Nếu muốn làm chủ cuộc sống của mình, bạn phải biết cách tự làm “quảng cáo” trong tâm trí mình.
Chàng thanh niên Anthony Robbins 20 tuổi là người luôn cảm thấy cô đơn, buồn nản, không thu nhập, không kinh nghiệm chuyên môn, không người tư vấn, không bạn bè, và cũng chẳng có mục tiêu rõ ràng.
Nhưng chỉ trong vài năm, người thanh niên ấy đã khám phá ra nguồn sức mạnh giúp thay đổi hầu hết mọi mặt cuộc sống của mình và trở thành triệu phú ở tuổi 24. Đó là Anthony Robbins - chuyên gia người Mỹ hàng đầu trong lĩnh vực huấn luyện khai phá năng lực con người.
Triệu phú, diễn giả, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực huấn luyện khai phá năng lực con người - Tony Robbins |
Đánh thức con người phi thường trong bạn (nguyên tác: Awaken The Giant Within) - một trong những cuốn sách international best-seller (bán chạy nhất thế giới) của Anthony Robbins - là một bộ công cụ mạnh mẽ và có ý nghĩa sâu sắc, giúp chuyển hóa nhận thức của bản thân. Nội dung dưới đây trích từ cuốn sách này, từ ấn bản tiếng Việt do First News phát hành.
Điều gì tạo nên một người anh hùng, một kẻ đê tiện, một tên tội phạm hay một người hào hiệp vì cộng đồng? Điều gì tạo nên sự khác biệt trong cách hành xử của con người?
Con người không phải là một sinh vật hành xử một cách ngẫu nhiên, mọi việc chúng ta làm đều có lý do. Có thể không xác định chính xác lý do, nhưng chắc chắn luôn có một động lực cho tất cả các hành vi của con người. Động lực này chi phối mọi mặt trong cuộc sống, từ các mối quan hệ, khả năng tài chính cho đến thân thể và trí óc chúng ta. Động lực nào hiện đang chi phối bạn và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến bạn trong suốt phần đời con lại? Đó chính là niềm vui và nỗi đau.
Mọi việc ta làm đều vì nhu cầu tránh mọi nỗi thống khổ hoặc mưu cầu sự sung sướng.
Nhiều người nói về những thay đổi họ muốn tạo ra trong cuộc sống nhưng họ không theo đuổi chúng đến cùng. Họ cảm thấy chán chường, mệt mỏi, thậm chí tức giận khi biết rằng họ cần phải hành động, song lại không thể bắt bản thân làm việc đó. Lý do cơ bản là họ cố gắng thay đổi hành vi, mà hành vi vốn chỉ là kết quả, thay vì phải đối mặt với nguyên nhân nảy sinh vấn đề.
Hiểu và tận dụng được động lực sướng - khổ sẽ cho phép bạn tạo ra những thay đổi bền vững cho bản thân và cho những người bạn quan tâm. Không hiểu được sức mạnh của hai động lực này sẽ khiến tương lai bạn bị đầy đọa trong viễn cảnh sống để đối phó.
Điều gì ngăn cản bạn tiếp cận mẫu người yêu lý tưởng của mình? Điều gì ngăn cản bạn khởi đầu sự nghiệp kinh doanh mà bạn đã hoạch định trước đó đã lâu? Tại sao bạn cứ trì hoãn việc ăn kiêng? Tại sao bạn không kiểm soát nổi danh mục đầu tư tài chính của bạn ? Điều gì ngăn bạn thực hiện những việc giúp tạo nên cuộc sống như bạn hằng mơ ước?
Dù biết rõ tất cả những hành động ấy đều mang lại lợi ích cho mình, nhưng bạn cũng không làm vì lúc đó bạn liên tưởng việc thực hiện những điều cần thiết đó với nỗi khổ nhọc.
Điều gì xảy ra nếu bạn tiếp cận người ấy - có thể bị từ chối. Điều gì xảy ra nếu bạn khởi nghiệp kinh doanh nhưng thất bại - có thể mất luôn cả công việc hiện tại. Điều gì xảy ra khi bạn bắt đầu ăn kiêng - phải chịu đựng cảm giác kiêng khem khổ sở, rồi rốt cuộc lại tăng ký. Điều gì xảy ra nếu bạn đầu tư - có thể mất sạch tiền dự trữ. Thế thì tại sao phải thử?
Với nhiều người, nỗi sợ mất mát lớn hơn nhiều so với niềm vui được có thêm. Điều gì thúc đẩy bạn mạnh mẽ hơn: tránh để mất đi 100.000 USD đã dành dụm trong suốt năm năm, hay là cơ hội sinh lời gấp đôi trong 5 năm tới?
Thực tế là hầu hết mọi người sẽ cố gắng giữ lại những gì mình đang có thay vì chấp nhận rủi ro để đạt được những điều họ mơ ước.
Một câu hỏi thường được nêu ra trong các cuộc thảo luận về hai nguồn lực chi phối chúng ta, đó là: “Tại sao con người dù đã trải qua khổ ải nhưng vẫn không thể thay đổi?”. Đó là vì họ chưa nếm trải đủ “mùi” đau khổ, vẫn chưa chạm đến cái gọi là ngưỡng cảm xúc.
Link bài viết
Đây chính là khoảnh khắc kỳ diệu - khi nỗi khổ niềm đau trở thành bạn của ta. Nó khiến ta phải hành động khác đi để gặt hái những kết quả mới. Ta sẽ hành động quyết liệt, dứt khoát hơn nếu lúc đó ta hình dung sự thay đổi sẽ tạo ra vô vàn niềm vui cho cuộc sống của mình.
Có rất nhiều cấp độ sướng - khổ khác nhau. Ví dụ như việc cảm thấy bị sỉ nhục là một hình thức đau khổ rất lớn về mặt tinh thần. Cảm giác bất tiện, thiếu thoải mái, buồn chán cũng là những dạng khổ sở khác, dù cường độ có thấp hơn nhưng chúng vẫn có thể thúc đẩy bạn đưa ra quyết định mới. Niềm vui sướng cũng có vai trò tương tự. Rất nhiều động lực trong cuộc sống xuất phát từ việc chúng ta nghĩ rằng hành động của mình sẽ đưa đến một tương lai tốt đẹp hơn, rằng việc ta làm hôm nay sẽ không uổng phí, rằng ta sẽ được tưởng thưởng quả trái thành công trong một ngày rất gần.
Những gì bạn cho là sướng hoặc khổ sẽ tạo ra số phận của bạn
Con người là sinh vật duy nhất trên hành tinh có cuộc sống nội tâm phong phú nên chúng ta không bị lệ thuộc vào hoàn cảnh. Chính cách hiểu của ta về các sự việc, hiện tượng sẽ quyết định cách ta nhìn nhận về bản thân, như cách thức ta hành động trong tương lai. Một trong những điều tuyệt vời khiến con người trở nên đặc biệt là khả năng điều chỉnh, biến đổi và chuyển từ ý tưởng thành sản phẩm cụ thể, hay ho và hữu ích hơn. Chỉ con người mới có khả năng thay đổi cách liên tưởng của mình để biến khổ đau thành niềm vui, hoặc ngược lại.
Mọi hành vi của ta, kể cả chủ ý lẫn vô tình, đều bị chi phối bởi sự sướng - khổ. Bạn có thể biết hoặc không biết chính xác khi nào thì việc lập trình và điều tiết này diễn ra. Một câu nói của ai đó, một sự cố bất ngờ, nhận giải thưởng thể thao, giây phút ngượng ngập, điểm 10 đỏ chói… đều góp phần tạo nên con người chúng ta hôm nay. Xin nhấn mạnh rằng bạn liên tưởng sự sướng - khổ với những gì thì chính những điều đó sẽ hình thành nên số phận của bạn.
Dù không muốn thừa nhận điều này, nhưng thực tế là những phản ứng theo bản năng liên quan đến sướng - khổ luôn điều khiển hành vi của chúng ta, chứ không phải là những toan tính lý trí. Theo lý trí, chúng ta biết ăn sô cô la quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe nhưng vẫn cứ để “cái miệng hại cái thân”. Tại sao? Bởi vì chúng ta không bị chi phối nhiều bởi những gì chúng ta biết theo lý trí, mà bởi những gì liên quan đến cảm giác sướng - khổ. Chính các liên hợp thần kinh xác định chúng ta sẽ làm gì. Mặc dù chúng ta hay nghĩ rằng lý trí mới thật sự chi phối mình, nhưng trong nhiều tình huống thì chính cảm xúc đã điều khiển ta.
Nếu không chủ động lên kế hoạch cho đời mình, người khác sẽ làm thay bạn
Các nhà làm quảng cáo hiểu rõ rằng lý trí không chi phối ta nhiều bằng những cảm xúc của ta về sản phẩm. Khi cảm xúc của ta lên đến đỉnh điểm như mong đợi, họ liên tục trưng ra hình ảnh sản phẩm cho đến khi ta gắn kết nó với cảm giác ham muốn sở hữu. Họ nhồi vào đầu mọi người cảm giác nếu lái chiếc BMW thì bạn là một người phi thường với gu thẩm mỹ hiếm có; còn lái chiếc Hyundai, bạn là một người thông minh có lối sống bình dị; bạn sẽ trải nghiệm cảm xúc phấn khích với chiếc Pontiac; hoặc cảm giác mới tuyệt làm sao khi được ngồi đằng sau tay lái chiếc Toyota.
Pepsi đã áp dụng chiến lược quảng bá sản phẩm theo cách này một cách xuất sắc. Họ đã nhận thấy kỳ tích trong hiện tượng Michael Jackson, một chàng trai trẻ đã dành cả đời học cách khơi dậy cảm xúc mãnh liệt của khán giả bằng giọng hát, hình thể, nét mặt và những động tác nhảy múa của mình. Cách Michael hát và nhảy đã khiến cho hàng triệu khán giả cảm thấy phấn khích, say mê đến độ phải bỏ tiền ra mua album của anh để có thể tái hiện lại cảm giác ấy. Pepsi cho rằng nếu người tiêu dùng liên kết cảm giác vui vẻ với sản phẩm Pepsi Cola như là với Michael Jackson, họ sẽ mua thức uống này như đã mua album của Michael Jackson.
Đầu tiên, Pepsi mượn hình ảnh của Michael Jackson để đưa khán giả truyền hình lên trạng thái xúc động cực độ. Rồi vào đúng thời điểm đó họ trưng ra hình ảnh sản phẩm. Hình ảnh lặp đi lặp lại như thế đã tạo ra mối liên kết cảm xúc đến hàng trăm triệu người hâm mộ Michael.
Sự thật là Michael Jackson không uống Pepsi. Anh ta thậm chí còn không cầm trên tay một lon Pepsi rỗng trước máy quay. Có thể bạn sẽ nghĩ: “Công ty này điên rồi sao. Họ thuê một gã với giá 15 triệu USD để làm đại diện trong khi anh chàng thậm chí không cầm đến sản phẩm của họ, và còn tuyên bố với mọi người rằng sau này anh ta cũng vậy. Người phát ngôn kiểu gì thế này? Thật là một ý tưởng điên khùng!”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy đó là một ý tưởng xuất sắc. Doanh số bán vượt trần, đến độ ngay sau đó L.A. Gear đã thuê Michael với giá 20 triệu USD để làm đại sứ thương hiệu cho sản phẩm của họ. Và nhờ vào khả năng “xui khiến tâm trạng” của anh, Michael và Sony/CBS đã ký kết một bản hợp đồng thu âm trong vòng 10 năm được đồn đại là trị giá hơn 1 tỷ USD. Khả năng thay đổi trạng thái cảm xúc con người của Michael Jackson đã khiến anh trở nên vô giá.
Các nhà làm quảng cáo biết cách thay đổi trạng thái cảm xúc của ta về sản phẩm bằng cách thay đổi những gì ta liên tưởng đến như là sướng - khổ. Do vậy, nếu muốn làm chủ cuộc sống của mình, ta cũng phải biết cách tự làm “quảng cáo” trong tâm trí ta. |
Quá trình “neo giữ” cảm xúc mới mẻ về một sản phẩm hay một ý tưởng nào đó là bước sơ khởi hình thành “đường dây liên kết” cảm xúc. Nhưng bây giờ hãy biết rằng bất cứ khi nào ta rơi vào trạng thái xúc cảm cao độ, khi chúng ta có những rung cảm sướng - khổ thật mạnh mẽ, thì điều gì đó độc đáo xuất hiện liên tục vào đúng thời điểm ấy sẽ được liên kết với hệ thần kinh. Trong tương lai, mỗi khi điều độc đáo ấy lặp lại, trạng thái cảm xúc có liên quan sẽ quay về.
Các nhà làm quảng cáo biết cách thay đổi trạng thái cảm xúc của ta về sản phẩm bằng cách thay đổi những gì ta liên tưởng đến như là sướng - khổ. Do vậy, nếu muốn làm chủ cuộc sống của mình, ta cũng phải biết cách tự làm “quảng cáo” trong tâm trí ta. Làm như thế nào?
Hãy thay đổi ngay lúc này
Đầu tiên, hãy viết ra 4 hành động bạn cần thực hiện nhưng đã bị trì hoãn bấy lâu nay, như giảm cân, cai thuốc lá, giảng hòa với ai đó, liên lạc với người có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời bạn…
Tiếp theo, với mỗi hành động, hãy viết ra câu trả lời cho những câu hỏi sau:
- Tại sao tôi đã không hành động?
- Trong quá khứ, tôi đã liên kết việc thực hiện hành động này với nỗi đau nào?
Bước thứ ba, viết ra những niềm vui bạn có được trong quá khứ khi cuốn theo kiểu mẫu tiêu cực này.
Ví dụ như, nếu bạn nghĩ mình nên giảm cân, tại sao bạn vẫn cứ ngấu nghiến bánh kẹo ngọt? Có thể là bạn đang tránh nỗi đau bỏ bê bản thân nên đã đồng nhất chuyện ăn uống với cảm giác vui sướng - chỉ là niềm vui nhất thời. Để tạo sự thay đổi lâu bền, chúng ta cần tìm cách nào đó mới mẻ hơn, cũng mang lại niềm vui mà không để lại hệ quả xấu.
Bước thứ tư, hãy viết ra bạn sẽ trả giá nhiều thế nào nếu không thay đổi ngay bây giờ. Và việc phải trả giá như vậy khiến bạn cảm thấy thế nào?
Cuối cùng, viết ra tất cả những niềm vui bạn sẽ nhận được khi thực hiện những hành động ấy ngay lúc này. Hãy hình dung ra mọi tác động tích cực cả trong hiện tại và trong tương lai.
Bạn nên dành thời gian ngay bây giờ để hoàn thành bài tập này, để tạo bước đà cho những thay đổi bạn mong muốn.