Cẩn thận suy thận!

CHÂU BÌNH| 20/07/2010 09:48

Một bệnh nhân hỏi: “Tại sao có người bị mất hoặc tự nguyện cho đi một quả thận mà vẫn sống khỏe, còn khi bị mắc chứng suy thận mạn thì tính mạng lại bị đe dọa?". Một bệnh nhân khác lại thắc mắc: “Tại sao uống nước nhiều sẽ ngăn chặn được bệnh suy thận?”...

Cẩn thận suy thận!

Một bệnh nhân hỏi: “Tại sao có người bị mất hoặc tự nguyện cho đi một quả thận mà vẫn sống khỏe, còn khi bị mắc chứng suy thận mạn thì tính mạng lại bị đe dọa?". Một bệnh nhân khác lại thắc mắc: “Tại sao uống nước nhiều sẽ ngăn chặn được bệnh suy thận?”...

Về những câu hỏi trên, PGS-TS. Phạm Văn Bùi, Tổng thư ký Hội Niệu Thận học TP.HCM, cảnh báo: "Suy thận mạn là hội chứng thận mất chức năng dần dần và ngày càng nặng theo thời gian.

Quá trình suy thận diễn tiến âm thầm, kéo dài, và điều nguy hiểm là triệu chứng của suy thận chỉ xuất hiện khi chức năng thận chỉ còn 1/10 so với mức bình thường. Suy thận chia ra làm năm giai đoạn, giai đoạn thứ năm là nặng nhất và để duy trì sự sống, bệnh nhân phải được chạy thận hoặc ghép thận”.

Khi bị suy thận, nếu lượng nước tiểu thải ra trong vòng 24 giờ là dưới 100ml, thì đó là dấu hiệu cho biết bị suy thận cấp. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các dấu hiệu khác như phù, sưng mặt, sưng mi mắt do ứ nước trong cơ thể. Trong khi đó, triệu chứng của suy thận mạn lại kín đáo hơn.

Bệnh nhân thường chỉ thấy mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, thiếu máu (thận còn có chức năng tiết ra kích thích tố để sinh hồng cầu). Nếu không để ý, bệnh nhân sẽ không đi khám bệnh và thường bỏ qua các triệu chứng này. Đến khi chức năng thận chỉ còn 1/10 thì suy thận đã bắt đầu tiến triển. Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 6 triệu người bị suy thận mạn (chiếm 6,37% dân số) nên việc đề phòng và phát hiện bệnh sớm là rất quan trọng.

Một trong những căn nguyên phổ biến gây suy thận mạn là nhiễm trùng đường tiểu và bị sạn thận. Sạn thận cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu, vì vậy, biện pháp tích cực nhất là uống đủ nước, ngay cả khi không khát vẫn phải uống để duy trì lượng nước tiểu khoảng 1,5 lít/ngày. Còn muốn biết những dấu hiệu nước tiểu đục, tiểu ra máu, đau lưng, tiểu đêm... có liên quan đến bệnh lý thận hay không thì phải qua nhiều loại xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng...

Thực tế, có những bệnh nhân còn rất trẻ nhưng đã bị suy thận mạn, nguyên nhân có đến 1.001 yếu tố khá bất ngờ. Chẳng hạn, một bệnh nhân làm việc trong ngành xây dựng, thường xuyên bị những vết thương rách da hoặc xây xát chân tay do đụng chạm vật nặng hay nhọn.

Vì không hiểu biết đầy đủ nên bệnh nhân cứ để vết thương tự lành mà không chăm sóc, trong đó có những vết thương mưng mủ. Đến năm 19 tuổi, thấy hay đi tiểu ra máu hoặc nước tiểu sẫm màu. Hiện tượng này kéo dài đến bốn tháng thì bệnh nhân cảm thấy mệt nhiều, tay chân phù, làm việc không nổi. Khi đi khám bệnh mới phát hiện bị viêm cầu thận mạn tính.

Theo PGS-TS. Nguyễn Thị Bay, Trưởng khoa Nội Y học cổ truyền Đại học Y Dược, nguyên nhân gây suy thận mạn thường do bẩm sinh, độc chất, chế độ ăn uống, lạm dụng thuốc chống viêm. Ngoài ra, một số bệnh lý khác cũng có khả năng dẫn đến suy thận, như nhiễm trùng đường niệu, bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh về mạch máu... Đặc biệt, việc dùng thuốc kháng viêm tùy tiện sẽ hạn chế khả năng lọc của thận. Ngay cả uống thuốc kháng sinh không đúng liều, uống lâu ngày cũng là nguyên nhân gây tổn thương thận, gây suy thận.

Còn theo các bác sĩ chuyên khoa Niệu, chế độ ăn uống hợp lý cũng hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh suy thận mạn. Theo đó, không nên ăn quá nhiều thức ăn chứa nhiều calci như nghêu, sò, tôm, cua... vì calci có thể kết tinh thành sỏi thận. Cũng nên hạn chế ăn thực phẩm có chứa nhiều acid oxalic (có trong rau dền, rau muống, cải bó xôi...).

Đặc biệt, ăn mặn sẽ dẫn tới việc cơ thể hấp thu nhiều muối, làm rối loạn cân bằng nước trong cơ thể. Đối với những người cao huyết áp lại càng không nên ăn quá mặn. Bởi huyết áp cao sẽ làm tổn thương các mạch máu, ngăn cản mạch máu loại trừ các chất cặn bã. Hạn chế tối đa dùng các thực phẩm có chứa hàn the, phẩm màu công nghiệp vì những chất này rất độc đối với thận và cũng là yếu tố khiến người mắc bệnh thận gia tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cẩn thận suy thận!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO