Sinh viên Khoa Quản lý Văn hóa - Nghệ thuật huy động trên 300 triệu đồng hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số
Cuối tháng 5/2024, sinh viên các lớp thuộc Khoa Quản lý Văn hóa - Nghệ thuật của Trường Đại học Văn hóa TP.HCM đã tổ chức nhiều hoạt động hướng dẫn đến cộng đồng, bao gồm xây dựng nhà tình thương, tặng quà cho đồng bào, trẻ em vùng dân tộc thiểu số ở Bình Phước và Bình Thuận.
Theo đó, ngày 25/5, sinh viên lớp Đại học Quản lý văn hóa 16.3 (Chuyên ngành Tổ chức, dàn dựng chương trình văn hóa nghệ thuật) đã tổ chức thành công Chương trình “Tánh Linh ngày trở về”. Chương trình biểu diễn nghệ thuật và gây quỹ thiện nguyện với sự tham gia của gần 100 bạn sinh viên cùng các nghệ sĩ của Đoàn ca múa nhạc tổng hợp Biển Xanh, tỉnh Bình Thuận.
Trong chuỗi sự kiện này, các sinh viên đã tặng một căn nhà tình thương cho hộ bà Trần Thị Tỵ (dân tộc Raglay) tại thôn Đồng Me, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, giá trị 60.000.000 VND. Số tiền này được tập thể sinh viên kêu gọi tài trợ từ các nhà hảo tâm.
Cũng trong chương trình, các sinh viên cũng dành tặng 50 phần quà cho các em học sinh là con đồng bào dân tộc Raglay có hoàn cảnh kinh tế khó khăn tại thôn Đồng Me, 25 thẻ bảo hiểm y tế, 10 chiếc xe đạp và 59 phần quà cho bà con đồng bào Raglay. Giá trị hiện vật và hiện kim được trao cho trẻ em và các gia đình khó khăn lên đến hơn 200 triệu đồng.
Ngoài ra, nhiều tặng quần áo, sách, tập và nhiều hoạt động khác, như cắt tóc miễn phí cũng đã diễn ra suốt ngày 25, thu hút đông đảo trẻ em, học sinh và bà con địa phương.
Được biết, đây là chương trình thi kết thúc học phần “Tổ chức sự kiện” do sinh viên các lớp năm thứ 3 của Khoa này thực hiện gắn kết việc học lý thuyết với thực tiễn.
Trước đó, ngày 22/5, tại xã Phước Thiện, Bù Đốp, Bình Phước lớp Đại học Quản lý văn hóa 16.1 (Chuyên ngành Quản lý hoạt động văn hóa - xã hội) cũng tổ chức thành công Chương trình “Âm hưởng Vri Se Tek”.
Đêm biểu diễn nghệ thuật với nhiều tiết mục hấp dẫn ca ngợi bản sắc riêng của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Stiêng nói riêng đã thu hút hơn 500 khán giả đến xem và cổ vũ. Chương trình không chỉ là một sự kiện văn hóa mà còn là một hoạt động thiện nguyện, mang lại niềm vui và hỗ trợ thực tế cho những người dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, góp phần xây dựng một cộng đồng tương thân tương ái.
Tổng số tiền và hiện vật thu được từ chương trình lên đến hơn 100.000.000 VND. Cụ thể, có 20 hộ dân được nhận 500.000 VND/hộ cùng nhu yếu phẩm; 60 em học sinh đã nhận được phần quà trị giá khoảng 100.000 VND/em phục vụ cho nhu cầu học tập của mình. Đặc biệt, có 2 hộ gia đình đặc biệt khó khăn, mỗi hộ được nhận hiện kim là 5.000.000 VND cùng nhu yếu sản phẩm và nhiều hỗ trợ khác về sau. Ngoài ra, một hộ gia đình khác được hỗ trợ 4.000.000 VND để kéo điện.
TS. Đạo diễn Hoàng Duẩn - Phó trưởng Khoa Quản lý Văn hóa - Nghệ thuật chia sẻ: “Học phần Tổ chức tổ chức sự kiện được thiết kế theo định hướng ứng dụng của lãnh đạo nhà trường, tạo điều kiện để sinh viên kết hợp lý thuyết với thực hiện một kết quả hiệu quả. Sinh viên tự lên ý tưởng, viết kịch bản, dàn dựng, xin tài trợ, truyền thông và tổ chức sản xuất. Qua quá trình học, thi và thực hành, sinh viên sẽ có được những trải nghiệm quý báu giúp họ dễ dàng tiếp cận cộng việc và làm tốt sau khi tốt nghiệp”.
Ông Duẩn cũng nhấn mạnh, yêu cầu này đặt ra một nhiệm lớn cho đội ngũ sinh viên. Điều này đảm bảo rằng, sinh viên không chỉ nắm chắc kiến thức từ lý thuyết mà vẫn có khả năng áp dụng nó vào các tình huống thực tế, một yếu tố quan trọng giúp các em nổi bật trong thị trường lao động.
“Sự kết hợp giữa học và hành như thế này, không chỉ giúp sinh viên phát triển kỹ năng tổ chức và quản lý sự kiện một cách toàn diện mà còn nâng cao năng lực sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề, từ đó tăng cường sức mạnh cơ hội nghề nghiệp và khả năng thích ứng với môi trường làm việc thực tế sau này. Điều này khẳng định rằng, việc đào tạo theo định hướng ứng dụng không chỉ là xu hướng mà còn là nhu cầu thiết yếu để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động hiện đại”, vị Phó trưởng Khoa khẳng định.