“Thấy người Sài Gòn đau, mình cũng đau lây”
Khi bài hát Sài Gòn thương vang lên trong MV đầy hình ảnh của một thành phố đang trong những ngày giãn cách lịch sử và qua những bức tranh đầy cảm xúc của họa sĩ Lê Sa Long, nhiều người cảm nhận nỗi đau của Kyo cùng người Sài Gòn. Một Sài Gòn vắng lặng, phố phường trống trải lạ lùng, toàn tiếng còi xe cấp cứu, tiếp đó là dòng người về quê cùng những đoàn người làm từ thiện, cưu mang người khó khăn hơn và những sự mất mát không thể đo đếm được.
“Sài Gòn thương, thương bao em thơ mong sẽ đến trường
Sài Gòn thương, thương ai xa quê sẽ được hồi hương
Thương khắp phố phường, chợ chiều nay vắng bóng người
Đìu hiu ngóng dòng mây đen sẽ chóng tan”.
Và ca khúc cũng mở ra hy vọng với lời dự báo hoàn toàn đúng:
“Những khó khăn sẽ vượt mau
Tình người vẫn luôn thấm sâu
Sài Gòn thương, ai đang nguy nan sẽ hết thở than
Sài Gòn thương, ai đang ly tan sớm được bình an”.
Vì sao lời ca từ sâu sắc và có sức lan tỏa đến thế? Bằng giọng tiếng Việt rất sõi, Kyo York chia sẻ, anh kết hợp với nhạc sĩ Khúc Đạo Minh - giảng viên Nhạc viện TP.HCM để thực hiện dự án là vì muốn tri ân đội ngũ y bác sĩ và người dân Sài Gòn. Trong suốt ba tháng qua, anh thấy bà con xung quanh rất vất vả và không chỉ riêng gì họ, những y bác sĩ trên tuyến đầu ngày đêm căng sức ra chống dịch, nhọc nhằn, hy sinh không kém. Anh rất xúc động trước hành động nghĩa hiệp giúp nhau của người dân Sài Gòn, cũng như sự gắn kết của người Việt, nên muốn hát lên ca khúc ngợi ca tinh thần ấy.
“Theo tôi nghĩ, âm nhạc như liều thuốc bổ cho tâm hồn, xoa dịu vết thương, nhất là với những người trải qua nhiều mất mát. Có thể họ không đến được với những người thân, hoặc có cả một cuộc chia ly đau đớn. Tôi hy vọng qua bài hát này, họ có thể được an ủi phần nào, cũng như muốn đưa ra lời động viên mọi người cùng nhau vượt qua đại dịch vào thời điểm đó”.
Đặc biệt, sự mất mát ở vùng dịch như Sài Gòn quá lớn, nhiều người khi đi vui vẻ, khi về chỉ còn là một hũ tro. Có cả gia đình cùng ra đi vì Covid-19. Không chỉ người già, người trẻ cũng không qua khỏi. Trước đó, họ từng lao đến các điểm dịch để nấu cơm từ thiện, phân phát lương thực cho người nghèo rồi không may bị lây nhiễm và qua đời. Trong số đó phải kể đến đồng nghiệp của Kyo York - ca sĩ Phi Nhung mà anh vô cùng quý mến. Vì chứng kiến nhiều cảnh đời, Kyo cảm nhận được từng câu chữ trong bài hát và truyền tải sự xúc động ấy đến người nghe.
Sống trong nhà, không dám ra ngoài ngõ vì cũng đang trong thời gian cách ly, sợ ảnh hưởng tới người khác, Kyo York thú thật anh rất khâm phục các bạn trẻ sẵn sàng lao mình đi cứu giúp những người bệnh, đưa hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người nghèo, hỗ trợ y bác sĩ tiêm vaccine cho người dân. Điều anh chỉ có thể đóng góp chính là âm nhạc. Đó cũng là sự đóng góp thầm lặng, lan tỏa, bằng một cách nào đấy để nâng dậy tâm hồn và tinh thần của người dân vùng dịch.
Trong phòng thu, anh đã khóc rất nhiều lần. “Một phần vì bài hát quá khó”, Kyo York hài hước. “Một phần là do xúc động thực sự, nhất là khi tôi nghe qua lời ca và giai điệu, cùng ngắm những bức tranh minh họa của anh Lê Sa Long. Những bức tranh cộng với âm nhạc đã làm tôi lay động. Tôi cho rằng đây là bài hát rất hay, có giá trị trong thời điểm này, nên muốn làm một điều ý nghĩa cho xã hội”, nam ca sĩ nhớ lại. Kyo cũng nói thêm, phải nói là nhờ hai đối tác quá tài giỏi là nhạc sĩ Khúc Đạo Minh và họa sĩ Lê Sa Long mà anh yên tâm vào phòng thu, giao phó tất cả cho họ, chỉ cần hát cho hay mà thôi.
Không chỉ có Sài Gòn thương, Kyo từng thu âm nhiều bài hát như Ghen cô vy (tự dịch lời sang tiếng Anh), Sài Gòn đau lòng quá, trình diễn và viết lại lời Trống cơm để khuyến khích mọi người luôn nhớ 5K...
Cùng với bài hát này, Kyo kêu gọi các sinh viên, thầy cô khoa du lịch và Việt Nam học đóng góp gây quỹ Sài Gòn tập trung giúp đỡ các bạn sinh viên trong và sau dịch có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tiếp bước ước mơ vào con đường đại học. Và từ trước tới nay, anh hăng say làm từ thiện, giúp trẻ em vùng cao Tây Bắc đến trẻ em khắp mọi miền đất nước. Anh mặc nhiên xem mình là người Việt và hơn thế nữa - người Sài Gòn. Ngày đầu tiên đến Sài Gòn, Kyo sợ nhất là kẹt xe và hít phải khói bụi. Nhưng khi đi xa, anh lại nhớ cái mùi khói xe ấy.
Chinh phục nhạc Việt
Với Kyo York, nhạc Việt là thử thách rất lớn trên con đường anh vượt qua mọi trở ngại để đến với khán giả. Ra nhiều album, mỗi album là một phong cách, hát rất thấm nhạc Trịnh, Vũ Thành An...
Kyo York cho biết: “Tôi từng thử sức với dân ca Tây Bắc, quan họ Bắc Ninh, dân ca Nam Bộ... tự thử thách bản thân mình, cố gắng để hát càng nhiều thể loại càng tốt. Và dù đánh vật với dân ca, quan họ, tôi vẫn rất yêu dòng nhạc trữ tình quê hương. Nhưng thế mạnh của tôi vẫn là những bản ballad vì hợp với giọng hát của mình hơn cả”.
Chia sẻ cơ duyên hát nhạc Trịnh ngay từ khi mới bước vào nghề, Kyo đã có một ấn tượng khó quên với Trịnh Công Sơn. Ca sĩ Tuấn Ngọc từng trêu, anh là “con rơi" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay sao mà hát nhiều bài của ông như vậy, hát hay mà còn hiểu âm nhạc của Trịnh.
“Tôi hát nhạc Trịnh từ những ngày đầu đến Việt Nam. Nhạc Trịnh rất hay, nhiều ẩn ngữ, đa nghĩa, là những tác phẩm có giá trị không chỉ về âm nhạc mà còn về ngôn từ. Nhiều người nói tôi có duyên hát nhạc Trịnh. Bản thân tôi từng hát ở nhiều phòng trà trong thành phố, lúc đó những bài của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An - những nhạc sĩ đang rất ăn khách. Trước khi là ca sĩ thực thụ, tôi trau dồi giọng hát, trau dồi kỹ năng tiếng Việt. Nhờ những bài hát đó tôi mới hoàn thiện hơn giọng hát hôm nay”, nam ca sĩ nhớ lại.
Tâm hồn anh thực thụ là người Việt, bởi anh hát dân ca quá hay. Nhiều người xem Kyo York như là người Việt Nam. Còn Kyo York thừa nhận, khi về Mỹ thì nhớ Việt Nam cồn cào, khi về Việt Nam lại nhớ Mỹ.
“Việt Nam như là quê hương thứ hai của tôi sau 10 năm sinh sống và ca hát. Riêng với Sài Gòn, sống gần 8 năm, những con người, những quán ăn cùng nếp sống và văn hóa Sài Gòn như ăn sâu vào con người tôi. Tôi cũng thấy khi người Sài Gòn đau thì mình cũng đau lây. Giống như Sài Gòn là một phần trong mình vậy!”.
Đại dịch khiến Kyo York thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về cuộc sống. Anh nhận ra cuộc sống rất mong manh, vô thường, không biết ngày mai sẽ ra sao và đang còn thở là hạnh phúc.
Kyo nghĩ đây là cơ hội để “mọi người nhìn xung quanh và xem lại cách sống của mình để đề phòng bệnh tật và hiểu rằng cuộc sống này rất có giá trị, thật đáng tiếc nếu chúng ta trải qua một cuộc đời vô nghĩa. Hy vọng mọi người sử dụng thời gian này để cùng nhau yêu thương nhiều hơn và có thể chính sự yêu thương đó là thuốc bổ cho những người thực sự cần”.
Không phải ngẫu nhiên mà họa sĩ Lê Sa Long - người vẽ Sài Gòn trong ngày giãn cách với những bức tranh nổi tiếng, đã gọi Kyo York là “một người Mỹ có trái tim Việt”.