7 mẹo cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần cho năm mới 2022

HT| 01/01/2022 01:00

Dưới đây là một số giải pháp giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất trong năm 2022, khi mà dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến khó lường.

7 mẹo cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần cho năm mới 2022

Khám định kỳ thường xuyên

Việc khám sức khỏe sẽ giúp phát hiện và điều trị sớm bệnh tật, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống và ngăn ngừa tử vong. Người dân có thể cá nhân hóa việc sàng lọc bằng cách thảo luận với bác sĩ về các mối quan tâm y tế dựa trên tuổi tác, giới tính, lối sống và xác định các xét nghiệm phù hợp. Nên xét nghiệm máu hằng năm để kiểm tra chức năng gan, thận và mức cholesterol. Phụ nữ trên 40 tuổi nên chụp quang tuyến vú, khung chậu hằng năm và xét nghiệm tế bào cổ tử cung. Nam giới dưới 40 tuổi nên khám tinh hoàn, nam giới trên 50 tuổi khám về tuyến tiền liệt. Kiểm tra sức khỏe tâm thần cũng quan trọng không kém. Khi khám thể chất, bác sĩ có thể đánh giá lâm sàng về tình trạng tâm thần bằng cách sử dụng bảng hỏi. Một số biểu hiện về thể chất thực tế lại là triệu chứng của các vấn đề tâm lý.

Ngủ ngắn vào buổi trưa

Ngủ trưa là thói quen tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng người ngủ trưa lâu hơn 60 phút có nguy cơ phát triển bệnh tim mạch cao hơn 34% so với người không ngủ trưa. Nguy cơ tử vong vì các nguyên nhân nói chung cũng cao hơn 30%. Các nhà khoa học chưa rõ vì sao ngủ trưa quá lâu dẫn đến tình trạng trên. Một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng thói quen này liên quan đến hội chứng viêm, huyết áp cao và bệnh tiểu đường. Ngủ trưa quá lâu cũng dễ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Ngủ trưa giúp thư giãn và nạp năng lượng cho cơ thể, tâm trí. Nhưng chỉ nên ngủ trong vòng 20 phút. Nếu ngủ lâu hơn, bạn sẽ bước vào giai đoạn ngủ sâu và cảm thấy uể oải khi thức dậy.

Đi ngủ lúc 22-23 giờ mỗi ngày

Một nghiên cứu được công bố cho thấy 22-23 giờ là thời gian lý tưởng nhất để đi ngủ nếu muốn nâng cao sức khỏe tim mạch. Các nhà khoa học cho biết người ngủ từ 23 giờ đêm đến 23 giờ 59 phút có nguy cơ phát triển bệnh tim mạch cao hơn 12%. Người ngủ muộn hơn có rủi ro cao hơn 25%. Ngủ trước 22 giờ cũng làm tăng 24% nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vì vậy, các nhà khoa học kết luận thời điểm lý tưởng để đi ngủ là từ 22-23 giờ. Trong 6 năm nghiên cứu, tỷ lệ biến chứng tim mạch như đột quỵ hoặc đau tim ở người ngủ trong khoảng thời gian này thấp nhất, bất kể yếu tố nào, chẳng hạn tuổi tác, giới tính, chất lượng giấc ngủ. Cơ thể người có một đồng hồ sinh học 24 giờ, giúp điều chỉnh hoạt động về thể chất và tinh thần. Đi ngủ quá sớm hoặc quá muộn có thể làm rối loạn nhịp đồng hồ sinh học của cơ thể, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch.

Uống đủ nước làm giảm nguy cơ suy tim

2-jpeg-6042-1641007601.jpg

Theo một nghiên cứu khoa học trong năm 2021, uống đủ nước có thể làm giảm nguy cơ suy tim trong 25 năm sau, làm chậm hoặc thậm chí ngăn chặn những biến chứng gây suy tim. Các chuyên gia khuyến nghị phụ nữ nên uống 1,6-2,1 lít nước một ngày. Nam giới nên uống 2-3 lít nước một ngày. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người thậm chí không đáp ứng được mức tối thiểu. Theo các nhà nghiên cứu, natri huyết thanh là thước đo chính xác nhất về tình trạng hấp thụ chất lỏng của cơ thể. Ở người uống quá ít nước, nồng độ natri huyết thanh tăng lên. Cơ thể cố gắng tiết kiệm nước, kích hoạt quá trình góp phần vào sự phát triển của chứng suy tim.

Ăn nấm giảm nguy cơ trầm cảm

Nấm tươi có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh trầm cảm. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra lợi ích của loại thực phẩm giá rẻ, dễ chế biến này trong ngăn ngừa ung thư. Nấm có chứa chất chống oxy hóa gọi là ergothioneine, giúp bảo vệ chống lại tổn thương tế bào và mô. Nồng độ chất chống oxy hóa cao có tác dụng kháng viêm, ngăn ngừa tình trạng stress oxy hóa - quá trình gây tổn hại đến các mô như protein, màng tế bào và DNA của tế bào, bao gồm cả tinh trùng. Nấm là nguồn cung ergothioneine cao nhất trong chế độ ăn uống hằng ngày. Vì vậy, bổ sung nấm vào thực đơn có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh trầm cảm hoặc lo âu.

Ăn nhiều trái cây và rau quả để giảm căng thẳng

Tình trạng căng thẳng mạn tính làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề như rối loạn lo âu, trầm cảm, bệnh tiêu hóa, tim mạch, vấn đề về giấc ngủ, tăng cân và đau cơ. Theo các nhà khoa học, tiêu thụ ít nhất 470g trái cây và rau quả mỗi ngày giúp giảm căng thẳng. Nghiên cứu chỉ ra rằng người ăn lượng trái cây và rau củ như trên có mức độ căng thẳng thấp hơn 10% so với người tiêu thụ dưới 230g trái cây mỗi ngày. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng từng khuyến nghị người dân ăn ít nhất 400g trái cây mỗi ngày. Bên cạnh việc bổ sung chất xơ, trái cây và rau xanh còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Tất cả đều có thể làm giảm viêm và stress oxy hóa - những vấn đề được cho là dẫn đến căng thẳng, lo âu.

Tránh ngồi quá lâu

Tình trạng giãn cách xã hội trong đại dịch khiến lối sống của cộng đồng thay đổi, nhiều người lười vận động hơn. Điều này có thể dẫn đến chứng trầm cảm, lo âu, căng thẳng và phóng đại cảm giác cô đơn. Một nghiên cứu công bố năm 2020 cho thấy số người tập thể dục từ 2,5-5 tiếng mỗi tuần đã giảm 32% kể từ tháng 3/2020, sau khi Covid-19 bùng phát. Các chuyên gia theo dõi những người này kể từ tháng 4-6, khi thời gian giãn cách kết thúc. Kết quả cho thấy ít tập thể dục dễ dẫn đến cảm giác chán nản, lo âu và cô đơn. Tình trạng kết thúc khi các nước nới giãn cách xã hội, hoạt động thể dục thể thao được nối lại. Tuy nhiên, người ngồi quá nhiều không thể khỏi chứng trầm cảm như những người khác. Các chuyên gia lưu ý hoạt động thể chất dù chỉ đôi chút cũng giúp cải thiện sức khỏe tinh thần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
7 mẹo cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần cho năm mới 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO