Bệnh do nhiễm virus Zika, những điều cần biết

08/12/2016 09:45

Những chia sẻ của ThS-BS. Huỳnh Minh Tuấn - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM sẽ đem đến thêm nhiều thông tin cần thiết.

Bệnh do nhiễm virus Zika, những điều cần biết

Dịch bệnh do nhiễm virus Zika đang gia tăng trên thế giới và Việt Nam. Đây là loại bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm và chưa có vắc xin điều trị. Những chia sẻ của ThS-BS. Huỳnh Minh Tuấn - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM sẽ đem đến thêm nhiều thông tin cần thiết.

Đọc E-paper

Triệu chứng lâm sàng và biến chứng

Thời gian ủ bệnh (từ lúc nhiễm cho đến lúc bộc lộ triệu chứng) có thể là vài ngày. Triệu chứng bệnh tương tự như các bệnh nhiễm virus khác (ví dụ sốt xuất huyết dengue), bao gồm sốt, xung huyết da, viêm kết mạc (mắt đỏ), đau cơ khớp, mệt mỏi, đau đầu. Các biểu hiện thường nhẹ, kéo dài khoảng  2 - 7 ngày,  nhiều trường hợp không có triệu chứng và tự khỏi.

Trong các trận dịch lớn tại quần đảo Polynesia thuộc Pháp (2013) và tại Brazil (2015), các nhà nghiên cứu đã nêu quan ngại về các biến chứng thần kinh và tự miễn của bệnh nhiễm virus Zika, như là hội chứng Guillain-Barré. Trong hội chứng Guillain-Barré, có các rối loạn cảm giác ở nhiều cấp độ và người bệnh có thể bị liệt hoàn toàn. Một biến chứng nặng khác là chứng đầu nhỏ (microcephaly). Năm 2015, các bác sĩ Brazil đã phân lập được RNA của virus trong dịch ối của phụ nữ mang thai mắc bệnh đầu nhỏ và cho rằng bào thai của phụ nữ bị nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ cao mắc chứng đầu nhỏ, đồng thời đã phát hiện được RNA của virus trong máu và mô những trẻ sơ sinh mắc chứng này.

Đường lây truyền

Virus Zika lây truyền từ người sang người khi bị muỗi cắn, chủ yếu là loại muỗi vằn Aedes aegypti ở những vùng nhiệt đới. Loại muỗi này cũng là trung gian truyền các loại bệnh sốt xuất huyết dengue, chikungunya và sốt vàng da. Khi muỗi hút máu người hay động vật bị nhiễm virus Zika, virus sẽ nhân lên trong cơ thể muỗi và ủ bệnh sau 10 ngày có thể lây truyền virus cho người hay động vật khác. Một cá thể muỗi nhiễm virus Zika có thể truyền virus cho thế hệ muỗi con cháu.

Các đường lây truyền khác

* Từ mẹ sang thai nhi: Năm 2015 đã phát hiện được RNA của virus Zika trong dịch ối của hai phụ nữ khi sinh con và năm 2016 ở Brazil đã phát hiện virus Zika trong nhau thai của một phụ nữ bị sẩy thai mắc chứng đầu nhỏ, chứng tỏ virus đã vượt qua nhau thai và có thể lây truyền dọc từ mẹ sang con.

* Lây truyền qua đường tình dục: Những người đàn ông trở về từ vùng dịch được khuyến cáo ngừng quan hệ tình dục hoặc phải dùng bao cao su trong một thời gian (chưa xác định).

Lây truyền virus Zika qua đường truyền máu hoặc các sản phẩm từ máu, lây truyền qua đường sữa mẹ vẫn còn là những nghi vấn lớn vì chưa có những bằng chứng chắc chắn. Do đó chưa có khuyến cáo người bệnh nhiễm virus Zika cần ngừng cho con bú.

Chẩn đoán

Bệnh do nhiễm virus Zika được chẩn đoán nhanh bằng phản ứng PCR và phân lập virus trong mẫu máu. Chẩn đoán huyết thanh học, có thể cho kết quả sai lệch do virus cho phản ứng chéo với các loài virus khác như sốt xuất huyết dengue, virus West Nile và virus gây sốt vàng.

Điều trị

Bệnh nhiễm virus Zika thường nhẹ và không có điều trị đặc hiệu.

Các biện pháp điều trị hỗ trợ gồm nghỉ ngơi đầy đủ, uống nhiều nước, điều trị hạ sốt và giảm đau nếu cần thiết. Trường hợp bệnh nặng cần nhập viện để được theo dõi.

Phòng bệnh

Cho đến nay, muỗi vẫn được xác định là trung gian duy nhất truyền bệnh, do vậy các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát bệnh nhiễm virus Zika tập trung chủ yếu vào việc diệt muỗi (nguồn lây truyền) và phòng muỗi đốt (ngăn chặn sự lây truyền).

Các biện pháp thông dụng chống muỗi đốt: mặc quần áo sáng màu, mang tất tay và chân để che kín cơ thể hoặc sử dụng các loại thuốc thoa chống muỗi đốt, sử dụng các loại cửa sổ lưới chống muỗi, đóng kín cửa, trang bị các loại mùng chống muỗi khi ngủ. Cần quan tâm chú ý đến những đối tượng chưa hoặc không có khả năng tự bảo vệ như trẻ nhỏ, người lớn tuổi hoặc người bệnh.

Các biện pháp diệt muỗi gồm che, đậy kín, kỹ các nơi chứa nước sinh hoạt, đổ hoặc làm sạch các vật dụng chứa nước đọng là nơi muỗi có thể sinh sản.Trong các vùng dịch, chính quyền có thể sử dụng các biện pháp diệt muỗi trên phạm vi rộng như phun xịt hóa chất diệt muỗi.

>>Virus Zika: Thai phụ không nên quá lo 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bệnh do nhiễm virus Zika, những điều cần biết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO