Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - Arab Saudi tại Bắc Kinh ngày 22/2. Nguồn: Nikkei |
Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Riyadh được cho là ngày càng gắn bó vì Mỹ đang gây sức ép lên cả hai nước này.
Theo Nikkei, Chủ tịnh Trung Quốc Tập Cận Bình nói với thái tử Saudi bin Salman trước toàn thể phóng viên rằng: “Trung Quốc là một người bạn và đối tác tốt của Saudi Arabia”.
Nói về mối quan hệ lâu dài giữa hai nước, Thái tử bin Salman nói quốc gia của mình “chưa bao giờ gặp bất cứ vấn đề gì với Trung Quốc”.
“Sáng kiến Con đường Tơ lụa (Vành đai – Con đường) và định hướng chiến lược của Trung Quốc rất ăn khớp với Tầm nhìn 2030 của vương quốc”, ông bin Salman nói thêm. Tầm nhìn 2030 là chương trình cải cách kinh tế của Riyadh mà người dẫn đầu là vị thái tử này.
Bin Salman nói thêm rằng cả hai bên sẽ nhanh chóng mở rộng quan hệ kinh tế và thương mại. Chuyến thăm Bắc Kinh là phần cuối cùng trong chuyến công du châu Á của Thái tử Saudi Arabia.
Trước cuộc gặp ông Tập, thái tử Saudi đã gặp Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính để ký kết một số hợp tác về năng lượng, xây dựng hạ tầng, tài chính và khoa học.
Hãng tin Saudi (SPA) công bố tổng gói thỏa thuận trên có giá trị lên tới 28 tỉ USD, trong đó bao gồm khu phức hợp hóa dầu trị giá 10 tỉ USD tại Trung Quốc. Dự án này do tập đoàn dầu khí quốc doanh Saudi Aramco và tập đoàn quân sự nhà nước Norinco (Trung Quốc) phối hợp xây dựng.
Cho đến nay, nhiều người vẫn tin rằng Thái tử bin Salman là người đứng sau cái chết của nhà báo Khashoggi tại một lãnh sự Saudi Arabia ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Áp lực từ giới cổ đông và các nhóm nhân đạo khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ và châu Âu chần chừ trong việc hợp tác làm ăn cùng Saudi Arabia.
Dù vậy, ngay cả khi bin Salman bị quốc tế tẩy chay vì vụ việc trên, Nga và Trung Quốc vẫn bày tỏ sự ủng bộ ông. Dĩ nhiên, doanh nghiệp hai nước này cũng không ngoại lệ.
Một số công ty năng lượng và tài chính Mỹ và châu Âu bắt đầu tìm cách để hàn gắn cùng Saudi Arabia. Thế nhưng, cái chết của Khashoggi lại biểu trưng quá rõ cho những rủi ro chính trị tại thị trường này.
Chiến dịch nhằm giảm phụ thuộc vào dầu mỏ của Thái tử Saudi được đánh giá rất cần sự hợp tác từ doanh nghiệp và chính quyền nước ngoài. Dù vậy, số phận của những cải cách kinh tế trên hiện có thể đang phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc, theo Nikkei.