Dự án "Smart home - Ngôi nhà thông minh" của nhóm Chipfc gồm ba tác giả trẻ: Phạm Hữu Nhân, Lâm Xuân Hưng và Phạm Văn Vinh đã đoạt giải nhất tại vòng chung kết toàn quốc cuộc thi "Thiết kế với MCU TI 2012".
Chỉ bằng một động tác ấn vào phím bấm trên điện thoại di động, hệ thống cửa và garage của ngôi nhà thông minh sẽ tự động đóng, mở theo ý muốn, ngoài ra, dự án còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực để ứng dụng vào thực tế đời sống.
Phạm Hữu Nhân cho biết: "Smart home thật ra không phải là công nghệ mới mẻ tại các nước có nền kỹ thuật phát triển, nó đã được phát triển và ứng dụng rất phổ biến trong đời sống, giúp ích cho người sử dụng về nhiều mặt.
Nhưng tại Việt Nam, công nghệ này không có nhiều công ty triển khai thực hiện và chưa có sản phẩm hoàn chỉnh để đưa ra thị trường, trong khi đây là lĩnh vực khá rộng và có tính ứng dụng thực tế cao". Ngôi nhà không chỉ là nơi cư ngụ, mà còn như một người bạn, gắn bó và chia sẻ với con người nhiều nhất. Vì vậy, từ xưa đến nay, con người luôn thích chăm chút cho ngôi nhà của mình trở nên hoàn hảo.
Xuất phát từ quan niệm đó, Chipfc lên ý tưởng đưa công nghệ số vào thiết kế nhà, dựa trên hệ thống điều khiển chuyên dụng, đáp ứng các điều kiện môi trường và sở thích của chủ nhân. Ngôi nhà thông minh có khả năng hoạt động linh hoạt, tự động bảo vệ khi có sự xâm nhập hoặc báo động.
Mô hình ngôi nhà trong dự án "Smart home" của Chipfc gồm: phòng khách, garage, nhà vệ sinh cùng trang thiết bị gia dụng. Hệ thống mạch phân cấp với Master và các Slave điều khiển thiết bị này.
Các Slave đại diện cho một phòng hoặc một nhóm phòng thu nhỏ với nhiệm vụ điều khiển các thiết bị điện gia dụng trong phòng, thu thập thông tin về môi trường..., sau đó chuyển về Master. Master có nhiệm vụ lấy dữ liệu, đảm nhiệm giao tiếp với người sử dụng thông qua các kết nối trực tiếp tới điện thoại di động, bao gồm Bluetooth khi chủ nhân ở nhà và GSM khi vắng nhà.
"Smart home" giúp chủ nhân quản lý ngôi nhà của mình mà không cần thêm bất kỳ một thiết bị phần cứng nào ngoài chiếc điện thoại. Hệ thống được bảo mật qua việc đăng nhập mật khẩu tài khoản. Sử dụng Bluetooth và GSM để truyền tín hiệu từ điện thoại đến trung tâm điều khiển. Chủ nhân chỉ cần lựa chọn chức năng được cài đặt sẵn là mở được cửa phòng hoặc cửa garage.
Một ứng dụng nổi bật nữa của "Smart home" là điều khiển các thiết bị điện trong nhà thông qua đặt các cảm biến ánh sáng. Tùy điều kiện môi trường ánh sáng mà bóng đèn tắt hay mở.
Chipfc cho biết, "Smart home" sẽ tiếp tục được hoàn chỉnh trong thời gian tới với một số chức năng và ứng dụng cao hơn. Chipfc sẽ phát triển chức năng hẹn giờ, thêm cảm biến để bóng đèn tắt, mở khi có sự xuất hiện của con người. Đặc biệt là sẽ đầu tư thêm các cảm biến về nhiệt độ, rung chấn và báo cháy để "Smart home" thật sự thông minh và an toàn hơn.