Sản lượng điện dự kiến tăng hơn 8 lần vào năm 2050

HT| 02/06/2022 05:29

Theo báo cáo "Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021", sản lượng điện dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 so với năm 2020 và tăng lên hơn 8 lần so với sản lượng điện hằng năm hiện tại vào năm 2050.

Sản lượng điện dự kiến tăng hơn 8 lần vào năm 2050

Báo cáo "Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021" do Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ Quán Đan Mạch công bố ngày 2/6/2022 cho thấy, tỷ lệ nhập khẩu nhiên liệu có thể tăng từ 36% vào năm 2020 lên 60% vào năm 2030 và 70% vào năm 2050.

Theo báo cáo, dự kiến sự phụ thuộc vào nhập khẩu của Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể trong thập kỷ tới. Cụ thể, tỷ trọng nhiên liệu nhập khẩu đạt 53-60% vào năm 2030 theo các kịch bản khác nhau. Trong đó, các sản phẩm than và dầu nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tăng gần gấp ba lần nhập khẩu hiện nay vào năm 2030 và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ trở thành mặt hàng nhập khẩu mới tại Việt Nam.

Đáng chú ý, năng lượng tái tạo đã và sẽ sớm trở thành nguồn năng lượng tối ưu nhất về chi phí và do chi phí năng lượng tái tạo đang giảm dần theo thời gian nên mức độ điện khí hóa cao là lộ trình hiệu quả nhất về chi phí để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Do đó, sản lượng điện dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 so với năm 2020 và tăng lên hơn 8 lần so với sản lượng điện hằng năm hiện tại vào năm 2050, cao hơn gấp đôi so với sản lượng của kịch bản cơ sở. Lượng điện tăng thêm này sẽ được sử dụng để điện khí hóa và khử carbon cho các khu vực còn lại của hệ thống năng lượng.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu COP26 được tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh) hồi tháng 11/2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.

Chính phủ Việt Nam chỉ đạo sẽ tiếp tục tăng mạnh tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời, sinh khối), các loại hình năng lượng mới (trong đó có hydro, amoniac xanh... khi công nghệ được chứng thực) trong cơ cấu nguồn điện quốc gia đồng thời tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sản lượng điện dự kiến tăng hơn 8 lần vào năm 2050
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO