![]() |
* Thời gian gần đây tôi nghe nói bệnh tay chân miệng ở trẻ em thường gây nguy hiểm. Con tôi vừa tròn 1 tuổi, không biết phải phòng bệnh như thế nào? Bác sĩ vui lòng cho biết nguyên nhân gây ra bệnh và cách chăm sóc trẻ khi bị bệnh.
Kim Hồng, Quận 1
![]() |
- Hiện nay, bệnh tay chân miệng ở trẻ em đang có chiều hướng gia tăng. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi và cũng có thể gặp ở cả người lớn. Mọi người đều có thể nhiễm virus nhưng không phải tất cả những người nhiễm virus đều bị bệnh. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và thiếu niên là những đối tượng dễ bị nhiễm virus và phát bệnh nhất vì chúng chưa có kháng thể chống lại bệnh này.
Biểu hiện rõ nhất của bệnh là rối loạn tiêu hóa và xuất hiện các nốt phồng màu đỏ, có bọng nước ở tay, chân, miệng. Triệu chứng đầu tiên thường là sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi và đau họng. Một đến hai ngày sau sẽ xuất hiện những nốt hồng ban đường kính vài mi-li-mét, nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bóng nước và thường tiến triển đến loét.
Có thể thấy các tổn thương này ở lưỡi, vòm miệng hoặc ở nướu răng làm trẻ nuốt đau. Triệu chứng này thường làm các bậc cha mẹ nhầm lẫn với bệnh viêm loét miệng thông thường. Những bóng nước ngoài da thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, cẳng chân, cánh tay, đôi khi ở mông.
Trong giai đoạn bệnh đang tiến triển, khi siêu vi gây bệnh xâm nhập hệ thần kinh trung ương, sẽ xuất hiện triệu chứng rối loạn tri giác như lơ mơ, mê sảng hay co giật. Trẻ có thể tử vong hoặc hồi phục sau một thời gian điều trị nhưng vẫn còn những rối loạn thần kinh kéo dài.
Bệnh lây truyền từ người này qua người khác do tiếp xúc trực tiếp với nước mũi, nước bọt, dịch của mụn rộp hoặc phân của người bệnh, nhưng phổ biến nhất là lây qua đường tiêu hóa, chất thải, chất nôn của bệnh nhân... Virus có thể tồn tại trong nước uống, nước sinh hoạt hàng ngày. Trong tuần lễ đầu tiên bị bệnh, người bệnh rất dễ lây cho người khác.
Để phòng bệnh tay chân miệng, quan trọng nhất là vệ sinh ăn uống. Cần lưu ý là trước khi ăn uống, chuẩn bị đồ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ nên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn. Làm sạch sàn nhà, đồ chơi và đồ dùng mà trẻ bị bệnh tiếp xúc bằng nước và xà phòng, sau đó khử trùng bằng dung dịch chứa clor vì tác nhân gây bệnh là siêu vi trùng đường ruột.
Cần cách ly người bệnh, tránh những tiếp xúc trực tiếp như hôn, dùng chung đồ dùng. Thực hiện vệ sinh ăn uống bằng cách ăn chín uống sôi, súc miệng bằng các loại nước sát khuẩn... Để giảm nguy cơ nhiễm trùng da cần phải vệ sinh thân thể cho trẻ, không làm theo kiểu dân gian truyền miệng như đắp lá, ủ kỹ vì sợ gió, nắng, chọc vỡ các nốt bọng nước.
Trẻ không được đi học, đi bơi khi còn triệu chứng bệnh. Chỉ đến lớp khi hết loét miệng và bọng nước. Trẻ vẫn cần được tắm rửa bằng nước ấm, phụ huynh nên cho trẻ ăn các thức ăn dễ tiêu, ăn từ từ từng ít một.
Để tránh trường hợp đáng tiếc do bệnh gây nên, khi thấy trẻ có các triệu chứng như: Sốt nhẹ, ói, tiêu chảy ít kèm theo nổi bong bóng nước trong lòng bàn tay, bàn chân, ở đầu gối, mông và trong miệng, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.