Đồ nhựa: Cẩn thận khi chọn dùng!

TRUNG KIÊN| 15/05/2012 05:37

Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Toxicology Letters, chất phthalate có thể gây vô sinh ở cả nam lẫn nữ, giảm thiểu tác dụng của một số hóc môn và ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh.

Đồ nhựa: Cẩn thận khi chọn dùng!

Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Toxicology Letters, chất phthalate có thể gây vô sinh ở cả nam lẫn nữ, giảm thiểu tác dụng của một số hóc môn và ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh.

Các nhà nghiên cứu người Ý đã chỉ ra rằng phthalate có thể khiến nữ giới mắc bệnh lạc nội mạc tử cung - một căn bệnh phổ biến gây vô sinh ở nữ giới. Còn ở nam giới, chất này có thể hạn chế chức năng của một số loại hóc môn, có thể dẫn đến vô sinh.

Chất phthalate tồn tại khắp nơi trong môi trường của chúng ta: trong các sản phẩm nhựa vinyl (hộp nhựa, thau, chai lọ), sản phẩm tạo hương (nước hoa, nến có hương, chất tạo tươi mát), chất tẩy rửa (xà phòng giặt đồ, xà phòng cục), mỹ phẩm (dầu gội đầu, nước xịt tóc, chất khử mùi), các loại chảo không dính, thuốc trừ sâu…

Cách tốt nhất để phòng tránh tác hại của phthalate là hạn chế tối đa việc tiếp xúc, sử dụng các sản phẩm có chứa phthalate.

Dưới đây là 3 cách đơn giản nhận biết phthalate trong các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày:


1.Đọc kỹ nhãn mác sản phẩm

Trong các sản phẩm, phthalate còn tồn tại dưới dạng hợp chất là Bisphenol A. Bằng cách đọc kỹ nhãn mác sản phẩm, người sử dụng có thể tránh mua phải các sản phẩm có chứa phthalate như: DBP (di-n-butyl phthalate) và DEP (diethyl phthalate) trong các sản phẩm làm đẹp; DEHP (di-(2-ethylhexyl) phthalate hoặc Bis (2-ethylhexyl) phthalate) trong các sản phẩm nhựa PVC và trong cả các dụng cụ y tế; BzBP (benzylbutyl phthalate) trong các sản phẩm tẩy rửa; DMP (dimethyl phthalate) trong thuốc bảo vệ thực vật và trong một số sản phẩm nhựa.

2.Tránh xa các sản phẩm có mùi thơm


Tốt nhất nên sử dụng các loại hóa mỹ phẩm “thiên nhiên”: ít có mùi, thành phần tự nhiên, hương liệu thiên nhiên, không chứa chất bảo quản… Hạn chế sử dụng các sản phẩm có mùi thơm như sáp thơm, nước hoa…, vì trong các hỗn hợp tạo mùi thường chứa phthalate.

3.Sử dụng sản phẩm nhựa loại số 1, 2, 5

Nếu lật ngược một chiếc vỏ chai Lavie hoặc một hộp dầu gội đầu, bạn sẽ thấy những con số nằm gọn trong dấu hiệu “recycle”, đó chính là số hiệu phân loại nhựa.

Có 7 loại số mà các bạn sẽ thấy chúng xuất hiện trên các hộp nhựa, phản ánh 7 loại khác nhau của đồ nhựa được phép lưu hành trên thị trường.

Số 1: Là loại nhựa polyethylene terephtalate, hay còn được gọi là PETE hoặc PET. Hầu hết các chai soda và chai nước khoáng... đều thuộc loại đồ nhựa số 1. Loại nhựa này nói chung là an toàn.

Số 2: Đây là loại nhựa có tỷ trọng polyethylene cao, hay còn được gọi là HDPE. Hầu hết các bình sữa cho trẻ em, chai đựng sữa, nước trái cây, hoặc chứa các loại nước tẩy rửa... đều là loại nhựa số 2.

Số 3: Đây là loại nhựa được làm từ polyvinyl clorua, hoặc PVC. Các loại giấy gói thực phẩm, chai đựng dầu ăn, đường ống dẫn nước... là nhựa PVC. Trong thành phần của nhựa PVC có chứa phthalates, không an toàn khi tiếp xúc với nhiệt độ cao - thông thường là đựng đồ ăn nóng hoặc nước nóng. Do đó, nên hạn chế tối đa sử dụng loại nhựa số 3 trong việc lưu trữ thực phẩm.

Số 4: Đây là loại nhựa có chứa polyethylene mật độ thấp (LDPE). Nó thường được sử dụng để làm các loại túi nhựa đựng hàng tạp hóa, giấy gói thực phẩm...

Số 5: Đây là loại nhựa được làm từ polypropylene. Hộp sữa chua, chai đựng nước lọc, lọ đựng thuốc, chai đựng nước xiro hoặc nước sốt cà chua, tương ớt, ống hút... đều được thuộc loại nhựa số 5. Loại nhựa này được xem là an toàn.

Số 6: Nhựa polystyrene, hay còn được gọi là xốp, thường được sử dụng trong khâu đóng gói bao bì. Bạn cũng sẽ thấy rằng nhựa số 6 được sử dụng để làm ra các loại đĩa và ly dùng 1 lần. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng loại đồ nhựa này có khả năng tiết ra các chất hóa học độc hại, đặc biệt khi đun nóng. Do đó, chúng ta nên tránh xa các loại đồ nhựa mang nhãn số 6 càng tốt.

Số 7: Đây là sản phẩm từ hỗn hợp các loại chất dẻo đã được phát minh sau năm 1987, trong đó có polycarbonate và chất BPA rất đáng sợ. Hầu như không có bất cứ loại đồ nhựa gia dụng nào mang nhãn số 7. Loại nhựa này đa phần chỉ được sử dụng trong công nghiệp: vỏ điện thoại, máy tính...

Khi lựa chọn đồ nhựa, cần phải hết sức thận trọng và xem xét kỹ lưỡng những con số được đánh dấu dưới đáy các loại chai, hộp nhựa. Không nên chọn những loại đồ nhựa không có nhãn mác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đồ nhựa: Cẩn thận khi chọn dùng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO