Bảo vệ "kho thức ăn"

BS. BẠCH LONG| 04/08/2012 04:24

Dạ dày là cái nhà kho chứa thực phẩm mà chúng ta nạp vào cơ thể. Đau dạ dày là một danh từ chung để chỉ các triệu chứng đau cấp, mạn, loét... của vùng dạ dày, tá tràng. Yếu tố gây bệnh chủ yếu là tâm trạng căng thẳng, ăn uống thất thường; uống bia, rượu, hút thuốc lá thái quá...

Bảo vệ

Sự hối hả, căng thẳng thường xuyên trong cuộc sống hiện đại làm cho bệnh đau dạ dày ngày càng trở lên phổ biến, chiếm tới 10% dân số. Nghĩa là cứ 10 người thì có một người có triệu chứng đau dạ dày ở các mức độ khác nhau.

Đau dạ dày thường là một bệnh kinh niên, đau rồi khỏi, khỏi rồi đau trở lại. Với kiến thức y học hiện tại, chưa một ai dám khẳng định chứng đau dạ dày đã hoàn toàn khỏi hay chưa, liệu có còn tái phát hay không.Biểu hiện của chứng đau dạ dày thường là đau vùng thượng vị có tính chu kỳ hoặc không; buồn nôn, ợ hơi, ợ chua; đầy bụng, chậm tiêu.

Viêm loét dạ dày ngoài các triệu chứng gây đau làm người bệnh khó chịu, ảnh hưởng không ít tới chất lượng sống và năng suất lao động của bệnh nhân, còn có thể gây những biến chứng nguy hiểm như thủng, xuất huyết tiêu hóa, ung thư hóa...

Vậy làm thế nào để có thể hạn chế và giảm tần suất mắc bệnh, phòng và điều trị có hiệu quả hội chứng này? Một số phương pháp chính để dự phòng và điều trị dưới đây có thể phần nào giúp bạn cải thiện tình trạng này.

Dự phòng chế độ ăn uống phù hợp: Khi đã bị đau dạ dày, bạn thường được bác sĩ kê cho một danh sách dài các thức ăn, đồ uống phải kiêng, tuy nhiên một số chuyên gia về tiêu hóa lại cho rằng, sự kiêng cữ hoàn toàn không hẳn đã giúp ích cho người bệnh.

Lý do là cơ địa mỗi người mỗi khác, có người ăn chuối thì đau tăng nhưng có người lại thấy bình thường khi dùng loại trái cây này, ngược lại, táo lại làm họ đau nhiều hơn. Do đó, bạn nên nhớ các loại thực phẩm mình thường dùng, nếu ghi nhận mình bị đau hai lần trở lên khi ăn loại thức ăn đó thì nên ngừng.

Lưu ý: Một số loại gia vị như tiêu, tỏi, ớt, gừng, sả thường gây đầy hơi, làm hư hại dạ dày; bia, rượu, thuốc lá cũng là những thứ kỵ với người đau dạ dày.

Cẩn thận khi dùng sữa: Trước đây người ta nghĩ rằng việc uống một ly sữa có thể làm giảm chứng đau dạ dày, nhưng sữa chỉ làm giảm đau ngay tại chỗ, sau đó nó lại kích thích tăng tiết acide trong dạ dày làm người bệnh đau hơn trước.

Để tránh tác dụng ngược này, khi dùng sữa, bạn nên ăn thêm chút bánh mì, hoặc bánh quy để thêm tinh bột tráng dạ dày để khi tiêu hóa sữa, acide không còn tấn công vào niêm mạc dạ dày nữa.

Điều chỉnh thói quen ăn uống: Nên ăn nhiều bữa trong ngày, ăn chậm và nhai kỹ, chú ý sử dụng các loại thức ăn dễ tiêu, không để quá đói, cũng không nên ăn quá no, nên ăn nhiều món khác nhau trong ngày, tránh các đồ chiên, rán, khó tiêu...

Chế độ ăn uống điều độ sẽ giảm thiểu nguy cơ đau dạ dày. Những người đã mắc bệnh thì ngoài việc điều trị, nên xây dựng quy tắc ăn uống để dạ dày không phải làm việc quá sức.

Tránh căng thẳng, sống cởi mở và lạc quan. Các cơn đau dạ dày thường trở nặng hơn khi người bệnh phải lo nghĩ nhiều, rối loạn giấc ngủ. Không khí không vui vẻ trong gia đình, khủng hoảng tài chính... là những vấn đề có thể dẫn đến đau dạ dày kinh niên.

Do vậy, các bác sĩ thường khuyên những người thuộc type lo lắng thái quá, hoặc có những biểu hiện của rối loạn lo âu cần điều chỉnh tâm lý để sống lạc quan hơn.

Điều trị với phương pháp nội khoa (dùng thuốc), các thuốc thường được sử dụng là: Nhóm thuốc kháng acide; nhóm thuốc ức chế tiết acide; nhóm thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày; nhóm kháng sinh diệt vi khuẩn HP.

Tùy theo nguyên nhân, bác sĩ chuyên khoa sẽ gia giảm liều lượng thuốc khi kê toa. Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật phần tổn thương) thường được quyết định cho các trường hợp viêm loét dạ dày có biến chứng nguy hiểm như thủng, xuất huyết tiêu hóa nặng mà việc điều trị nội khoa không kết quả, biến chứng gây ung thư...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bảo vệ "kho thức ăn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO