Samsung “made in Việt Nam”

MẠNH DƯƠNG| 27/03/2013 03:01

Việt Nam đã thành địa điểm quan trọng trong chuỗi mắt xích trên toàn cầu của Samsung.

Samsung “made in Việt Nam”

Việt Nam đã thành địa điểm quan trọng trong chuỗi mắt xích trên toàn cầu của Samsung.

Đọc E-paper

Thủ tướngNguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công công trình

Ngày 25/3, Tập đoàn Samsung đã tổ chức lễ khởi công khu nhà máy SamSung sản xuất các thiết bị di động, máy tính bảng... ở Khu công nghiệp Yên Bình, Thái Nguyên. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát lệnh khởi công công trình.

Dự án này có tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD gồm: nhà máy sản xuất, gia công lắp ráp điện thoại di động và các sản phẩm công nghệ cao. Ngoài ra, có thông tin Samsung đang xúc tiến thêm nhà máy sản xuất, lắp ráp các bộ vi xử lý và mạch tích hợp, quy mô 1,2 tỷ USD.

Các công ty con của Tập đoàn sẽ đầu tư thêm những nhà máy sản xuất các loại linh kiện điện và điện tử, phụ tùng các sản phẩm di động, điện tử viễn thông công nghệ cao... đóng góp khoảng trên 20 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Việt Nam và góp phần đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ điện tử tại khu vực phía Bắc.

Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Samsung Vina, định hướng nhà máy này sẽ phát triển thành tổ hợp thứ hai của Samsung ở Việt Nam sau tổ hợp ở Bắc Ninh đang sản xuất với khoảng 30 ngàn công nhân, đã sản xuất hơn 100 triệu sản phẩm và xuất khẩu 12,7 tỷ USD năm 2012. Dự kiến số nhân lực Samsung sẽ tuyển dụng bước đầu tại tổ hợp Thái Nguyên là 10 ngàn công nhân.

Nếu so sánh giữa nhà máy Thái Nguyên với Bắc Ninh sẽ thấy sự gia tăng trong đầu tư lần này của nhà đầu tư Hàn Quốc. Trong chuyến thăm Việt Nam vào cuối năm ngoái, Chủ tịch Tập đoàn Samsung đã ghé thăm tỉnh Thái Nguyên và đã có quyết định nhanh trước sự chào đón cùng những ưu đãi của chính quyền địa phương.

Sau đó, tất cả các khâu chuẩn bị đã được tiến hành “siêu tốc” và ngày 19/3 vừa qua, tổ hợp sản xuất tại Thái Nguyên được cấp phép. Ngày 25/3 Samsung tiến hành khởi công và dự kiến, đến cuối 2013 nhà máy đầu tiên sẽ đi vào hoạt động.

Giải thích lý do xây dựng nhà máy thứ hai tại Việt Nam, theo ông Đạo, thị trường các thiết bị di động của Samsung thời gian qua có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Năm 2012, điện thoại di động Samsung đã nắm thị phần số 1 thế giới, trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới, vượt trên Nokia và Apple.

Vì thế, các nhà máy của Samsung trên thế giới đã không kịp cung ứng, kể cả nhà máy ở Bắc Ninh có công suất hơn 100 triệu sản phẩm năm 2012. Nhưng với đà phát triển hiện nay, sản lượng các nhà máy trên toàn cầu của Samsung sẽ không đủ cung ứng nên nhà máy ở Thái Nguyên được đầu tư để đáp ứng sản lượng tăng lên.

12,6 tỷ USD

Năm 2012, Samsung Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 12,6 tỷ USD, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Theo ông JK Shin, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc ngành CNTT và truyền thông di động của Samsung Electronics toàn cầu, nhà máy Samsung Thái Nguyên sẽ chuyên sản xuất điện thoại di động và máy ảnh kỹ thuật số, tương lai nhà máy này sẽ sản xuất khoảng 100 triệu điện thoại di động, 1,5 triệu máy ảnh kỹ thuật số/năm.

Mục tiêu mà tập đoàn hướng đến cho cả hai nhà máy tại Việt Nam là 250 triệu sản phẩm/năm.

Với quy mô này, ông Đạo khẳng định “Việt Nam đã thành địa điểm quan trọng trong chuỗi mắt xích trên toàn cầu của Samsung”. Với quy mô hiện nay với sự ra đời của Samsung Thái Nguyên, Samsung Việt Nam sẽ nằm trong nhóm đầu của Samsung thế giới về thiết bị di động.

Samsung Bắc Ninh hiện sản xuất smartphone mới nhất của Samsung là Galaxy S3 và sắp tới là Galaxy S4. Ngay từ đầu, Samsung Bắc Ninh đã xin phép được xuất khẩu 95%, phục vụ thị trường nội địa 5%. Nhà máy Samsung Thái Nguyên sẽ có tỷ lệ tương tự.

Theo hợp đồng, Tập đoàn Samsung sẽ thuê 100 ha đất trong 49 năm. Được biết, đây là một trong những dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực công nghệ.

Ông Đạo cho biết, có nước đưa chính sách ưu đãi hơn Việt Nam nhưng sau khi cân nhắc các yếu tố, Samsung đã chọn Việt Nam bởi tính ổn định cao của thị trường.

Một số chuyên gia công nghệ phân tích thêm, về yếu tố thị trường, hàng điện tử hiện nay có chu kỳ vòng quay rất ngắn, việc Samsung xây nhà máy ở Việt Nam nhằm gần với khách hàng hơn, đảm bảo vòng quay nguồn hàng, hỗ trợ mục tiêu giao hàng...

Ngoài ra, trong cuộc đua với các đối thủ lớn, đặc biệt là Apple, việc đầu tư tại Việt Nam cũng thể hiện Samsung muốn củng cố khả năng sản xuất và hướng tới các thị trường đang phát triển ở châu Á.

Hiện tỷ lệ nội địa hóa của tổ hợp Samsung ở Bắc Ninh khoảng 10 - 30%, tùy sản phẩm. Khi Samsung vào Thái Nguyên, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ có nhiều nhà đầu tư khác vào để cung ứng thiết bị, cũng như việc xuất hiện các nhà máy lớn của Intel, Nidec...

Thực tế, nhà máy Samsung Bắc Ninh đã thu hút được 80 doanh nghiệp phụ trợ, trong đó doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới cung cấp được một số khâu đơn giản như bao bì... Thời gian tới, hai nhà máy Samsung tại Việt Nam cần khoảng 200 doanh nghiệp phụ trợ.

Năm ngoái, đại diện Tập đoàn Samsung đã làm việc với Chính phủ Việt Nam để lên kế hoạch thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) đặt tại Hà Nội. Samsung cũng đã làm việc với lãnh đạo TP.HCM về một kế hoạch đầu tư nhưng ở trong một lĩnh vực khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Samsung “made in Việt Nam”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO