Oscar 2020: Chuyện chưa kể về phục trang trong phim

Minh Nguyễn| 15/02/2020 06:00

Để làm nên một bộ phim hay, không chỉ cần có biên kịch, đạo diễn hay diễn viên, mà người đảm nhận phần thiết kế bối cảnh, phục trang cho phim, hay các pha kỹ xảo, âm thanh cũng quan trọng không kém.

Oscar 2020: Chuyện chưa kể về phục trang trong phim

Chưa có thời điểm nào như tại Oscar 2020, người yêu điện ảnh được chứng kiến những màn thiết kế phục trang ấn tượng như vậy. Sự đặc biệt này bắt nguồn từ chính những bộ phim năm nay khi đa phần đều có độ lùi nhất định so với hiện tại. Điều này mang đến thách thức không hề nhỏ cho các nhà thiết kế phục trang, đồng thời tạo cơ hội để họ thể hiện tài năng.

Giải “Thiết kế phục trang xuất sắc nhất” đã thuộc về Jacqueline Durran - nhà thiết kế (NTK) người Anh đảm nhận phần phục trang cho Little Women - bộ phim của nữ đạo diễn Greta Gerwig. Trước đó, Durran từng thiết kế cho nhiều tác phẩm như Pride & Predjudice (2005), Atonement (2007), Anna Karenina (2012), Beauty and the Beast (2018) và Darkest Hour (2018) và từng nhận được nhiều đề cử, giải thưởng danh giá.

Little Women được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nữ nhà văn Louisa May Alcott, kể cuộc đời bốn chị em nhà March: Meg, Jo, Beth và Amy trong nội chiến Mỹ (1861-1865). Họ có tính cách, số phận và ước mơ riêng, muốn thoát khỏi sự phong tỏa của chế độ gia trưởng.  Với kinh nghiệm dày dặn từng nghiên cứu nhiều về trang phục lịch sử, Durran đã dựa vào một chi tiết nhỏ trong tiểu thuyết gốc: màu sắc của mỗi cuốn sổ mà người mẹ tặng các con gái, để thiết lập bảng màu cho mỗi nhân vật nhằm thể hiện nội tâm, tính cách và sự trưởng thành của họ qua từng giai đoạn. Jo mạnh mẽ, trách nhiệm gắn liền với màu đỏ, pha màu chàm, Meg là tuýp phụ nữ gia đình nên gắn liền với màu xanh lá cây và tím oải hương, Amy thì trung thành với các gam xanh pastel, điểm xuyến chi tiết cầu kỳ, trong khi Beth “trung thành” với hồng nhạt và nâu bộc lộ tính cách nhút nhát.

Durran cũng không hoàn toàn tuân thủ quy tắc trang phục thời Victoria - thời kỳ câu chuyện diễn ra. Thay vào đó, NTK thêm nhiều chi tiết hiện đại trên những bộ váy truyền thống, phù hợp với tinh thần cấp tiến của gia đình March. 75 bộ trang phục được thiết kế cho 4 diễn viên chính và vai người mẹ được các tạp chí thời trang khen ngợi hết lời. Tạp chí Elle nhận xét những bộ váy mềm mại, áo khoác ngắn phong cách menswear hay bốt cao ngang mắt cá chân trong phim đủ sức xuất hiện trên sàn diễn thời trang cao cấp.

Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến phục trang của các bộ phim khác trong bảng đề cử năm nay. Với Once Upon a Time in Hollywood - “bức thư tình” mê đắm của đạo diễn Quentin Tarantino, NTK Arianne Phillips đã tái hiện thành công hình ảnh thời vàng son của kinh đô điện ảnh. Trang phục trong phim có khoảng 50% là đồ thiết kế và 50% đồ vintage được tìm kiếm khắp nước Mỹ. Những mảnh hồi ức về sự giao thoa của thập niên 1960 và 1970 với gu thời trang tinh tế, đầy hơi thở phóng khoáng như đồ jeans, chân váy chữ A, kính phi công, bốt go-go (loại bốt thấp gót vuông), trang phục denim và da... được hòa trộn tài tình, gợi lại một thời kỳ huy hoàng, tươi đẹp đã vĩnh viễn mất đi.

Phục trang của nhân vật Joker trong bộ phim cùng tên chứng minh NTK am tường thời trang thập niên 80 - Mark Bridges đã chinh phục được yêu cầu ê kíp làm phim đặt ra: điên rồ, ma mị nhưng hoàn toàn khác những phiên bản trước.

Sinh ra trong một tầng lớp bị khinh miệt trong xã hội, ban đầu Arthur Fleck - tên thật của Joker - mặc trang phục cũ kỹ sờn rách, gam màu trung tính hoặc nâu vàng mang vẻ u buồn, khốn khổ. Khi hóa thân thành chú hề, Joker diện trang phục sặc sỡ lấy cảm hứng từ gã hề Pogo. Những đường nét sắc cạnh góp phần vào hình ảnh đáng sợ của gã trong mắt trẻ em. Bông hoa cài trên trang phục biểu diễn của Arthur cũng gợi nhớ đến bông hoa phun axit của Joker - một trong những vũ khí hắn thường sử dụng trong tác phẩm truyện tranh. Ở đoạn kết phim, bộ cánh của Joker nổi bật hơn bao giờ hết với mái tóc màu xanh bông cải, bộ suit đỏ kết hợp áo gilet vàng và sơ mi xanh lá cây - trái ngược hoàn toàn với hình ảnh lúc đầu phim.

Trong khi đó, với tinh thần châm biếm nhẹ nhàng, tủ quần áo của Jojo Rabbit lại sở hữu sắc màu tươi sáng, thể hiện tinh thần tự do, lạc quan, trái tim giàu lòng trắc ẩn của các nhân vật. The Irishman - kiệt tác dòng phim gangster tốn nhiều công sức của đạo diễn huyền thoại Martin Scorsese lại vẽ nên thế giới thời trang lịch lãm của những quý ông với những bộ suit chuẩn mực từ chất liệu đến đường cắt, áo khoác măng tô, áo khoác da, khăn choàng, kính phi công... nhờ bàn tay và khối óc khéo léo của NTK Sandy Powell.

Thế mới thấy, phục trang không chỉ là lớp vỏ bên ngoài mà còn cài cắm nhiều tầng lớp ý nghĩa về nhân vật, bối cảnh xã hội và thúc đẩy mạch phim. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Oscar 2020: Chuyện chưa kể về phục trang trong phim
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO