“Sô chậu” ca nhạc: trong nhà và ngoài ngõ

TRÍ QUYỀN/DNSGCT| 27/10/2014 07:35

Ngay cả người mê nhạc Việt cũng không ít lần rủ nhau qua Singapore xem Muse hoặc qua Thái xem Taylor Swift. Nhưng có mấy ai mua vé máy bay về Việt Nam để xem Bob Dylan?

“Sô chậu” ca nhạc: trong nhà và ngoài ngõ

1.Năm 1964, lần đầu tiên, Olympic được tổ chức tại châu Á và Tokyo vinh dự nhận trọng trách này. Sau 14 kỳ Olympic, một lần nữa, Thế vận hội quay lại Tokyo vào năm 2020 và thủ đô Nhật Bản trở thành thành phố thứ năm từng hai lần tổ chức sự kiện thể thao tiếng tăm này.

Đọc E-paper

Địa điểm chính để tổ chức Thế vận hội lần thứ 32 là Sân vận động Quốc gia Olympic (Kokuritsu Kyogijō). Ngày 31-5-2014, Kokuritsu chính thức đóng cửa để được phá hủy hoàn toàn và xây dựng mới vào năm sau, sẽ hoàn thành vào năm 2019. Bên cạnh tổ chức các sự kiện thể thao quan trọng, Kokuritsu từng là điểm diễn của các tên tuổi lớn của làng nhạc Nhật như nhóm L’Arc En Ciel, Arashi, AKB48 hoặc giọng tenor lừng danh thế giới Luciano Pavarotti.

Vì gắn với nhiều sự kiện lịch sử nên trước khi phá hủy hoàn toàn để xây lại mới, các vật dụng liên quan tới sân cũ như bãi cỏ, ghế ngồi và cả nắp cống đang được bán để làm kỷ niệm! Vừa kiếm được tiền, vừa thỏa mãn được cảm xúc và nhu cầu của người hâm mộ, sao lại không?

Bên cạnh đó, hai đêm diễn lấy tên là Japan Night quy tụ những tên tuổi đang nổi của làng nhạc Nhật được tổ chức vào ngày 28 và 29-5 để nói lời chia tay với sân. Đêm đầu tiên có chủ đề Yell For Japan quy tụ chín nghệ sĩ, nhóm nhạc đang nổi trong nước Nhật, đêm thứ hai có tên Japan to the World tập hợp bốn nhóm nhạc (Sekai No Owari, Perfume, Man With A Mission, L’Arc-en-Ciel) ít nhiều đã có tiếng tăm trên thế giới và trong khu vực.

Âm thanh và ánh sáng là điều không còn cần phải bàn với nước Nhật. Nhiều album live của các nhóm nhạc đình đám thế giới được thực hiện thu âm, ghi hình ở Nhật.

Màn trình diễn của nhóm Perfume đạt đỉnh cao về sự phối hợp khéo léo giữa công nghệ mapping ảnh và khung cảnh cùng nghệ sĩ thật. Các nghệ sĩ cũng giao lưu cực kỳ khéo léo với người xem và ngược lại, người xem cũng hưởng ứng rất văn minh. Dù không hiểu được ngôn ngữ nhưng có thể cảm nhận được sự ủng hộ của người xem qua các phần tán thưởng, cười ồ của khán giả sau những câu nói của nghệ sĩ.

Nhóm Perfume

Thêm nữa, mỗi vé vào cổng được tặng kèm một thanh nhựa phát sáng. Thanh nhựa này sẽ được điều khiển màu sắc từ xa, đồng bộ cho toàn sân vận động. Ắt hẳn ban tổ chức cắt cử một người phụ trách chuyên điều khiển màu, tùy theo trạng thái và dòng nhạc của nghệ sĩ, khi màu xanh, khi màu hồng, khi thì đổi màu liên tục.

Có những đoạn giao lưu, nghệ sĩ trên sân khấu đọc màu nào thì toàn bộ thanh nhựa đổi màu theo ý. Cảnh tượng hàng chục ngàn thanh phát sáng trên tay khán giả, cùng màu, cùng đưa theo nhịp ngập tràn trên sân vận động là cảnh tượng rất khó quên.

Giá vé cho mỗi buổi diễn là 8.800 yen (cỡ hơn 1,8 triệu đồng) và mặt sân lẫn khán đài đều kín chỗ trong cả hai đêm diễn với số lượng cỡ hơn 50 ngàn vé bán ra một đêm. Khác với bất cứ buổi diễn nào mà người viết từng được xem, Japan Night vừa trật tự quy củ, vừa nồng nhiệt hào hứng. Tất cả vé bán ra đều có ghế ngồi nhưng sự đồng lòng và văn minh của người xem ở Nhật khiến cảnh ban tổ chức bắc loa kêu gọi các bạn trước ngồi xuống để các bạn sau xem là không có.

Hễ đứng lên cổ vũ là đứng hết! Một ly bia giá 500 yen (100.000 đồng), một hộp mì xào có giá tương tự và phải xếp hàng để mua. Tôi để ý cô gái ngồi phía trước uống xong lon nước cẩn thận bỏ lại vào chiếc túi LV của mình chứ không vất đại dưới chỗ ngồi.

Ý thức kỷ luật của người Nhật còn thể hiện ở chỗ khi ban tổ chức thông báo việc trên khán đài, không quay phim, chụp hình khi các nghệ sĩ diễn (cả bằng máy chuyên nghiệp lẫn smartphone), gần như thấy rõ không một vi phạm nào xảy ra, không một chiếc điện thoại nào giơ lên. Nếu có, là từ cánh phóng viên quốc tế được mời đến!

Chính vì nhiều yếu tố (tài chính, sự kỷ luật, tôn trọng bản quyền…), Nhật Bản là điểm dừng chân của vô số người nổi tiếng khi đã qua bên kia đỉnh cao danh vọng. Marty Friedman của Megadeth đã chuyển tới sinh sống ở Tokyo từ năm 2003, dẫn một số chương trình trên truyền hình Nhật.

2. Liên hoan âm nhạc FMFA tại Kuala Lumpur kéo dài trong ba ngày, với lượng khán giả ước tính là 85.000 kéo dài trong ba đêm diễn. Giá vé cho một đêm diễn, nếu mua sớm, là 148 ringgit (cỡ gần 1 triệu đồng), mua cận ngày hơn có giá là 248 ringgit (hơn 1,6 triệu đồng). Nếu mua vé đi được cả ba đêm diễn sẽ là 428 ringgit (khoảng 2,8 triệu đồng).

Nhóm A Man With A Mission

Danh sách nghệ sĩ biểu diễn tại FMFA sẽ cho thấy giá vé này xứng đáng như thế nào, đặc biệt với các fan của dòng nhạc EDM: deadmau5, Amin Van Buuren và những cái tên phổ thông hơn như Pharrell Williams, Macklemore & Ryan Lewis, Naughty Boy, TinieTempah…

Nhưng bạn không cần phải chết dí ở một sân khấu đợi tới nghệ sĩ mình yêu thích. Có khoảng bốn sân khấu ngoài trời để bạn lựa chọn, chưa kể đến khu VIP Arena và Safari Bar trong lều dành cho các nghệ sĩ ít tên tuổi hơn (cặp đôi DJ Kim Kat có phân nửa là gốc Việt cũng có diễn tại đây) và vô số hàng quán, bán từ nước uống, thức ăn cho tới đồ lưu niệm, quần áo.

ZoukOut ở bãi Siloso – Sentosa (Singapore) cũng có hai sân khấu lớn để chọn. Những cái tên hấp dẫn ở ZoukOut 2013 là Afrojack, Zedd, Martin Solveig nhưng khi có mặt tại đây, bạn có thể cảm nhận rằng nghệ sĩ biểu diễn chưa phải là sức hút lớn nhất đối với khán giả dù giá vé ZoukOut là 118-128 đôla Singapore.

Đi bộ từ cổng vào đến bãi cát có dựng sân khấu là một đoạn đường xa nhưng đầy các bạn trẻ tụ tập bên lề đường, hưởng thụ không khí party và thưởng thức “chất cồn” một cách thoải mái hơn thường lệ.

Đến 12 giờ khuya, dòng người đi vào bãi Siloso vẫn còn ùn ùn. Đôi khi, các cuộc vui đi quá đà và gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Tại đêm thứ hai của FMFA 2014, có sáu người đã chết với lý do được cho là sử dụng thuốc kích thích quá liều. Và đến 5 giờ chiều trước đêm thứ ba, thông báo hủy diễn chính thức được đưa ra, tiền vé được hoàn lại. Các nghệ sĩ như Martin Garrix hay Bassjackers đã khoe hình trên Twitter trên đường đến điểm diễn chỉ để đến nơi được thông báo là đã hủy.

3. Diễn nhạc ở nước ngoài có miễn phí không? Dĩ nhiên là có.

World Stage là chuỗi chương trình của kênh MTV, ghi hình các buổi diễn độc quyền, các liên hoan âm nhạc nổi tiếng, mang lại cảm giác như đang ngồi ở hàng ghế đầu để thưởng thức những tên tuổi đình đám, từ Nirvana, Red Hot Chilli Peppers cho tới Beyoncé, Green Day, Muse… Thành công của chuỗi chương trình khiến MTV châu Á nghĩ ra một hướng đi khác.

Thay vì phải mang vác máy móc, thiết bị đến Rock Am Ring chẳng hạn để ghi hình, MTV châu Á đã đứng ra tổ chức hẳn buổi diễn World Stage riêng của mình từ năm 2009.

Diễn ra hằng năm tại Kuala Lumpur (Malaysia), World Stage không hề kém cạnh về danh sách nghệ sĩ biểu diễn. Thị trường châu Á đang là một lối thoát mới cho ngành công nghiệp âm nhạc nên Katy Perry, Justin Bieber, Robin Thicke, Thirty Seconds To Mars, Kasabian đều đã khăn gói đến resort Sunway Lagoon để tham dự World Stage, chưa kể đến các nhóm nhạc trong khu vực như Wonder Girls, Beast, Exo, Kara…

Mỗi buổi diễn đều là cơ hội để Malaysia giới thiệu nghệ sĩ của mình với thế giới như Bunkface, Mizz Nina, Pop Shuvit, Joe Flizzow, Yuna… Tuy nhiên, cố gắng này chỉ là phụ vì phần lớn người xem đến World Stage không phải để xem và nghe nhạc Malaysia.

Vé tham dự World Stage không được bán mà chỉ được tặng khi tham dự các trò chơi, cuộc thi do MTV châu Á tổ chức trong vòng một tháng trước đêm diễn. Được tổ chức tại Sunway Lagoon resort, điểm diễn là biển nhân tạo của khu resort được rút hết nước để làm sân khấu, khu vực VIP là chòi và bãi cát còn khán giả thường đứng hẳn trong “sàn biển”.

Justin Bieber

Quy mô cỡ 15.000-18.000 người/buổi diễn, World Stage Live in Malaysia là cơ hội “miễn phí” hiếm hoi để xem các nghệ sĩ hàng đầu thế giới biểu diễn. Nhưng kèm theo việc miễn phí là vô số chi phí khác như chi phí ăn, mua sắm trong vài ngày ở tại Sunway.

World Stage không phải là chương trình miễn phí đầu tiên mà MTV tổ chức. Isle of MTV ở Malta là một buổi diễn ngoài trời miễn phí được phối hợp tổ chức với các bộ phận du lịch và hàng không của đảo quốc này.

4.Những show diễn đình đám tại Việt Nam trong các năm trước thường là miễn phí, dưới sự tài trợ của các nhãn hàng, từ bia, điện thoại di động cho đến dịch vụ mạng điện thoại. Nhất là với nhạc rock, khi chưa có được tiếng tăm như hiện nay thì hoàn toàn phụ thuộc vào tài trợ.

Lại có câu chuyện giữa con gà và cái trứng khi không có tài trợ thì âm thanh không hay, âm thanh không hay thì fan chê và lần sau không mua vé đi xem nữa, “thà coi miễn phí mà hay”! Tình huống trớ trêu này đưa các đêm diễn tự tổ chức gặp nhiều khó khăn về mặt tổ chức (giấy phép, âm thanh, ánh sáng) và việc bù đắp lại bằng vé gần như là không thể.

Khi được xem My Chemical Romance miễn phí, mấy ai lại bỏ tiền mua vé xem The Ghost Inside. Nếu không sâu sát với giới expat hay cộng đồng rock underground, mấy ai biết The Cribs, Black Rebel Motorcycle Club cho tới Obey The Brave, Rotten Sound đều đã diễn tại Việt Nam.

Dù vẫn có nhiều bên đầy nhiệt huyết để mời các tên tuổi đến diễn nhưng kinh nghiệm của những lần tổ chức trước đã làm chùn bước, nản lòng không ít. Children of Bodom, Hammerfall đều đã được thương thuyết và ra giá cho việc diễn tại Việt Nam, chỉ còn việc ai dám bỏ tiền ra đầu tư để thử thời vận một lần, khi mà thói quen bỏ tiền mua vé đi nghe nhạc đã bị thui chột rất nhiều.

Để chi phí mời được giảm xuống tối thiểu, cần phải canh lịch biểu diễn của các nhóm nhạc, nếu họ có đi tour ở châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á thì chi phí sẽ giảm đi khá nhiều, chỉ có điều bạn sẽ không chủ động được ngày diễn và có thể rơi vào ngày giữa tuần. Hai nhóm nhạc nói trên có giá chỉ trên dưới 10.000 đôla/đêm diễn nếu qua Việt Nam, nhưng liệu có đủ 1.000 rock fan sẵn sàng bỏ 200.000 đồng để mua vé đi xem?

Cộng đồng nhạc dance xem ra khả quan (và giàu có) hơn với sự xuất hiện của Hardwell, Afrojack, Steve Aoki, Far East Movement, Ministry of Sound…

Chỉ với mục đích mang lại âm nhạc cho người nghe trong nước đã khó khăn huống hồ các show diễn ở Việt Nam vẫn còn nhắm tới hơn là khả năng kích cầu du lịch, vốn quá xa vời trong khi thật ra, mỗi buổi diễn lớn là một cơ hội kích cầu du lịch cực tốt.

Khi đáp xuống sân bay giá rẻ LCCT để tham dự FMFA 2014, người viết rất bất ngờ với hàng người rồng rắn trước cổng hải quan, dù rằng hải quan Malaysia xử lý công việc khá nhanh. Mất khoảng 45 phút – 1 tiếng cho việc xếp hàng và cỡ 3 phút cho việc đóng dấu nhập cảnh.

Trong dãy rồng rắn đó là vô số Tây balô mà chỉ cần vài câu trò chuyện là biết ngay mục đích của họ đến Malaysia lần này là vì Armin Van Buuren. Ngay tại FMFA cũng bắt gặp được nhiều nhóm yêu thích nhạc trance đến từ Nhật (mặc đồng phục là yukata, loại kimono mùa hè), từ Úc và cả Việt Nam.

Ngay cả người mê nhạc Việt cũng không ít lần rủ nhau qua Singapore xem Muse hoặc qua Thái xem Taylor Swift. Nhưng có mấy ai mua vé máy bay về Việt Nam để xem Bob Dylan?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Sô chậu” ca nhạc: trong nhà và ngoài ngõ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO