Chặn đứng nguy cơ kháng thuốc kháng sinh

09/04/2011 01:10

Ngày 7/4, Bộ Y tế phối hợp với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam phát động lễ mít tinh hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới, nhằm chống lại nguy cơ kháng thuốc kháng sinh với thông điệp: “Không hành động hôm nay, ngày mai hết thuốc chữa”.

Chặn đứng nguy cơ kháng thuốc kháng sinh

Ngày 7/4, Bộ Y tế phối hợp với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam phát động lễ mít tinh hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới, nhằm chống lại nguy cơ kháng thuốc kháng sinh với thông điệp: “Không hành động hôm nay, ngày mai hết thuốc chữa”.

Thuốc kháng sinh có thể phản tác dụng

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đó chính là cảnh báo của WHO trong ngày sức khỏe thế giới. Tổng giám đốc WHO Margaret Chan nhận định: “Một trong những mối quan ngại hàng đầu trong việc chăm sóc sức khỏe y tế hiện nay chính là tình trạng bệnh kháng thuốc kháng sinh (AMR). Đây chính là nguy cơ hàng đầu gây thách thức trong công tác chăm sóc y tế và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, đồng thời làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Một trong những nguyên nhân có thể gây tử vong cho người bệnh”.

AMR là một loại vi sinh vật có khả năng vô hiệu hóa tác dụng của thuốc kháng sinh được sử dụng để chống lại nó. Chúng có thể là virus, vi khuẩn hoặc một số loại ký sinh trùng. Trong điều kiện các loại thuốc không còn khả năng điều trị, nhiễm khuẩn vẫn tồn tại phát triển thì bệnh có thể lây lan nhanh ra cộng đồng thành những dịch bệnh rất khó kiểm soát.

Theo thống kê năm 2006 của WHO, 5 vi khuẩn có tỷ lệ AMR cao nhất hiện nay là Klebsiella (15,1%), E.coli (13,3%) P.aeruginosa (13,3%), Acinetobacter spp (9,9%) S.aureus (9,3%). Hiện, tình trạng bệnh kháng thuốc ngày càng phức tạp, rất khó kiểm soát.

Cũng theo đó, WHO cũng đã chỉ ra một số nguyên nhân làm gia tăng tình trạng AMR chính là yếu kém trong công tác quản lý nguồn nhân lực, đặc biệt là chưa kêu gọi được ý thức của cộng đồng trong việc sử dụng thuốc kháng sinh theo đơn. Không chỉ ở người mà việc sử dụng thuốc kháng sinh cho động vật một cách bừa bãi hiện nay cũng đã gây nên tình trạng kháng thuốc, gây nên những bệnh dịch toàn cầu, có thể làm lây lan sang người.

Không nên tự ý dùng thuốc

Hiện nay, tình hình kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam cũng đang diễn biến phức tạp. Theo nghiên cứu của Bộ Y tế trong năm 2008: nhiễm khuẩn chiếm tỷ lệ tử vong cao thứ hai (16,7%) chỉ sau bệnh về tim mạch (18,4%). Báo cáo năm 2009-2010 của 19 bệnh viện tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM gửi Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) về chủng vi khuẩn AMR cũng cho kết quả đồng nhất với báo cáo trên WHO.

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có văn bản yêu cầu các nhà thuốc thực hiện nghiêm chỉnh quy định về bán thuốc kháng sinh theo đơn; tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động của nhà thuốc; đồng thời tăng cường kiểm tra chất lượng thuốc, đảm bảo chất lượng thuốc lưu hành trên thị trường. Đặc biệt, cần tuyên truyền cho người dân thấy được tác hại của việc mua kháng sinh sử dụng không theo hướng dẫn của bác sĩ, từ đó ngăn chặn việc kháng thuốc kháng sinh.

Thống kê của một số bệnh viện trong cả nước cho thấy, số bệnh nhân bị kháng thuốc kháng sinh trong quá trình điều trị ngày càng gia tăng. Theo bác sĩ Nguyền Hồng Hà - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nguyên nhân hàng đầu chính là do việc người dân tự ý mua thuốc, hoặc quá lạm dụng thuốc kháng sinh, xem nó như “thần dược”.

“Sử dụng thuốc không theo toa của bác sĩ, không đúng bệnh đã làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể. Các vi khuẩn có lợi sẽ bị tiêu diệt, thay vào đó là những vi khuẩn kháng thuốc sẽ tồn tại và tấn công, làm cơ thể mất sức đề kháng”, bác sĩ Hà nói.

Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, có hơn 20% bệnh nhân nhập nhập viện trong tình trạng bệnh nặng do sử dụng nhầm thuốc. Nhiều bệnh nhân đến điều trị cho kết quả kháng thuốc với hơn 30% thuốc điều trị.

Hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới năm nay, Bộ Y tế cũng đã đề ra một chương trình quốc gia nhằm chặn đứng AMR. Ông Nguyễn Quốc Triệu - Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết: “Bộ Y tế đã thiết lập các khoa nhiễm khuẩn tại hầu hết các bệnh viện, đồng thời chuẩn hóa các quy định về chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là chăm sóc các bệnh nhân trong bệnh viện tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh. Đặc biệt, Bộ cũng có một kế hoạch tuyên truyền để người dân hiểu về tác hại của AMR, từ đó không tự ý mua thuốc điều trị”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chặn đứng nguy cơ kháng thuốc kháng sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO