Chống “stress” thời suy thoái

Susan Adams - dịch PHAN THỊ TRANG| 03/02/2010 03:26

Sa thải, cắt giảm lương, công việc chất chồng… Làm thế nào để cân bằng cuộc sống?

Chống “stress” thời suy thoái

Sa thải, cắt giảm lương, công việc chất chồng… Làm thế nào để cân bằng cuộc sống?

Mời các bạn theo dõi bài "Chống “stress” thời suy thoái" do Bảo Chiêu trình bày.

Khủng hoảng kinh tế, các công ty sa thải nhân viên nhiều. Những người còn ở lại phải gánh lấy phần việc của người đã ra đi. Canh cánh mối lo mình sẽ là người tiếp theo bị sa thải, bạn bị áp lực tâm lý, hì hục làm việc mà không dám kêu than nửa lời. Hơn nữa, trước đây, có “bức xúc” gì thì lập tức càm ràm với anh bạn đồng nghiệp chí thân. Nay, anh ta cũng nằm trong số những người bị sa thải đợt trước khiến bạn chẳng thể gọi điện tâm sự xả “stress” nữa. Đồng thời, “sếp” cứ nhắc chừng hạn chót phải hoàn thành công việc…

Tứ phía bủa vây. Có cách nào để làm dịu căng thẳng?

Theo Joan Kane, nhà tâm lý học có 22 năm kinh nghiệm cho biết: không áp dụng những phương pháp chữa bệnh thông thường vào thời điểm nhạy cảm khác thường này.

Bình thường, chuyên gia tâm lý nhận thấy dấu hiệu stress nơi bệnh nhân thì sẽ cố đánh thức sự tự hào trong con người bệnh nhân, để cởi bỏ áp lực nơi họ. Tuy nhiên, trong tình huống này, chuyên gia tâm lý cần động viên bệnh nhân: Đây không phải là lúc chứng minh tài năng và những đóng góp to lớn của cá nhân mình. Mà là lúc thể hiện mình có khả năng thích nghi, rằng mình tích cực, sáng tạo và luôn hướng đến thành công.

Ngoài ra, người bị stress cần dẹp bỏ suy nghĩ: công việc là tất cả cuộc sống của mình. Nhiều người thường phàn nàn về công việc, bây giờ lại không ca cẩm gì nữa vì nghĩ: Cũng may là mình còn việc để làm. Như vậy không có nghĩa là họ hết “stress” mà thực tế họ càng căng thẳng, bị áp lực phải hoàn tất mọi việc. Cứ kéo dài như vậy, bệnh nhân sẽ gặp rắc rối sức khỏe và khủng hoảng đời sống hôn nhân gia đình.

Thay vào đó, bác sĩ tâm thần học Paul Browde khuyến khích bệnh nhân nhận thức tình trạng căng thẳng cực độ của bản thân và hãy lạc quan rằng khó khăn nào rồi cũng sẽ qua. Cùng lúc đó, bệnh nhân phải dành thời gian thư giãn và tập thể dục. Bác sĩ Paul khuyên: “Năm phút tập thể dục thư giãn hằng ngày vô cùng quan trọng”.

Bilie A. Pivnick, nhà tâm lý học giảng dạy chương trình tiến sĩ tâm lí bệnh nhân tại Đại học Columbia, đã xếp những phản ứng căng thẳng thành bốn loại khác nhau, tùy vào tính cách mỗi người. Có một số người bị quá tải, thì thoái lui, tránh việc. Những người khác thì thành kẻ nghiện việc nóng nảy và hay khiêu chiến với đồng nghiệp.

Có trường hợp vướng vào tệ nạn như lạm dụng thuốc. Loại thứ tư là những người có khả năng thích nghi tốt nhất. Họ có những phản ứng an toàn: hơi khựng lại, chậm rãi phân tích vấn đề trước khi tiến bước theo con đường đúng đắn và có lý trí nhất.

Chị Pivnick cũng đưa ra giải pháp tương ứng với mỗi loại tính cách trên. Người có khuynh hướng buông xuôi nên tìm những bài tập thể dục hằng ngày để giúp bản thân năng động hơn. Người mải mê làm việc có tính khí bất thường nên tập hít thở sâu và ngồi thiền.

Bên cạnh đó, tách tâm trí khỏi công việc bằng cách hòa nhập vào những hoạt động xã hội, giải trí cùng người thân và bạn bè như đi xem phim. Đối với người bắt đầu nảy sinh thói hư tật xấu và từ bỏ công việc, thì gia đình nên tìm cho họ một cố vấn dày dạn kinh nghiệm, người có thể tạo cho họ động lực để tiến bộ hơn trong công việc.

Dorothy Cantor, nhà tâm lý học Westfield, N.J., cũng cho rằng: công nhân viên phải nhận ra rằng cảm giác lo lắng trong thời điểm khó khăn như hiện nay là bình thường. Đừng chỉ trích chính mình, đừng để bản thân thêm lo lắng, buồn phiền. Có quá nhiều người phát bệnh vì những dày vò không cần thiết. Bạn cần phải suy nghĩ thoáng hơn. Khó khăn trắc trở rồi sẽ qua…”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chống “stress” thời suy thoái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO