hầm mềm, cho thêm xương heo để nước hầm có chất ngọt.

Ngoài việc chế biến các món ăn, người dân còn dùng khổ qua để làm thức uống chữa bệnh.

Nước khổ qua ép: Dùng hai trái khổ qua lớn, cắt đôi theo chiều dọc, bỏ hạt, ép lấy nước, hòa với một chút muối. Nếu không có máy ép, cắt nhỏ khổ qua cho vào máy xay sinh tố xay, vắt lấy nước. Uống lạnh sẽ ít đắng hơn, khổ qua tính mát, có tác dụng giải độc gan, vì thế ngoài tác dụng giã rượu, bác sĩ khuyên thường xuyên ăn khổ qua để giải nhiệt và giúp gan hoạt động tốt, ngăn ngừa được nhiều bệnh, đặc biệt là tiểu đường. Ngoài cách làm thủ công, khổ qua còn được chế biến công nghiệp dưới dạng trà, được người dùng rất ưa chuộng.

Khổ qua có tính mát, không nên dùng cho người rối loạn chức năng tiêu hóa do lạnh (tỳ vị hư hàn).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dưa đắng khổ qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO