Sinh nhật Bác trong ký ức nhà văn Nguyễn Ngọc Ký

Mạnh Hùng| 18/05/2021 07:00

Trong không khí trang nghiêm và xúc động của cả nước hướng về 131 năm kỷ niệm ngày sinh của Bác (19/5/1890- 19/5/2021), chúng tôi đến thăm nhà văn Nguyễn Ngọc Ký, nghe ông hồi nhớ về Bác.

Sinh nhật Bác trong ký ức nhà văn Nguyễn Ngọc Ký

Lời tòa soạn: Nhân kỷ niệm lần thứ 131 ngày sinh của Bác, 80 năm ngày Bác về nước lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, Doanh nhân Sài Gòn thực hiện tuyến bài về những nhân vật, câu chuyện có đóng góp thiết thực để xây dựng quê hương, thành phố mang tên Bác ngày một giàu đẹp.

Bài 1:Ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh: "Chúng tôi tự hào là người con quê hương Bác"

Năm nào cũng vậy, với lòng thành kính và tình yêu sâu sắc vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, ông dậy thật sớm treo trang trọng lá cờ Tổ Quốc, lau lại bức ảnh Bác. Với ông, Bác không chỉ là một vĩ nhân, là anh hùng dân tộc, mà còn là một cụ ông với chòm râu trắng, nụ cười hiền hậu. Trên tất cả, là lời dạy ông không bao giờ quên: “Tàn mà không phế”. Chính lời dạy ấy đã làm nên một Nguyễn Ngọc Ký truyền cảm hứng về nghị lực sống đến nhiều thế hệ.

“Tàn mà không phế”

Sinh năm 1947, lên 4 tuổi, đôi tay của cậu bé Nguyễn Ngọc Ký đã không thể hoạt động như những đứa trẻ bình thường sau một cơn bạo bệnh. “Bàn tay ta làm nên tất cả”, thế nên những tưởng mọi hy vọng và cánh cửa tương lai đã đóng sầm lại trước mắt Nguyễn Ngọc Ký. Tình thương yêu của gia đình, đặc biệt là ông nội đã giúp Nguyễn Ngọc Ký vượt qua mặc cảm, khát khao khám phá thế giới tri thức. “Hồi đó sách báo rất hiếm, chính những câu chuyện của ông về các anh hùng dân tộc và hình ảnh thân thương của Bác đã cho tôi động lực vượt lên nghịch cảnh để đến trường và khám phá những chân trời mới”.

Nhắc đến ký ức về Bác, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký vẫn không thể quên năm 1954 khi Hiệp định Gơnevơ được ký kết, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ngày 19/5 năm ấy, xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định - quê hương ông tổ chức mừng sinh nhật Bác. Nhà nào cũng nhà treo một lá cờ đỏ sao vàng, đặt một lọ hoa thật to thật đẹp hái từ vườn vào. “Từ tình yêu quê hương, tình yêu tri thức và hình ảnh thân thương của Bác Hồ đã giúp tôi biến nghịch cảnh thành niềm khao khát được đến trường, được khám phá nhưng chân trời tri thức và được cống hiến”

Năm 1963, cả nước đang trong chiến tranh, hậu phương miền Bắc ra sức xây dựng Hợp tác xã kiểu mới tăng gia sản xuất để tái thiết đất nước. Mặc dù vậy, Đảng và Chính phủ vẫn hết sức chăm lo bồi dưỡng năng lực cho thế hệ trẻ. Năm đó, Nguyễn Ngọc Ký là một trong ba học sinh toàn tỉnh Nam Định đi thi học sinh giỏi toán lớp 7 ở tỉnh Hà Tây cũ. Khi biết mình được giải 5 môn Toán toàn miền Bắc, Nguyễn Ngọc Ký tự hứa với bản thân phải thật giỏi để trở thành người hữu ích như lời dạy của Bác “tàn mà không phế”.

Giỏi toán nhưng chọn học văn và trở thành thầy giáo dạy văn, với Nguyễn Ngọc Ký là một ngả rẽ. Nhiều người có thể cho rằng, đó là một sự đột ngột, nhưng với ông, đó lại là một sự lựa chọn. Ông không chỉ muốn dạy tri thức mà còn truyền nghị lực sống và dạy làm người đến học trò. Vậy nên, sau khi tốt nghiệp Khoa Văn, Trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội, ông trở về quê hương Hải Hậu, Nam Định và đứng trên bục giảng.

Những thế hệ học sinh của trường cấp II của xã Hải Thanh - huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định vẫn nhớ như in những bài giảng của thầy Ký. Thầy không viết lên bảng nhiều, mà dạy bằng sự nhiệt huyết và khơi mở tâm hồn, gợi nên khát khao tìm hiểu tri thức cho các em học sinh.

Sống hữu ích là học tập theo lời Bác 

Việc dạy học giúp Nguyễn Ngọc Ký tiếp xúc nhiều với các em học sinh, gặp nhiều mảnh đời và những tấm gương vượt khó, cho ông nhiều chất liệu để viết nên những câu chuyện hồn hậu của tuổi thơ, về thế giới cổ tích hay những câu chuyện đầy nghị lực, dạy các em biết cách quan tâm, sẻ chia, biết vươn lên trong cuộc sống. Độc giả của ông là thiếu nhi, những cô bé câu bé tuổi thần tiên với nhiều sự háo hức, tò mò về thế giới xung quanh.

“Thế giới tuổi thơ có hình ảnh của tôi trong đó, và xa hơn, tuổi thơ hôm nay sẽ làm nên những điều kỳ diệu, là tương lai của đất nước ngày mai. Mọi người thường dành cho tôi những lời ngợi khen, nhưng tôi nghĩ, bằng sức lực và sự cố gắng của mình, sống hữu ích cho mình, cho xã hội cũng chính là học tập theo tấm gương và lời dạy của Bác”.

Trong suốt nhiều năm qua, tấm gương vượt khó của nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đã truyền cảm hứng đến nhiều thế hệ học sinh. Những buổi nói chuyện về nghị lực sống của ông đến hàng trăm và hàng ngàn học sinh ở các trường THCS và PTTH ở thành phố mang tên Bác được đón nhận nồng nhiệt là minh chứng cụ thể nhất.

Kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Bác (19/5/1890-19/5/2021), nhà văn Nguyễn Ngọc Ký cũng đã bước sang tuổi 75, cái tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe của ông phần nào yếu đi nhiều. Thay vì đến các trường trò chuyện cùng học sinh, ông dành thời gian viết truyện cho thiếu nhi và những câu đố vui cho các em.

Chia sẻ về gia đình, ông bảo ông may mắn có người vợ đôn hậu, chu đáo cùng hai người con hiếu thảo. “Hạnh phúc là ngay trong chính ngôi nhà của mình, trong một đất nước hòa bình. Gia đình chính là tế bào của xã hội, mỗi một thành viên trong gia đình sống tốt, có trách nhiệm với người thân sẽ là một công dân có trách nhiệm với cộng đồng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sinh nhật Bác trong ký ức nhà văn Nguyễn Ngọc Ký
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO