Đây là kế hoạch trọng tâm được Sở Du lịch TP.HCM đặt ra để phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy trong giai đoạn 2022 - 2025.
Theo đó, TP.HCM sẽ phát triển tuyến du lịch quan trọng trên sông, như tái hiện chợ nổi tại khu vực cầu Tân Thuận định kỳ thứ bảy, chủ nhật hằng tuần tại TP.HCM; đa dạng hóa các dịch vụ giải trí trên các phương tiện thủy, kết nối các câu lạc bộ vui chơi, giải trí dưới nước, nhằm thu hút khách tham gia trải nghiệm, tạo không khí nhộn nhịp trên các tuyến sông nội đô. Tuyến du lịch Cần Giờ sẽ chú trọng đầu tư loại hình du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng - Thạnh An để trở thành địa điểm lưu trú và trải nghiệm du lịch khép kín.
Một góc sông Sài Gòn. Ảnh: Vũ Ly Na |
TP.HCM dự kiến xây dựng các loại hình tàu nghỉ qua đêm trải nghiệm trên sông Sài Gòn có quy mô từ 100 - 200 phòng, tàu gỗ nhỏ vận chuyển từ 10 - 50 khách nhằm kết nối với các khu vực rạch nhỏ/kênh kết hợp tham quan các di tích lịch sử, đình, chùa, làng nghề truyền thống trên tuyến. Song song đó, tiếp tục triển khai phát triển sản phẩm với tuyến du lịch đi Q.7. Tuyến du lịch Bạch Đằng - Cần Giờ cùng tuyến du lịch đường thủy từ TP.HCM đến Tiền Giang, Bến Tre và ngược lại…
Sở Du lịch TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 1,5 triệu lượt khách du lịch đường thủy/năm và đạt mức tăng trung bình từ 10 - 15% trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, đến năm 2030, du lịch đường thủy sẽ trở thành một trong các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt của Thành phố.