1. Cũng là trái sim, nhưng sim rú làng ngọt đậm quyện vị chát gắt. Cũng là trái chúc mao(*) nhưng chúc mao rú làng khi còn xanh thì xanh ngắt, lúc chín thì vàng rực, cùi không dày nhưng vị thơm cứ theo mãi người ăn. Cũng là trái trâm bầu(*), nhưng trâm bầu rú làng có màu tím đen rưng rức, gợn chút sắc xanh, chát mà béo, béo mà ngọt. Cũng là trái móc(*), nhưng trái móc rú làng tròn vo như hạt cườm, khi chín có màu đen bóng... Rồi trái nổ trắng phau, trái buông dù(*) từng chùm đen láy, ngọt sắc, trái bông tu(*) màu vàng nghệ, trái bứa chua thanh...
Rú làng (rừng của làng, tiếng Việt cổ, ngày nay các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế vẫn dùng) có cây tràm gió thâm thấp mặt cát, cao lắm cũng chỉ khoảng hai mét, thân không lớn hơn ngón chân cái, cành oằn mình đỡ những cánh lá vừa dày vừa giòn, phả tinh dầu vào không gian thơm nồng. Rú làng có cây chổi mà nếu làm chổi thì quét cả năm chưa cùn, nếu chiết tinh dầu thì có màu mật ong, chỉ vài giọt xông hay xoa là hết cảm cúm. Rú làng có cây chạc chìu(*) vươn dài thân dây trong các bụi bờ, cho những chùm hoa li ti, trắng tinh, thơm phảng phất. Không biết ai đặt tên cho loại cây này, nhưng chắc là nó được gọi như vậy lâu lắm rồi, bởi từ “chạc” (dây) trong chạc chìu là từ Việt cổ, không có trong từ điển. Dây chạc chìu không dài lắm do sinh trưởng trong rú cát thiếu dưỡng chất, nhưng vì thế mà rất dẻo. Thuở con nít, tôi đã bao lần lên rú làng tìm những cây khô về làm củi, bó bằng chạc chìu, đến giờ đôi tay vẫn còn cảm giác dẻo thơm của loại dây quý giá này. Những trưa hè lên rú, trẻ con phải đi dép làm bằng mo cau mới chịu nổi cát nóng như vừa đổ ra từ nồi rang ngô. Thuở ấy, dân làng nghèo đến mức không ai có dép, quanh năm suốt tháng, nắng nóng cũng như giá rét, cứ chân trần mà đi, tối trước khi lên giường thì cọ hai bàn chân vào nhau cho bùn đất rơi ra. Những ngày đông lên rú, bọn trẻ chúng tôi thường cào lá khô thành đống cho cháy âm ỉ, cãi nhau ồn ào như bầy bồ chao và miệng đứa nào cũng tím rịm trái trâm bầu. Lên rú thường là để chơi, say mê nhất là tìm trái bời lời. Bời lời, cùng với cây bứa, thường cao nhất rú làng, phải trèo mới hái được những trái tròn như hòn bi, nhỏ bằng đầu đũa, rất cứng nên dùng làm đạn bắn ống phóc làm từ cây tre hóp, là nhất!
Cây móc sinh trưởng tốt giữa mênh mông cát |
2. Rú làng là một mảng xanh trên cát trắng, mà nếu không có nó, thì không có làng Phương, không có bao làng khác thuộc dãy Chữ Nhất đã trên 700 năm tuổi, tức vùng đất mà trước mặt là ruộng lúa, sau lưng là đồi cát tiếp đồi cát ra tận mép biển, kéo dài suốt ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Mùa hè Bình - Trị - Thiên nắng và gió lào rát rạt, chỉ có những sim, mua, nổ, trâm bầu, tràm gió, chổi, chạc chìu, chúc mao… mới chịu được khô hạn của tiểu vùng khí hậu sa mạc này. Nhờ những loại cây ấy mà mùa gió bấc, dãy Chữ Nhất không bị cát vùi. Nhờ những loại cây ấy mà đồng ruộng dãy Chữ Nhất có nước rả rích ngày đêm theo những con troong (con mương đào từ rú ra đồng để lấy nước tưới) chảy ra đồng mà dãy Chữ Nhất nuôi sống người Chăm rồi người Việt. Không biết người Chăm đã định cư trên dãy Chữ Nhất từ thuở nào, chỉ biết sử sách ghi rằng, để cảm ơn vương triều Champa đã kề vai sát cánh cùng Đại Việt chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai, năm 1301, thái thượng hoàng Trần Nhân Tông vân du Chiêm Thành và hứa gả công chúa Huyền Trân 14 xuân xanh cho vị vua lân bang trẻ tuổi mà chí lớn Jaya Simhavarman III (Chế Mân). Năm năm sau, khi Huyền Trân trưởng thành và đang có một mối tình thầm kín mà đắm say, thì sứ bộ Champa đến Thăng Long dâng sính lễ là đất châu Ô và châu Lý (từ đèo Ngang đến Bắc Quảng Nam ngày nay) xin rước công chúa vu quy về kinh thành Vijaya (cách TP. Quy Nhơn 27 kilômét về hướng Tây Bắc). Triều đình Đại Việt phân vân, nhưng vua Trần Anh Tông đã thực hiện lời hứa của thượng hoàng. Tháng 7/1306, Huyền Trân gạt nước mắt về làm dâu nước người để Tổ quốc có thêm đất đai!
Làng Phương của tôi cũng như bao làng khác của dãy Chữ Nhất ngày nay hình thành nhờ sự hy sinh cao cả của Huyền Trân, qua việc di dân từ bắc đèo Ngang vào châu Ô để tiếp quản vùng đất sính lễ. Tôi tin rằng, trong bao di sản người Chăm để lại khi phải từ bỏ nơi chôn rau cắt rốn có những rú làng mà họ đã gầy dựng, giữ gìn từng thân cây, ngọn cỏ để chống cát bay, để giữ nước làm nông.
Lần về làng vừa rồi, tôi được đứa cháu làm thợ hồ biếu hai vật dụng cỡ bàn tay, bằng đồng, hình thuyền, y hệt nhau, còn nguyên vẹn và hầu như không rỉ sét mà nó nhặt được khi đào móng sâu xuống cát trên rú làng để xây lại mộ cho một dân làng mất đã lâu. Theo anh bạn chơi đồ cổ có tiếng của tôi ở Sài Gòn thì hai vật dụng ấy là khuôn làm bánh của người Chăm, có niên đại cả ngàn năm. Vậy là dưới rú làng Phương chắc còn ẩn chứa bao báu vật của người Chăm mà khi nhượng đất cho Đại Việt, họ không mang theo hết.
Một loại hoa mọc lên từ rú làng |
3. Rú làng tôi có khu miếu thờ một bức tượng đá của người Chăm, gọi là Thần Đá, hoặc Thần Làng, trở thành di tích văn hóa của tỉnh Quảng Trị. Chuyện kể rằng, sau khi lập làng, một thiếu phụ góa chồng, đẹp nhất vùng, nhũi cá giữa đồng hoang, nhũi cả buổi không được con cá nào, chỉ có một hòn đá ném đi mấy lần vẫn cứ vào nhũi. Thấy lạ, thiếu phụ đem hòn đá về để cạnh giường ngủ. Hòn đá lớn dần trong hình hài một người đàn ông, nhưng chỉ cao to bằng em bé khoảng bảy tám tuổi thì vĩnh viễn dừng lại. Thiếu phụ cố giấu nhưng dân làng vẫn biết, cho rằng đó là Thần Làng nên xây miếu, rước thần vào thờ. Từ ngày có thần, làng luôn được mùa, không có trộm cướp, người làm quan ngày một nhiều, con gái, đàn bà phổng phao, xinh đẹp.
Làng tôi rất nhiều lần cháy rụi trong hai cuộc chiến tranh giữ nước vừa qua, riêng căn nhà nhỏ của gia tộc tôi cháy đến chín lần, vậy mà Thần Làng vẫn nguyên vẹn, trong khi ngôi miếu và cụm dương liễu cổ thụ bao quanh đều đổ bể, sứt sẹo vì bom đạn.
Nhiều lần tôi tự hỏi, tại sao hòn đá lại hóa người, mà lại là đàn ông, trong nhà thiếu phụ mất chồng? Tại sao thiếu phụ giấu kín hình hài người đàn ông ấy mà dân làng vẫn biết và tôn làm thần? Truyền thuyết thì tha hồ thêu dệt, nhưng tại sao không thêu dệt theo hướng khác, chẳng hạn, như một buổi sáng nào đó, trong tiết thanh minh, dân làng đi viếng mộ tổ, bắt gặp một tượng đá bên mộ rồi rước về thờ, để tăng phần thiêng liêng?
Bảy trăm năm đã trôi qua, sự huyền bí trong lai lịch Thần Đá làng tôi cho mãi đến giờ vẫn là... thần bí, như vậy lại hóa hay! Nhưng tôi biết, chắc rằng trong quá trình lập làng, các vị tổ làng tôi đã bắt gặp bức tượng Chăm ấy và thờ phụng, xem như một vật thiêng nơi mảnh đất còn xa lạ, xem như sự tri ân với dân tộc đã nhường một phần lãnh thổ cho mình, rồi các lớp hậu duệ dựng lên câu chuyện đá hóa người để truyền đời...
Rú làng tôi và rú làng cả dãy Chữ Nhất trên những cồn cát trắng phau luôn di chuyển và luôn phải dừng lại trước mảng xanh rời rợi ấy là một kho thuốc nam, bởi gần như loại cây chịu hạn nào cũng chữa được những bệnh thường gặp, từ dùng lá để xông đến sắc lấy nước uống. Trước đây, dân dãy Chữ Nhất còn có tập quán đúng trưa ngày 5 tháng 5 âm lịch, ngày Tết Đoan ngọ, là lên rú lấy vài chục loại lá, gọi là lá mùng 5 về bằm nhỏ, phơi khô nấu nước uống quanh năm. Có lẽ không có loại nước uống từ loại thảo dược nào vừa bổ vừa ngon, lại chữa được nhiều bệnh như lá mùng 5.
Qua bao thiên niên kỷ, rú làng dãy Chữ Nhất, rú làng Phương của tôi không còn nguyên vẹn, nhất là mấy chục năm trở lại đây, do phong trào xây lăng mộ, do bị phá trộm để trồng cây keo bán gỗ. Nếu để mất rú làng thì mất một phần hồn của vùng quê. Vì thế mà trong chuyến về làng vừa qua, tôi đã chụp một bộ ảnh hàng trăm tấm về rú làng, hầu hết là đặc tả những loại cây có sức chịu hạn phi thường, để mỗi lần nhớ quê lại thấy những chúc mao, trâm bầu, những trái nổ, trái sim...
(*) Các loại cây hoang dã theo tên địa phương, có trái rất ngon.