Sau 4 tháng bùng phát, nơi nào trên thế giới vẫn còn "miễn nhiễm" với Covid-19?

Bảo Quân| 11/04/2020 06:00

Đến nay, chỉ còn 12 quốc gia chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào nhiễm Covid-19; phần lớn trong số đó là các đảo quốc gần khu vực châu Đại Dương.

Sau 4 tháng bùng phát, đại dịch Covid-19 do SARS-CoV-2 gây nên đã lây lan sang 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, tước đi mạng sống của hơn 102.500 người, theo dữ liệu từ WorldoMeter. Tính đến sáng 11/4/2020, thế giới đã ghi nhận gần 1.700.000 trường hợp dương tính với virus, trong đó Mỹ là quốc gia có số lượng ca nhiễm bệnh cao nhất thế giới, còn châu Âu là lục địa mà toàn bộ quốc gia lẫn vùng lãnh thổ đều ghi nhận có người nhiễm bệnh.

Dẫu vậy, có những quốc gia vẫn hoàn toàn "miễn nhiễm" với SARS-CoV-2 và phần lớn trong số đó là các đảo quốc thuộc Thái Bình Dương, nằm gần khu vực của châu Úc. Theo dữ liệu về dịch bệnh được thu thập bởi Đại học John Hopkins và WorldoMeter, dưới đây là các quốc gia đến nay vẫn chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào nhiễm Covid-19:

Châu Phi - 2 quốc gia

Tại lục địa đen, hai quốc gia vẫn chưa ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 là Comoros và Lesotho. Với dân số gần 1 triệu người, Liên bang Comoros là đảo quốc nằm ở phía Nam châu Phi, cạnh cửa eo biển Mozambique và chiếm khoảng 2/3 đường nối giữa Madagascar và Mozambique.

Lesotho có địa hình phần lớn là cao nguyên (Highveld) nằm ở sườn trái của núi (Drakensberg, 3.482m

Nằm ở khu vực Nam Phi, Lesotho có địa hình phần lớn là cao nguyên Highveld, nằm ở sườn trái của núi Drakensberg với độ cao 3.482m.

Còn Lesotho là một vương quốc tại cực Nam châu Phi, nằm hoàn toàn bên trong nước Cộng hòa Nam Phi và là một thành viên của khối Thịnh vượng chung Anh. Dân số Lesotho ước khoảng hơn 2 triệu người. Hiện, đây là 2 quốc gia châu Phi duy nhất chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19, sau khi đảo quốc Sao Tome and Principe cũng thuộc lục địa đen công bố ca nhiễm đầu tiên vào ngày 6/4.

Châu Á - 3 quốc gia

Sau khi Yemen ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên trong tuần qua, 3 quốc gia châu Á hiện chưa công bố bất kỳ trường hợp nhiễm bệnh nào chỉ còn lại Triều Tiên, Tajikistan và Turkmenistan.

Riêng với trường hợp của Triều Tiên, nhiều nhà quan sát tỏ ra hoài nghi về việc quốc gia có đường biên giới với Trung Quốc này lại không ghi nhận bất cứ ca nhiễm bệnh nào. Dẫu vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, cơ quan này hằng tuần vẫn nhận được thông báo cập nhật tình hình dịch bệnh từ Bộ Y tế Triều Tiên, và nói nước này hoàn toàn có khả năng xét nghiệm Covid-19 nhờ vào phòng thí nghiệm quốc gia ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Theo WHO, tổ chức này đã gửi vật tư y tế để hỗ trợ Triều Tiên, bên cạnh các dụng cụ xét nghiệm SARS-CoV-2 được cung cấp bởi Trung Quốc từ tháng 1/2020. Ngoài ra, Triều Tiên cũng triển khai nhiều biện pháp phòng dịch khác nhau, trong đó có quyết định đóng cửa biên giới và cách ly hàng nghìn người, đồng thời khẳng định, ngăn chặn Covid-19 là "nhiệm vụ chính trị" quyết định sự tồn vong của đất nước.

Tình nguyện viên phun dung dịch khử trùng trong chiến dịch phòng chống đại dịch Covid-19 ở thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên ngày 4.3

Tình nguyện viên phun thuốc khử trùng trong chiến dịch phòng chống Covid-19 ở thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên vào ngày 4/3.

Cũng vấp phải sự nghi ngờ giống như Triều Tiên, song do vị trí cách xa nguồn dịch là Trung Quốc và số lượng khách du lịch ít, Turkmenistan được cho là có nguy cơ lây nhiễm thấp. Đồng thời, theo hãng tin BBC, cơ quan chức năng Turkmenistan ngay từ đầu đã chuẩn bị đối phó với khả năng dịch Covid-19 xâm nhập vào nước này và thảo luận kế hoạch với các cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Dù tránh trả lời trực tiếp về việc liệu LHQ có tin vào số liệu chính thức từ Turkmenistan hay không, song điều phối viên LHQ Elena Panova cho biết: "Chúng tôi dựa vào thông tin chính thức, vì đây là điều mọi quốc gia đều làm. Không có vấn đề tin tưởng vì đó là cách mọi việc được tiến hành".

Châu Đại Dương - 7 quốc gia

Với tổng dân số chưa đến 1 triệu người và tứ phía xung quanh đều là đại dương, các quốc gia như Solomon Islands, Tuvalu, Nauru, Marshall Islands, Vanuatu, Kiribati và Tonga được xem như những "thành lũy" cuối cùng của nhân loại trước SARS-CoV-2. Được biết, các quốc gia này cũng là những nơi có lượng khách du lịch ít nhất thế giới.

Dù vậy, một số quốc đảo nói trên vẫn có biện pháp đề phòng nghiêm ngặt. Solomon Islands - quốc đảo đông dân nhất trong số kể trên đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp dù chưa có trường hợp dương tính nào. Nauru cũng ban bố tình trạng khẩn cấp, trong khi bốn bề đều giáp Thái Bình Dương và đô thị nằm gần nhất với nơi này là thành phố Brisbane (Úc) cũng có khoảng cách hơn 4.000 km.

Vanuatu - một trong những "thành lũy" cuối cùng của nhân loại trước SARS-CoV-2.

Vanuatu - một trong những "thành lũy" cuối cùng của nhân loại trước SARS-CoV-2.

Đến đây, nhiều người có thể sẽ cho rằng, một nơi xa xôi như Nauru sẽ không cần phải tự cô lập thêm nữa; song tại một đất nước chỉ có 1 bệnh viện, 0 máy thở và số lượng y tá thiếu nghiêm trọng, chính phủ cần thiết phải "dập dịch" ngay từ ban đầu.

Theo bác sĩ Colin Tukuitonga - một cựu chuyên gia của WHO, điều đúng đắn nhất mà các đảo quốc gia kể trên có thể thực hiện là tự tách biệt với phần còn lại của thế giới, vì khủng hoảng sẽ lập tức xảy ra nếu SARS-CoV-2 chạm đến đây. "Những quốc gia này không có hệ thống y tế vững chắc, nhiều nơi còn không có máy thở. Nếu dịch bệnh bùng phát, nó nhiều khả năng sẽ cướp đi hầu hết sinh mạng", ông cho biết.

Theo hãng tin AFP, đại dương đang đóng vai trò như một vùng đệm và bức tường ngăn cản virus. Với khoảng cách giữa mỗi hòn đảo có thể lên tới hàng trăm cây số, cộng thêm lệnh hạn chế đi lại từ chính quyền, SARS-CoV-2 gần như không có cơ hội "đặt chân" đến đây. Dù vậy, nền kinh tế của các đảo quốc này cũng khó tránh khỏi việc bị ảnh hưởng khi Covid-19 tạo ra hiệu ứng domino lên kinh tế toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sau 4 tháng bùng phát, nơi nào trên thế giới vẫn còn "miễn nhiễm" với Covid-19?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO