Bảo tàng thời 4.0
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là đơn vị đầu tiên được UBND TP.HCM lựa chọn thí điểm dự án công nghệ số hóa 3D. Theo đó, với phần mềm "Bảo tàng tương tác thông minh - Smart Museum 3D/360" do Công ty CP Giải pháp Chuyên gia Star Global (StarGlobal 3D) nghiên cứu, toàn bộ không gian bảo tàng được tái hiện bằng những hình ảnh 360 độ chân thực. Ở bảo tàng số hóa, người dùng có thể tương tác trực tiếp với hiện vật ảo như xoay, phóng to, thu nhỏ... Bên cạnh đó, phần mềm tích hợp thêm văn bản, video, nhạc... để người dùng có thể tham khảo thông tin bảo tàng một cách sinh động, thú vị.
Tại Bảo tàng TP.HCM, các phòng trưng bày, tài liệu, hiện vật đang dần được số hóa. Bảo tàng đã xây dựng kho dữ liệu nhằm tối ưu hóa việc quản lý, cập nhật thông tin. Nơi đây cũng triển khai vé điện tử, hệ thống phản hồi trực tuyến phục vụ khách tham quan.
Bà Nguyễn Khắc Xuân Thi - Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cho biết, bảo tàng hợp tác với nhiều doanh nghiệp để phát triển các dự án chuyển đổi số. Cụ thể, bảo tàng đã sử dụng nhiều sản phẩm công nghệ như màn hình chạm tương tác thông minh, hệ thống mã QR Code, bảo tàng tương tác thông minh 3D/360, chuyên mục trưng bày trực tuyến, kho mở trực tuyến... Trong thời gian tới, bảo tàng dự định đưa vào sử dụng robot Sanbot thông minh. Đây là robot đầu tiên tại Việt Nam có thể trò chuyện và hướng dẫn khách tham quan bảo tàng.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia |
Tạo cảm hứng thu hút người xem
Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cả nước hiện có 162 bảo tàng, lưu giữ hơn 3 triệu hiện vật. Với số lượng hiện vật lớn, nếu các bảo tàng giữ lối kinh doanh truyền thống, việc truyền bá di sản đến với công chúng là điều khó khăn.
Theo ông Trần Duy Hào - chuyên gia lĩnh vực số hóa, lợi ích đầu tiên của việc số hóa bảo tàng là khiến du khách dễ dàng tiếp cận với hiện vật mà không bị cản trở về mặt không gian và thời gian. Số hóa bảo tàng còn tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tra cứu, tìm hiểu về lịch sử. Từ đó, bảo tàng khơi gợi cảm hứng và thúc đẩy mọi người đến tham quan. Một lợi ích khác của việc số hóa 3D là giúp loại bỏ giới hạn về không gian trưng bày.
Bà Thi cũng cho biết, việc số hóa giúp bảo tàng tiếp cận với công chúng dễ dàng hơn. Tính đến tháng 7/2022, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM có 167.700 lượt truy cập fanpage, tăng hơn 96.000 lượt so với năm ngoái. Bà Xuân Thi khẳng định, việc đẩy mạnh trưng bày trực tuyến không làm giảm lượng khách đến tham quan trực tiếp. "Trong các mục trưng bày trực tuyến, bảo tàng chọn lọc những hiện vật tiêu biểu, độc đáo nhất để giới thiệu với công chúng", bà Thi chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhờ chuyển đổi số, bảo tàng đã tạo ra nhiều trải nghiệm thú vị. Bảo tàng thông minh lồng ghép hình ảnh 3D và âm thanh thuyết minh sinh động khiến người xem không cảm thấy nhàm chán và khô khan. Các sản phẩm công nghệ cũng có khả năng tạo tương tác hai chiều. Thay vì nghe nhìn thụ động như cách tham quan truyền thống, du khách có thể tự do phóng to, thu nhỏ, đổi góc nhìn hiện vật.
Nan giải kinh phí
"Hiện rất nhiều hiện vật có giá trị cao nhưng lại đang lâm vào tình trạng đắp chiếu để trong kho, thậm chí là xuống cấp, bong tróc và hư hỏng nặng theo thời gian. Bởi thế, việc nhanh chóng số hóa những hiện vật, di sản này là hết sức cấp bách và cần thiết, vừa để lưu giữ một bản sao kỹ thuật số của từng hiện vật, vừa giúp đưa các hiện vật trưng bày trên không gian số”, ông Hào thông tin.
Một điều đáng quan tâm là theo thời gian, nhiều hiện vật bị oxy hóa, xuống cấp, không còn nguyên vẹn nên càng để lâu, càng khó khăn trong quá trình số hóa. Những hiện vật có hình dạng phức tạp cũng khó để thu thập đầy đủ dữ liệu. Việc thực hiện kỹ thuật quét 3D và đưa vào quy trình xử lý dữ liệu bằng các phần mềm chuyên dụng có thể gặp nhiều lỗi như bị phản xạ bóng, bị đồng màu hoặc bị thiếu dữ liệu, do vật thể có quá nhiều chi tiết phức tạp khiến phần mềm không thể xử lý hoặc tốn rất nhiều thời gian và công sức để xử lý nâng cao.
Nhà trưng bày Hoàng Sa |
Song để thực hiện việc số hóa 3D, các bảo tàng phải bỏ ra kinh phí không nhỏ. Trong khi các bảo tàng lại đang gặp trở ngại về kinh phí, nên việc số hóa bảo tàng chưa được thực hiện nhiều. Ông Hào cho hay: "Vấn đề ngân sách cho việc số hóa phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất là về không gian trưng bày, thứ hai là số lượng hiện vật cần số hóa. Và ngân sách sẽ rơi vào con số hàng tỷ đồng".
Theo bà Thi, hiện nguồn vốn, tiềm lực tài chính của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM còn nhiều hạn chế, chưa được quan tâm, đầu tư một cách thỏa đáng; chưa có chính sách thu hút nhân lực, kinh phí cho hoạt động ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật.
Bên cạnh đó, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) chưa đáp ứng được nhu cầu áp dụng kỹ thuật hiện đại. Nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực CNTT còn thiếu. Các bảo tàng cũng chưa phát huy tối đa tính năng, lợi ích của các phương tiện kỹ thuật, thiết bị CNTT hiện có. Những điều này đã ảnh hưởng đến công tác triển khai chuyển đổi số trong hoạt động bảo tàng.
Cũng theo bà Thi, ngoài bài toán kinh phí, để chuyển đổi số hiệu quả, bảo tàng cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời đại 4.0. Bản thân đội ngũ lãnh đạo, quản lý bảo tàng cần có sự nhanh nhạy, bản lĩnh và am hiểu công nghệ; phải đa dạng hóa các hoạt động, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong các khâu công tác của bảo tàng; phối hợp với các đơn vị truyền thông kỹ thuật số, khai thác tối đa điểm mạnh của mỗi bên để tạo nên sản phẩm đáp ứng thị hiếu công chúng thời kỳ hội nhập.
Cùng đó là tăng cường thu hút sự hợp tác, tài trợ, xã hội hóa của các tổ chức kinh tế, nhất là các doanh nghiệp tài trợ cho hoạt động bảo tàng; xây dựng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.
Và cuối cùng cần có sự quan tâm, chia sẻ của các ngành, các cấp và của toàn xã hội về vai trò, vị trí của bảo tàng và trách nhiệm của toàn xã hội đối với bảo tàng bằng các biện pháp, kế hoạch và chương trình cụ thể.