Sapa: 3 ngày 2 đêm
Lễ 2/9 sắp tới, bạn đã có kế hoạch đi đâu chưa? Bạn hãy thử khám phá chuyến đi Sa Pa 3 ngày 2 đêm để chinh phục một cung đường “chọc trời”. Trên hành trình này, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm một món ăn vô cùng độc đáo, có thể khiến bạn vừa thích thú vừa sợ hãi khi thưởng thức.
Chỉ cách hơn 5 giờ đi ô tô từ Hà Nội, Sa Pa mở ra cho khách du lịch một hành trình đầy mê hoặc với đầy đủ các cung bậc cảm xúc từ yên bình đến nhộn nhịp. Một trong những điều làm say lòng du khách khi đến với nơi này chính là những trải nghiệm ẩm thực địa phương độc đáo giữa tiết trời se lạnh. Ngoài những món ăn được số đông yêu thích như bánh hạt dẻ, lẩu cá hồi và gà bản, Sa Pa còn có một đặc sản khiến thực khách luôn đưa ra những nhận xét có phần… trái chiều. Có người cảm thấy thích thú, nhưng cũng có những người lại cảm thấy sợ hãi trước món ăn đặc biệt mang tên thắng cố này.
Một Sa pa giúp bạn hòa mình vào thiên nhiên kỳ vĩ
Sau một ngày khám phá Sa Pa, bạn có thể chọn nghỉ ngơi tại một khách sạn với “view” nhìn hướng ra trung tâm thị trấn, hoặc rời xa khung cảnh nhộn nhịp để tìm về chốn yên bình, kết nối với thiên nhiên tại các Homestay địa phương. Chúng tôi có thể gợi ý cho bạn 2 Homestay được rất nhiều khách du lịch lựa chọn, chính là Deja Vu Homestay và Anh Séo Homestay. Đây là hai homestay đặc biệt an tĩnh, cho phép bạn tận hưởng một vùng trời bình yên giữa phong cảnh núi rừng Sa Pa kỳ vĩ.
Fansipan - Hành trình chinh phục đỉnh cao
Và cuối cùng, một khi đã đến với Sa Pa, đừng quên dành cho mình một nửa ngày để chinh phục đỉnh Fansipan. Trước kia, hành trình chinh phục Fansipan với độ cao 3.143m khá vất vả và gian truân, nhưng giờ đây nhờ có cáp treo Fansipan đã trở nên gần gũi hơn với du khách. Cảm giác ngồi trên tàu và ngắm nhìn thung lũng Mường Hoa bao la rộng lớn, rồi len lỏi giữa những trời mây - rừng núi và cả những vực thẳm sâu hun hút, hư ảo như cõi tiên. Và cảm giác chạm tay “Check in” đỉnh Fansipan - nơi lá cờ Tổ quốc thiêng liêng tung bay sừng sững giữa đất trời, sẽ là khoảnh khắc đáng nhớ nhất suốt hành trình.
Vì sao Thắng Cố lại là nỗi sợ hãi của du khách?
Khi đến với Sa Pa, chúng tôi đã có dịp ghé thăm một nhà hàng thắng cố, và đã rất bất ngờ khi được phục vụ một chảo thắng cố với nước dùng trong vắt, dậy mùi lá chanh, thảo quả, tiêu và tất nhiên là lá thắng cố. Thịt ngựa, lòng, huyết, gan, gân, xương…. được chặt nhỏ, làm sạch để hết tanh, hầm mềm ăn cùng với nước chấm chẩm chéo chua nhẹ và cay nồng, có mùi vị thơm ngon và tuyệt nhiên không hề đáng sợ như dân tình vẫn đồn đại.
Thắng cố là món ăn truyền thống của người H’Mông vốn sinh sống ở vùng núi cao, nơi điều kiện sống khó khăn và nguồn thực phẩm có thể không luôn sẵn có. Để có thể tổ chức những buổi hội hè hoặc cảm ơn anh em bản làng đã giúp đỡ thu hoạch mùa màng, chủ nhà thường tận dụng tối đa nguồn thực phẩm có sẵn bằng cách dùng tất cả bộ phận của con ngựa bỏ chung vào vạc lớn nấu cùng hơn 10 loại gia vị đặc trưng như cây thắng cố, quế, hồi, thảo quả, mắc khén, sả, gừng…
Tuy nhiên, cũng chính vì thắng cố được nấu từ tất cả các bộ phận, bao gồm cả lục phủ ngũ tạng của con ngựa, nên thường khiến cho nhiều anh em vùng xuôi cảm thấy… e ngại trước món ăn có cách chế biến tương đối mới lạ này, đặc biệt là đối với những người không ăn được nội tạng. Đấy là suy nghĩ trước đây thôi, theo thời gian, cách chế biến Thắng cố cũng đã có ít nhiều thay đổi để vẫn giữ được nét văn hóa ẩm thực của H’Mông nhưng vẫn phù hợp khẩu vị của thực khách.
Bên cạnh đó, khi đến với Sa Pa và trải nghiệm thắng cố, bạn cũng đừng bỏ qua món gù (bờm) ngựa - phần thịt đắt giá nhất vì mỗi con ngựa chỉ có một cân, vị thơm, ngon béo ngậy, có độ giòn nhưng tan ngay khi cắn miếng đầu tiên sẽ giúp bạn có cảm giác “bùng nổ” và thật khó để dừng lại. Được chấm chung với chẩm chéo cay nồng, chua nhẹ, dậy mùi thơm đặc trưng của thảo quả, chắc chắn giúp món bờm ngựa có thể sánh ngang những món ăn “thượng hạng” ở các nhà hàng “fine-dining”.
Còn chần chừ gì mà không nhanh tay đóng gói hành lý, để chinh phục đỉnh cao và tận hưởng một kỳ nghỉ lễ thật đáng nhớ tại Sa Pa.
(*) Trạm Song Hành with Thu Tran